Để đến được nhà của Ma Thị Di ở xã Đức Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang phải trải qua một chặng đường đi với đường vách đá cheo leo. Đến hỏi, ai trong làng cũng biết nhà em Di bởi lẽ nhà em “nghèo lắm, nghèo nhất cái xã này”.
Cuộc sống bữa no, bữa đói nhưng Di lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ. Sự bình yên ấy ngắn chẳng tày gang khi mới 12 tuổi mẹ em đột ngột ra đi. Từ ngày mẹ mất, mọi khó khăn, nhọc nhằn đều đè nặng lên đôi vai nhỏ, gầy của em. Mới học đến lớp 7 nhưng em có thể tự làm được mọi việc mà không cần người lớn giúp đỡ, từ nấu cơm, chăn vịt hay sửa chữa các đồ vật trong nhà.
Người cha - trụ cột chính trong gia đình đau buồn vì sự ra đi của vợ nên suốt ngày rượu chè, cờ bạc, không chăm lo đến gia đình. Cả nhà chỉ trông chờ vào đồng lương còm của bố. Nhiều bữa cơm chỉ có rau, cua suối do Di bắt được.
Tuổi thơ Di lớn lên cùng những trận đòn không lí do của bố và những bữa cơm đạm bạc. Dù đã học lớp 7 nhưng thân hình em nhỏ thó, ốm yếu, kém hẳn các bạn cùng trang lứa. Với áp lực tâm lí lúc nào cũng sợ sệt, hoảng loạn bởi lẽ không biết bao giờ thì bố về, bao giờ thì bố sẽ đánh mình, hoặc đoán xem hôm nay bố vui hay bố đang bực mình, với em là cả một sự ám ảnh.
Sống trong sợ hãi như vậy nhưng ước mơ được đi học chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí em. Em mong được đến trường, được học hành và gặp gỡ bạn bè để quên đi những vất vả, nhọc nhằn mà em phải gánh vác.
Cô Triệu Thị Mạo - giáo viên chủ nhiệm lớp Di nói: “Lực học của em thuộc trung bình khá, nhưng sự cố gắng của em rất đáng ghi nhận. Em không được đi học đều, buổi đi buổi nghỉ nhưng ngồi học em luôn chăm chú nghe giảng. Những hôm mùa đông em mặc không đủ ấm đến trường, tôi lại gom góp quần áo cũ mang đến cho em. Thương em, nhưng ở đây ai cũng nghèo, chỉ giúp em được như vậy thôi...”.
Nhưng nào đã hết, gần đây bố em không cho em đến trường nữa vì sợ không có người lo lắng việc đồng áng. “Lần đầu em cắp sách đến trường thì bố em níu em lại, em chỉ biết khóc và xin bố cho con đi học để con kiếm cái chữ. Nhờ có các thầy, cô giáo đến vận động, khuyên nhủ bố thì em mới được đến trường, nhưng với điều kiện là em phải làm hết mọi việc trong nhà, từ chăn vịt, nấu cơm, vào rừng kiếm củi đến làm ruộng” - Di rưng rưng kể.
Thầy Nguyễn Dương Minh - Hiệu trưởng Trường THCS Đức Xuân nơi Di đang theo học cho biết: “Nhà trường gần như cắt giảm hết mọi khoản đóng góp, đồng thời có hỗ trợ thêm để em Di có thể đến trường đều đặn. Những lần em nghỉ học cả tuần liền không có lí do, chúng tôi cũng cho người về để vận động, động viên em tiếp tục đến trường”.
Sinh ra ở nơi nghèo khổ, cuộc sống chồng chất những khó khăn nhưng Di vẫn chưa một lần từ bỏ ước mơ rằng bố có thể cho em học hết lớp 9, rồi kiếm cho em một nghề để theo học, thoát khỏi cuộc sống quanh năm chân lấm tay bùn. Ước mơ này với một ai đó thật bình thường, nhưng với Di sẽ là một chặng đường rất dài. Chia tay trong buổi chiều chạng vạng, nắng đã tắt trên những đỉnh núi, nụ cười hiền lành của em vẫn ám ảnh tôi không dứt trên đường về…