Dựa vào dân, thu phục lòng tin của dân

“Trong đời tôi, có hai kinh nghiệm tâm đắc nhất rút ra từ nhiều năm làm công tác dân vận. Đó là, thời chiến, làm dân vận không tốt thì chết ngay trong tích tắc và thời bình, không làm tốt dân vận thì chết dần chết mòn”, Đại tá Trần Kim Hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) tâm sự về vai trò công tác vận động quần chúng qua thực tiễn đấu tranh cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ đổi mới.

Mô tả ảnh.
Dù tuổi cao nhưng Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Kim Hùng vẫn tâm huyết với công tác vận động quần chúng.

“Trong đời tôi, có hai kinh nghiệm tâm đắc nhất rút ra từ nhiều năm làm công tác dân vận. Đó là, thời chiến, làm dân vận không tốt thì chết ngay trong tích tắc và thời bình, không làm tốt dân vận thì chết dần chết mòn”, Đại tá Trần Kim Hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) tâm sự về vai trò công tác vận động quần chúng qua thực tiễn đấu tranh cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ đổi mới.

Đã bước sang tuổi 80 nhưng Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Kim Hùng (tổ 14, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) vẫn không giảm lòng nhiệt huyết đối với công tác vận động quần chúng. Cả cuộc đời, ông không bao giờ quên lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tiễn bộ đội vào Nam đánh giặc, đó là: Dù thế nào cũng phải giữ bí mật và làm dân vận cho thật tốt. Cũng từ lời dặn dò của Bác mà mấy chục năm nay, bất kể làm việc gì, đi đến đâu, ông đều gắn bó với dân, tìm cách gần gũi, giúp đỡ nhân dân, vận động những người sống quanh mình cùng thực hiện lý tưởng xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Đại tá Trần Kim Hùng tâm sự: “Thực tiễn dạy cho tôi nhiều điều, trong đó, quan trọng nhất là phải làm dân vận cho tốt. Trong thời chiến, nếu không làm dân vận tốt thì người dân không tin tưởng vào cán bộ, vào cách mạng. Nếu chẳng may họ mất lòng tin vào Đảng, vào cán bộ, trong một lúc nào đó, họ có thể không muốn che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng và thậm chí, có thể báo với địch sự có mặt của lực lượng kháng chiến. Điều đó nếu xảy ra, chẳng những ta không giữ được tính mạng mà công cuộc kháng chiến cũng dễ bị thất bại”.

Quả thật, trong thời kỳ chiến tranh, nhân dân là lực lượng rất quan trọng, họ là hậu phương vững chắc nhưng cũng sẵn sàng cầm súng đánh giặc, bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ cách mạng. Biết bao nhiêu chiến sĩ đã sống trong lòng dân, cùng ăn, cùng ở, cùng chia ngọt sẻ bùi với nhân dân. Có những lúc, dân nuôi giấu cán bộ cách mạng nhiều ngày liền mà không hề e sợ nguy hiểm cho tính mạng của gia đình mình. Đại tá Trần Kim Hùng nhấn mạnh:

“Bác Hồ nói phải dựa vào dân, vận động nhân dân tham gia làm cách mạng. Thời kỳ tôi sống ở vùng đồng bào dân tộc ít người, muốn làm dân vận tốt thì phải biết tiếng và chữ dân tộc. Phương châm “3 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm cũng phải phù hợp với tập quán của từng vùng, nếu không khó thu phục được lòng tin của dân. Nếu sơ suất thì sẽ mất lòng dân, một khi đã mất lòng dân thì cuộc vận động quần chúng sẽ thất bại”. Thời chiến, khi cán bộ cách mạng về sống trong dân nếu mất lòng tin của dân thì khó bảo toàn tính mạng vì địch có mặt ở khắp nơi, “chúng tôi phải tranh thủ thêm bạn, bớt thù, phải tạo lòng tin của nhân dân để họ cùng với mình đánh giặc”.

Một trong những hình thức vận động dân hữu hiệu nhất lúc bấy giờ là thông qua tuyên truyền miệng. Đại tá Trần Kim Hùng nhớ lại: “Bất cứ lúc nào gặp dân tôi đều tranh thủ tuyên truyền, hỏi han chuyện nọ chuyện kia để tạo lòng tin của họ. Chiều từ núi xuống đồng bằng gặp dân thì bày vẽ họ chuyện này chuyện kia, sáng gặp thì kể họ nghe chuyện của Đảng, Bác Hồ, chuyện cách mạng..., cứ như vậy, mưa dầm thấm lâu”. Theo Đại tá Hùng, thời kỳ đó, người dân thường chú ý xem người tuyên truyền như thế nào, có đáng tin hay không, do vậy, bản thân cán bộ cũng phải rèn mình cho tốt để người ta tin mình.

Lúc bấy giờ, tài liệu ít, báo chí cũng không nhiều nên tuyên truyền miệng là hình thức cơ bản nhất để tạo lòng tin của dân. Hình thức này dù không nói lý luận nhiều nhưng lại truyền đi rất nhanh, nhiều thông tin bổ ích đến với nhân dân kịp thời và liên tục. Với những biện pháp hiệu quả, thời kỳ kháng chiến cứu nước, cán bộ cách mạng đã vận động quần chúng nuôi giấu cán bộ, chuẩn bị lương thực, làm giao liên dẫn đường, canh gác bố phòng và bảo đảm an toàn cho những người kháng chiến sống trong vùng địch.

Đối với Đại tá Trần Kim Hùng, trong thời bình, muốn làm dân vận tốt thì phải thường xuyên xây dựng lòng tin trong dân, sát người, sát việc, khi gặp khó khăn phải giải quyết thấu tình đạt lý, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư. Là người nhiều năm liền gắn bó với công tác xã hội ở địa phương, lại đảm trách nhiều cương vị khác nhau như cán bộ Hội Chữ thập đỏ, Bí thư Chi bộ Đảng khu dân cư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Trung, Đại tá Hùng luôn xác định phải vận động dân cho thật tốt thì công việc gì cũng thuận. Khi được giao nhiệm vụ gì, ông đều xem xét tình hình thực tế kỹ lưỡng rồi tự đề ra nội dung, phương pháp vận động cán bộ, hội viên, nhân dân cùng thực hiện.

Theo ông, sự phát triển của thành phố Đà Nẵng có những điểm nổi bật nhưng cũng không tránh khỏi hạn chế. Vấn đề là người cán bộ phải gần dân, sát dân, phải tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chia sẻ với những nỗ lực của Đảng, chính quyền thành phố trên con đường xây dựng và phát triển. Bên cạnh đó, để làm dân vận tốt thì cán bộ, đảng viên phải không sợ dốt, không sợ xấu hổ, phải dựa vào quần chúng, vừa học vừa làm, chịu khó đi sâu đi sát phong trào. “Dân vận là phải vận động tất cả những người chung quanh mình để tập hợp thành một lực lượng cùng chí hướng. Không kể là người dân bình thường hay là cán bộ, đảng viên, ta có thể vận động cả người cán bộ lãnh đạo, chỉ ra những điều hay, điều phải để họ thuận tình và có những quyết sách đúng đắn cho sự phát triển của địa phương”, Đại tá Hùng khẳng định.

Bao nhiêu năm gian khổ đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc và nỗ lực đóng góp xây dựng quê hương, đến bây giờ, Đại tá Hùng vẫn tâm đắc với kinh nghiệm để đời của mình là: “Trong chiến tranh mình làm công tác dân vận khéo thì nhân dân sẽ một lòng theo Đảng đến cùng, nhưng nếu làm không khéo thì chẳng những mất dân mà có khi phải đổi lấy sinh mệnh. Trong hòa bình, nếu làm công tác dân vận không tốt thì sẽ chết dần, chết mòn đi đến sụp đổ cả một chế độ”.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

Đọc thêm