Trong suốt bốn mươi lăm năm hoằng hoá suốt lưu vực sông Hằng (Ganges) và vùng chân núi Hy Mã Lạp Sơn, Đức Phật đã sống rất nhiều trong rừng. Cây thường được nhắc đến trong Kinh điển, và nhiều loại cây khác cũng gắn bó cuộc đời Đức Phật.
Đức Phật không phải là vị thần linh, thượng đế
Đọc về cuộc đời Đức Phật, chúng ta không thể không để ý đến tầm quan trọng của cỏ cây trong cuộc sống Ngài. Hầu hết chúng ta đều chỉ nghe đến cội Bồ Đề Ngài ngồi toạ thiền và thành Đạo, tuy nhiên, còn nhiều cây khác nữa. Xã hội Đức Phật sinh ra dường như rất quan tâm và quý trọng cây cối.
Liên hệ giữa con người và thiên nhiên thấm nhuần cả nền văn hoá, vì ai cũng thấy rõ rằng mình hoàn toàn lệ thuộc vào môi trường. Đây là khía cạnh làm hấp dẫn thêm câu chuyện về cuộc đời của bậc đạo sư khai sáng một tôn giáo có thể được gọi là từ bi nhất trong các tôn giáo lớn trên thế giới.
Đản Sinh trong Rừng Sal (Sa-La)
Đức Bồ Tát đản sinh ở rừng Lumbini, ngoại thành Kapilavatthu, tại xứ Nepal ngày nay. Ở đây rừng mọc chủ yếu là loại cây Sal, có tên khoa học là Shorea robusta. Ảnh minh họa.
Đức Bồ Tát đản sinh ở rừng Lumbini, ngoại thành Kapilavatthu, tại xứ Nepal ngày nay. Ở đây rừng mọc chủ yếu là loại cây Sal, có tên khoa học là Shorea robusta. (Đây là một loại cây phổ biến ở chân Hy Mã Lạp Sơn, được dùng để làm nhà và các vật dụng cần thiết của dân địa phương.)
Thân mẫu của Ngài, Hoàng Hậu Maya, khi ấy đang cùng với đoàn tùy tùng đi về nhà cha mẹ để sinh con. Bà lại nghỉ dưới gốc một cây Sal, cây liền nghiêng nhánh xuống cho bà vịn. Hoàng Hậu vừa vin cây thì cậu bé Siddharta ra đời. Truyền thuyết kể rằng “Cậu bé đi bảy bước về bốn hướng, và hoa sen nở ra dưới mỗi bước chân cậu. Cậu bé nói: ‘Ta không còn phải thọ sinh nữa, vì đây là thân chót của ta.’
Hoa Sal (Shorea robusta)
Phật giáo Việt Nam thời kỳ sơ khởi, theo GS Lê Mạnh Thát, có thể gọi là thời kỳ Phật giáo Pháp Vân (đầu Công Nguyên,) xây dựng quanh truyền thuyết Man Nương sinh con vào ngày mồng 8 tháng 4, gởi con trong bọng cây Dâu. Sau này cây được tạc thành tượng Phật rất thiêng gọi là Bụt Pháp Vân. Lễ rước tượng Bụt Pháp Vân hằng năm vẫn còn tiếp tục đến bây giờ. (Chi tiết thú vị là đứa con Man Nương hạ sinh là bé gái. Một dấu ấn của xã hội mẫu hệ?) Thời kỳ Phật giáo Pháp Vân cũng chính là thời kỳ yếu tố ảnh tượng đang phát triển trong Phật giáo Ấn Độ.
Trước đây người ta chỉ dùng hoa sen, lá Bồ Đề để biểu trưng cho Phật, đến thế kỷ thứ nhất tượng Phật mới ra đời. Phải chăng đây cũng chính là thời kỳ các yếu tố truyền thuyết cổ đại của Ấn Độ (như chuyện Người Cây) đang bắt đầu len lỏi đi vào câu chuyện Đản Sinh? Câu chuyện Man Nương là dấu tích của sự hoà lẫn của đạo Phật với các yếu tố văn hoá của người Ấn và người Việt cổ.
Có người gọi cây mà đức Phật Đản sinh là cây Asokha hay Simsapa tức cây Vô Ưu không biết có phải vì vua A Dục (Asokha) đã trồng cây này ở nơi đức Phật Đản sinh hay không? Khi tra cứu, chúng tôi thấy cây Asokha hay Asoka - Vô Ưu - tên khoa học là Saraca indica, không xa lạ gì, chính là cây bông trang.
Mừng Phật đến với chúng sinh
Nhập Niết Bàn trong rừng cây Sal
Đức Phật đã chọn nằm xuống giữa hai cây Sal để nhập diệt. Ảnh minh họa. |
Đức Phật đã chọn nằm xuống giữa hai cây Sal để nhập diệt. Truyền thuyết kể rằng tuy lúc đó là ngày thứ 15 của tháng trăng tròn thứ Sáu theo lịch Ấn Độ, hay tháng Visakha (khoảng giữa tháng Năm Dương Lịch hay rằm tháng Tư Âm Lịch – theo Nam Tông) nhưng cây sal nở rộ hoa khi Ngài nhập diệt. Đây dĩ nhiên có phần biểu tượng (ẩn dụ), nhưng một lần nữa cũng cho thấy mối liên hệ kỳ diệu của Ngài với những cây Sa-La này. Thường cây Sal nở hoa vào đầu mùa Xuân (tháng 3-4.) Lễ hội Sarhu hay Hội Hoa Sa-La vẫn còn được nhiều sắc dân cao nguyên Chotanagpur tổ chức hằng năm.
Chúng ta biết rằng các nước Phật giáo Nam Truyền kỷ niệm ngày Phật Đản, Thành Đạo và Nhập Niết Bàn đều vào ngày rằm tháng Vesakha (khoảng giữa tháng 5 Dương Lịch.) Ngày lễ ấy gọi là Vesak, lấy từ tên của tháng Vesakha này. Các nước Phật giáo Bắc truyền thì kỷ niệm Phật Đản vào ngày rằm tháng 4, Phật Thành Đạo vào ngày rằm tháng Chạp và Phật Nhập Niết Bàn vào ngày rằm tháng 2 Âm Lịch. Nam Tông lấy ngày rằm tháng sáu, ngày Đức Phật Chuyển Pháp Luân tại Lộc Uyển, làm ngày bắt đầu An Cư Kết Hạ, trong khi Bắc Tông lại chọn ngày Rằm tháng Tư làm ngày bắt đầu mùa An Cư.
Sự khác biệt của các ngày Vía và ngày An Cư phải chăng một phần đến từ sự khác biệt của thời tiết và mùa màng địa phương? Các nước Phật giáo thời bấy giờ đều là xã hội nông nghiệp, sử dụng lịch tính theo tuần trăng. Khi đạo Phật truyền sang Tây Phương, thì chư tăng các nước này lại có khuynh hướng chọn mùa Đông làm mùa An Cư, bởi vì đó chính là lúc thời tiết khắc nghiệt nhất, bất tiện cho việc du hành.
Cậu bé Siddharta bảy tuổi ngồi thiền dưới cây Jambolan
Một hôm, theo truyền thống hoàng gia, nhà vua phải thực hiện lễ cày đất ở ngoại thành Kapilavtthu. Siddharta được đi theo cha. Cậu bé ngồi nhìn diễn tiến buổi Lễ dưới một gốc cây mà trong Patåhamasambodhi nói là cây Jambupikkha, hay còn gọi là cây Jambolan hay Kala Jam (cây Hồng Quân).
Câu chuyện được diễn tả một cách thi vị: Cây “được phú những nhánh sum suê như rặng núi Indanil với tàng toả rộng một khoảng im mát... Trái tim trong sáng của hoàng tử, được phú một khả năng thành Phật trong tương lai, đã chuyển sang trạng thái tĩnh lặng và đi vào Định (samadhi) một cách tự nhiên, đó là trạng thái Sơ Thiền (jhana.)
Vào xế trưa, khi lễ cày đất đã hoàn mãn, thị vệ chạy đi tìm hoàng tử, họ đã nhìn thấy bóng cây Jambolan mà hoàng tử ngồi bên dưới vẫn còn dừng lại ở vị trí của lúc chính Ngọ chứ không dịch đi theo sự chuyển vận của mặt trời.”
Đức Phật là thầy của trời người
Cây Jambolan (Syzygium jambolanum, Hồng Quân?)
Bảy tuần lễ ở làng Uruvela (nay là Bồ Đề Đạo Tràng – Bodhgaya):
Theo Nam Tông, Bụt thành đạo dưới cây Bồ Đề tại Uruvela vào ngày Vaisakha Poornima, ngày trăng tròn trong khoảng tháng Tư - Năm Dương Lịch. Truyền thuyết kể rằng sau khi thành Đạo, Ngài đã ở lại làng Uruvela (khu vực Bồ Đề Đạo Tràng) 7 tuần để hành thiền và điều phục các căn. Trong thời gian đó, Ngài đã ngồi dưới cây Bồ Đề và một vài cây khác. Các văn kiện ghi chép về thời gian bảy tuần này không thống nhất các chi tiết như thời điểm v.v.., nhưng chúng ta hãy thử ghi lại ở đây những điểm cốt yếu. Chúng ta cũng nên nhớ rằng bảy tuần lễ có thể là một biểu tượng (ẩn dụ) hay một phương tiện để trình bày giáo lý hơn là một câu chuyện lịch sử có thật.
Tuần thứ nhất
Trong tuần đầu, Đức Phật ngồi dưới cây Bồ Đề (Ficus religiosa) và giác ngộ ở đây. Trước khi thành Đạo, Ngài đã nhận bát đề hồ (kheer) từ cô gái chăn cừu Sujata. Cũng tại đây, Ngài đã chiến đấu với Mara, chúa tể của sự Chết và Dục Vọng (thèm khát.) Thách thức cuối cùng của Mara là nghi ngờ về lời tuyên bố giác ngộ của Ngài. Đức Phật đã gọi Bà Mẹ Đất đến chứng minh cho sự thực ấy. Nữ Thần Đất đã hiện lên, và giúp Ngài quét sạch đội quân Ma.
Nơi Đức Phật ngồi, dưới cội Bồ Đề, được gọi là “Toà Chánh Giác.” Vua A Dục, một Phật tử sùng Đạo, đã dựng lên một toà Kim Cương (Vijrasana) ở đây, nơi được gọi là “Cái Rốn của Đại Địa.” Cành giâm của con cháu cây Bồ Đề nguyên thỉ đã được trồng gần đó.
Đức Phật thành Đạo khi trời vừa hửng sáng. Người ta nói rằng khi đó chư thiên trổi nhạc, múa hát để mừng Ngài.
Tuần thứ hai
Nhiều nơi kể rằng đức Phật ngồi dưới cây Banyan (Ficus benghalensis.) Ngài lại chạm trán Mara qua ba người con gái của y, với tên gọi: Tanha (Ái Dục), Arati (Bất Mãn) và Raga (Tham Vọng.)
Không một cám dỗ nào có thể làm dao động thiền định của Ngài.
Cây Banyan mà Ngài ngồi còn được biết với tên ‘ajapalanigrodha’, ‘ajapala’ có nghĩa là ‘chỗ của những người chăn dê’ và ‘nigrodha’ có nghĩa là ‘cây Banyna.’ Theo truyền thuyết, cây đa này là nơi những người chăn dê trong vùng thường ngồi nghỉ trong khi thả cho bầy dê ăn cỏ. Cây banyan theo hình dạng và cách đâm rễ (thòng xuống từ thân) có lẽ chính là cây đa.
Lá và quả Banyan
Có những nơi khác kể rằng Đức Phật đã đứng nhìn cây Bồ Đề không chớp mắt trong tuần thứ hai và đi đến cây Banyan sau này.
Cây Banyan (Ficus benghalensis)
Ảnh minh họa. |
Tuần thứ ba
Chúng ta có vài thuyết khác nhau. Có nơi nói Đức Phật ngồi gần hồ Mucalinda trong khi chỗ khác lại nói sự kiện này xảy ra vào tuần thứ 6.
Khi ấy có bão tố sấm sét lớn và mưa tuông xối xả trong suốt bảy ngày liền. Rắn chúa ‘Muchalinda’ từ dưới hồ bò lên quấn quanh thân Đức Phật vài vòng và ngóc đầu lên làm một cái lọng che cho Ngài trong suốt thời gian đó.
‘Cuộc đời Đức Phật qua hình ảnh’ trên www.budsir.org giải thích Mucalinda là một loại cây, nguyên văn như sau:
“Mucalinda là một loại cây phổ biến ở Ấn Độ, xuất hiện nhiều trong văn chương Ấn như các tác phẩm Jatakas và nhiều tác phẩm khác. Trong Vessantara Jataka, mucalinda là cây mà Bồ Tát thường lui tới khi bị đày trong rừng.”
“Cây mucalinda ở Thái Lan gọi là cây ‘jik.’ Có vẻ đúng, vì hai cây đều mọc ở những chỗ ẩm như bờ sông, gần bờ hồ, cả hai đều có màu trắng và đỏ. Lá cây lớn như lá cây gioi (rose-apple, miền Trung gọi là cây đào, miền Nam gọi là cây mận.) Lá non có vị the, ngon thường dùng như một loại rau sống chấm với tương ớt. Vị cũng giống như vị lá cây gioi (rose-apple.) Cây thường có lá dày cho nhiều bóng mát.”
Chưa có dịp thấy cây jik của Thái Lan, chúng tôi không biết cây ‘jik’ có phải là cây Lý hay không? Mucalinda như vậy có lẽ là một giống mận Ấn Độ.
Người ta bảo con rắn quấn quanh Đức Phật bảy vòng. Trong một số hình, con rắn này có bảy đầu. Rắn thường không phải là một hình tượng được ưa chuộng, nhưng rắn là một biểu tượng cổ về nội lực - sức sống có chiều sâu và sự phong phú. Những loài tử tế từ đáy hồ đi đến thường là biểu tượng của sự hoà điệu tuyệt hảo hay trực giác.
Những con rắn thần thoại từ ngàn xưa vốn thường đi kèm với cây. Không chỉ như một tiếng nói cám dỗ trong trường hợp con rắn vườn Địa Đàng, mà thường là bạn của cây.
Cây và rắn là những loài có những phẩm chất đóng vai trò hoạch định ‘tình trạng của thế giới’ và sự lưu chuyển năng lượng của thế giới.
Đức Phật đã an trú trong Đại Định, không dao động trước bão tố, sự rung chuyển từ bên trong hay bên ngoài.
Hình ảnh Đức Phật được bảo hộ bởi con rắn cũng là một bài học gián tiếp về lợi ích của sự phát triển lòng từ bi.
Tuần thứ tư
Đức Phật ngồi thiền dưới cây Rajayatana quán Lý Nhân Duyên. (Có nguồn nói Ngài ngồi dưới gốc cây này trong tuần thứ bảy.) Trong khi an trú trong Định, người Ngài toả ra sáu lằn ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, cam và tổng hợp của các màu này. Lá cờ Phật giáo quốc tế được thiết kế dựa theo những màu này.
Hai thương gia từ Miến Điện đi xe ngang qua đó, nghe về Ngài bèn đến cúng dường thực phẩm nhưng Ngài không có bát để nhận. Tứ Thiên Vương - bốn vị trời hộ thế - đã mang bát đến cúng dường Ngài. Bụt nhận bốn cái bát và chú nguyện cho chúng biến thành một. Hai thương gia này đã trở thành hai đệ tử tại gia đầu tiên của Bụt.
Cây Rajayatana (tiếng Thái là Mai Ket) có tên khoa học là Buchanania latifolia - Anacardiaceae - thuộc họ Điều Lộn Hột:
“Cây cao trung bình, mọc ở Ấn Độ, Myanmar, Laos, Thailand, Việt Nam, Yunna. Quả màu đen, có một hạt hình dạng trái lê, dài 1cm, nhiều dầu, ăn được, giống vị hạt hạnh nhân và pistachio (hồ trăn) – thỉnh thoảng nhập vào châu Âu gọi là ‘almondettes’, ăn sống hay rang lên, hoặc bỏ trong mứt, được giã ra làm bánh ở Ấn Độ, hạt được làm dầu thế cho dầu almond hay olive; vỏ cây và trái dùng làm véc ni (sơn dầu); vỏ cây cũng dùng để làm thuộc da; chất gôm (chảy từ cây) là dược liệu cổ truyền để trị bệnh phong hủi, phỏng, bệnh tả, bí tiểu, sốt nhiệt, sưng lợi, lao phổi; gỗ dùng làm củi, cây được trồng để chống sự xói mòn. Nhân có 51.8% dầu, 12.1% đạm, 21.6% tinh bột, 5% đường. (Theo dữ liệu của UN-FAO (Tổ chức Lương Thực và Nông Nghiệp của Liên Hiệp Quốc.))
Chúng tôi tham khảo thêm các tự điển thực vật về cây Buchanania latifolia và thấy trái cây này khi còn non có màu xanh. Theo những mô tả này thì cây Rajayatana có thể là cây dầu lai, vốn có trái nhỏ màu xanh khi còn non, đến khi già thì đổi sang màu đen. Ở Huế - Việt Nam, hạt dầu lai thường dùng để thế dầu ăn.
Có những nguồn khác, nói cây Rajayatana còn gọi là Kiripalu, với cùng tên khoa học là Buchanania latifolia (ở Bồ Đề Đạo Tràng có di tích cây Rajayatana này.) Chúng tôi tra cứu và chỉ thấy có cây Kripalu mà thôi, cây Kripalu tức là cây kè. Như vậy thuyết đồng nhất cây Kiripalu với cây Buchanania latifolia có thể đã không đúng.
Phật thuyết tam chuyển pháp luân kinh
Tuần thứ năm
Đức Phật trở lại cây Banyan (Ficus benghalensis - Hồng Quân?.)
“Ngài quán chân đế mà Ngài đã chứng ngộ. Nhận thấy chân lý này thật thâm diệu, Ngài không muốn dạy vì không biết có ai có khả năng hiểu được giáo pháp này hay không. Một phần trong Ngài có khuynh hướng bằng lòng (với sự giác ngộ của mình) và không muốn nhọc công giáo hoá.”
Vua Trời Phạm Thiên Sahampati biết được tư tưởng đó rất lo lắng, than lớn ba lần: “Thế gian mất mát lớn.” Pathamsambodhi viết rằng: “Âm thanh đó vang khắp vạn thế giới. Phạm Thiên Sahampati cùng với chư thiên đồng đến thỉnh Bụt giảng dạy Chánh Pháp.” Trời Phạm Thiên có thể là lòng từ bi của đức Thế Tôn, không nỡ bỏ chúng sinh.
Một trong những lời rất đẹp mà Đức Phật đã dạy là: một người trở nên cao quý hay thấp kém là do ba nghiệp của họ, chứ không phải do nơi chốn mà họ sinh vào. Đây là một lời khẳng định cấp tiến trong một xã hội quá khắt khe trong vấn đề giai cấp.
Tuần thứ sáu và bảy
Từ tuần thứ sáu cho đến tuần thứ tám sau khi thành Đạo, Đức Phật đã qua lại giữa cây Đại Giác (Bồ Đề) và cây Đa Mục Đồng (banyan.)
Có vài nơi nói rằng Ngài đã ngồi dưới cây Muchalinda trong tuần thứ sáu và dưới cây Rajayata trong tuần thứ bảy (xem lại tuần thứ ba và thứ tư.)
Bụt bắt đầu quán xem Ngài phải giảng dạy Chánh Pháp như thế nào, và Ngài quyết định bắt đầu từ năm người bạn đồng tu khổ hạnh ngày xưa.
Những cây cỏ khác
Trong suốt bốn mươi lăm năm hoằng hoá suốt lưu vực sông Hằng (Ganges) và vùng chân núi Hy Mã Lạp Sơn, Đức Phật đã sống rất nhiều trong rừng. Ảnh minh họa.
Trong suốt bốn mươi lăm năm hoằng hoá suốt lưu vực sông Hằng (Ganges) và vùng chân núi Hy Mã Lạp Sơn, Đức Phật đã sống rất nhiều trong rừng. Cây thường được nhắc đến trong Kinh điển.
Dường như những cái cây này đã được trân quý, công nhận sự có mặt. Chúng ta có thể kể thêm một số cây sau:
Tu viện Phật giáo đầu tiên là khu rừng Tre, do vua Bimbisara cúng dường.
Tăng đoàn thường an cư trong rừng, chẳng hạn khu rừng Xoài của y sĩ Jivaka.
Và, bao nhiêu cây khác cung cấp thực phẩm và dược liệu cho Bụt và các vị khất sĩ theo Ngài.
Chúng ta cũng nhớ đến bó cỏ kusa Bụt dùng để trải toạ cụ ngồi trước khi thành Đạo. Cỏ kusa (hay kusha) còn có tên là Durba (Darbha) hay halfa, tên khoa học là Eragrostis cynosuroides hay còn gọi là Desmostachya bipinnata, có thể cao từ đến 50-100cm, thường được dùng để dệt chiếu. (Tự điển Phật Học của Trần Nguyên Trung gọi là Kosa S) hay Kosajja (P) có thể không đúng vì Kosajja có nghĩa là dãi đãi.) Cỏ kusa tên Việt Nam có lẽ là cỏ cói (dùng vì cả hai đều có mùi thơm như sả, chiều cao và công dụng cũng tương đương.
Còn bao nhiêu cây khác cũng gắn bó cuộc đời Đức Phật đã theo các thương nhân và tu sĩ Ấn Độ du nhập vào nước ta khoảng đầu thế kỷ thứ 2 như cây bông sen, cây hoa lài, cây mít. Theo GS Trần Quốc Vượng, cây bông sen (Nelumbo nucifera, họ Nelumbonaceae) là phiên âm từ tên tiếng Phạn sengora (người Nhật gọi bông sen là sengo); cây hoa lài (ban đầu gọi là m-lai) là từ tên malika (Tàu gọi là Mạt Lị Hoa); cây mít là từ tên paramita (Tàu gọi mít là trái Ba La Mật.) Tên phiên âm của các cây này đã được Việt hoá, trở nên gần gũi thân thương, khiến chúng ta gần như không còn nhớ đến xuất xứ của chúng.
Đạo Phật đã thấm vào nếp sống của Việt Nam, tạo nên một nền văn hoá nhân hậu, phóng khoáng, có tình với cỏ cây. Một bà cụ ra vườn thấy cành cây gãy cũng xuýt xoa. Liệu rằng với đà phát triển kinh tế toàn cầu, con người sống gần lại với nhau trong một cộng đồng thế giới, chúng ta có còn nhớ đến bài học mà ông cha chúng ta đã trao truyền lại qua các tích xưa và nếp sống hằng ngày? Chúng ta có còn thì giờ để gần gũi, thương yêu và kính trọng cỏ cây hay không? Tiêu thụ ít lại, sống giản dị hơn để con cháu chúng ta và các loài khác còn sinh môi để sống. Bà mẹ thiên nhiên đã lên tiếng nhắc nhở chúng ta rồi.
Đức Phật ra đời là sự kiện hy hữu như hoa ưu đàm ngàn năm mới nở
Tài liệu tham khảo:
1. Phần lớn tài liệu được lấy và dịch từ ‘Buddha and Trees’ của Anna trên trang www.the-tree.org.uk.
2. An illustrated Life of the Buddha trong trang www.budsir.org.
3. Lịch sử Phật Giáo Việt Nam I của Lê Mạnh Thát.
4. ‘Cây cối trong cuộc đời Đức Phật’ của Võ Quang Yến.
5. Họ ‘Caesalpiniaceae ‘ của Dr. Gerald (Gerry) Carr trong www.botany.hawaii.edu tự điển Pali-English của A.P. Buddhatta Mahathera.
6. ‘Trong Cõi’ của Trần Quốc Vượng, NXB Văn Nghệ và các hình ảnh, tài liệu, tự điển về thực vật, thắng tích khác Chân Giải Nghiêm.