Dùng âm nhạc ngợi ca nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu

(PLVN) - Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hướng về di sản” chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam đồng thời giới thiệu các tác phẩm âm nhạc mới của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan viết về nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chương trình “Hướng về di sản - Giới thiệu tác phẩm âm nhạc mới của Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Kim Loan” do Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín Ngưỡng Việt Nam, Thăng Long Show và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Giải trí và Truyền thông Atermis phối hợp tổ chức.

Ngoài các giá đồng đặc sắc, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã thể hiện các tác phẩm: Bài ngợi ca Mẹ Bát nàn đại tướng Đông Nhung, Nhớ nhau, Đông Về, Cô đồng say, Ơn cha mẹ, Bản tình ca xa xôi, Trả lại co em, Đường tu và chản của đồng, Hương nhãn tình nồng, Tôi thích, Hưng Yên đẹp tươi…

“Hướng về di sản” các nghệ nhân dân gian cùng hướng về Mẫu.

NNƯT Nguyễn Thị Kim Loan có chia sẻ : “Kim Loan được thăng hoa khi đến với Đạo Mẫu, và cơ duyên khi được gặp nghệ sĩ Thanh Hiếu là người góp phần đưa khả năng sáng tác, thổi bùng ngọn lửa đam mê, tâm huyết đến với âm nhạc trong Kim Loan”.

Bên cạnh đó NNƯT Nguyễn Thị Kim Loan cũng mong muốn gửi gắm thông qua chương trình và những tác phẩm âm nhạc của mình những thông điệp, những hình ảnh nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu. Mong muốn mọi người có cái nhìn đúng, đẹp hơn về Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, từ đó tiếp nhận và tiếp cận, góp phần lưu giữ và bảo tồn nét đẹp tín ngưỡng văn hóa dân gian của dân tộc.

Qua tác phẩm của mình, NNUT Kim Loan muốn gửi gắm những thông điệp, nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu.

Nhân dịp này, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín Ngưỡng Việt Nam đã trao bằng khen tới NNƯT Nguyễn Thị Kim Loan vì những đóng góp to lớn vào sự gìn giữ và phát triển Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Tôn vinh Mẫu qua từng sáng tác của NNUT Kim Loan.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.

Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Sau một thời gian trầm lắng, tín ngưỡng này đã phát triển trở lại từ đầu thập niên 90, với sự thực hành tự nguyện của các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản, huy động, góp tiền hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ mẫu.

NNUT Nguyễn Thị Kim Loan nhận bằng khen của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín Ngưỡng Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ 16 thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền, thanh đồng...

Đọc thêm