Đừng biến Việt Nam thành “bãi rác” ô tô nhập khẩu

(PLO) - Đó là ý kiến của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Ông Đông cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn non trẻ. Do đó quan điểm của Bộ KH&ĐT là bảo hộ việc lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước, ngăn chặn nguy cơ biến Việt Nam thành “bãi rác” nhập khẩu ô tô.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, tính trong 5 tháng đầu năm 2017, có 42.000 ô tô đã nhập về Việt Nam, đạt trị giá 850 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Có việc này là do tác động không nhỏ từ các chính sách về nhập khẩu ô tô trong thời gian qua. Trong đó có các chính sách về thuế và các thủ tục ràng buộc đối với các nhà nhập khẩu.

Cho đến thời điểm hiện tại, khi Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương về nhập khẩu xe đã được bãi bỏ, vẫn chưa có một chính sách cụ thể và thống nhất về ô tô nhập khẩu. Mới đây, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô (dự kiến có hiệu lực từ 1-7-2017 nếu được Chính phủ thông qua).

Theo đó, dự thảo cho mọi doanh nghiệp đều được quyền nhập khẩu ô tô sau khi đáp ứng các điều kiện và được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô. Trong đó, dự thảo xây dựng theo hướng doanh nghiệp nhập khẩu phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Trước mắt, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có thể lựa chọn một trong 3 hình thức: sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp nhập khẩu. 

Tuy nhiên, dự thảo quy định tới thời điểm 1/7/2020, doanh nghiệp nhập khẩu mới phải sở hữu tối thiểu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại Nghị định này. Như vậy là có khoảng trống ba năm 2017-2020.

Dự thảo nghị định này có được Chính phủ thông qua hay không còn là câu hỏi ở phía trước. Tuy nhiên ngay khi dự thảo nghị định đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Lưu Đức Long (Đoàn Đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc) cho rằng ô tô là ngành đòi hỏi phải có yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, nó không phải là hàng hóa thông thường mà là hàng hóa đặc biệt, nên cần có những quy định đặc biệt. Ông Long phân tích, việc tổ chức, lắp ráp xe ôtô trong nước cần có dây chuyền hiện đại, đội ngũ kỹ sư trình độ cao. Bởi vì ngành này đòi hỏi quy mô, công nghệ tiêu chuẩn chứ không phải cá nhân nào cũng làm được. Tương tự như vậy, việc nhập khẩu ôtô không phải có người, có tiền là mua xe về bán.

“Việc này cần quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người sử dụng và cộng đồng. Do đó, cần có hệ thống bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành, thậm chí triệu hồi khắc phục sửa chữa lỗi (nếu có) theo đúng yêu cầu kỹ thuật chính hãng. Nếu không được xem xét thấu đáo, chắc chắn hệ lụy của nó rất khó lường”, ông Long nhấn mạnh.

Đồng tình, luật sư – đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) phân tích: Ngành ô tô Việt Nam không thể cho phát triển tràn lan để cạnh tranh thoải mái vì không thể nào theo kịp các nước. Vì thế, cần phải cố gắng lắp ráp và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và kết hợp các thương hiệu lớn của thế giới, các tập đoàn lớn để tăng hàm lượng nội địa hóa và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, dịch vụ bảo hành và hậu mãi đòi hỏi điều kiện đầy đủ, chứ không phải chỉ nhập khẩu xong rồi thả nổi “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”.

Đại biểu Quốc hội Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) cho rằng trong bối cảnh tất cả các nước trên thế giới đều có chính sách bảo hộ ôtô trong nước thì Việt Nam cũng cần có quan điểm dứt khoát. Bởi vì "đây là lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc, là vấn đề cốt lõi, tạo cho nền công nghiệp ô tô phát triển, tạo thành chuỗi doanh nghiệp liên kết để hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển đất nước".

Dẫn chứng cho câu chuyện cần phải bảo hộ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước là Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2016/QH14. Theo đó, Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ "xây dựng lộ trình kể từ năm 2017 có cơ chế khuyến khích sản xuất để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô". Bởi vì, từ năm 2018 trở đi, khi thuế suất nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về  mức 0%, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đứng trước bước ngoặt lớn. Người ta lo ngại các doanh nghiệp đổ xô đi nhập khẩu xe về bán kiếm lời thay vì đầu tư cho dây chuyền lắp ráp, sản xuất trong nước. 

Vì vậy, dự thảo nghị định quy định số lượng cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chỉ cần 1 là chưa đủ để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Dự thảo chỉ bắt buộc từ 1-7-2020, nhà nhập khẩu mới buộc phải sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Theo nhiều chuyên gia pháp lý, quy định về thời gian sở hữu cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô đến 2020 mới có là không đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. 

Cạnh đó, dự thảo cũng chưa quy định về hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật bao gồm đào tạo kỹ thuật, cung cấp thông tin kỹ thuật, hướng dẫn sửa chữa, thiết bị chẩn đoán, thiết bị sửa chữa chuyên dụng... Đồng thời, về vấn đề triệu hồi xe khi bị lỗi, nhà nhập khẩu chỉ cần cam kết với Bộ Công Thương là chưa hợp lý. Bởi vì, theo thống kê và ghi nhận tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay, tất cả các đợt triệu hồi ô tô bị lỗi đều do chính nhà sản xuất trong nước hoặc quốc tế thực hiện. Tuyệt nhiên không hề có bất cứ một doanh nghiệp nhập khẩu nào đứng ra triệu hồi sản phẩm khi có vấn đề kỹ thuật xảy ra. Như vậy, vấn đề triệu hồi xe cần phải được cam kết của nhà sản xuất chứ không thể là cam kết của nhà nhập khẩu như dự thảo. Lý do, chỉ có nhà sản xuất mới biết chính xác các lỗi, hỏng hóc mang tính hệ thống và phát sinh trong quá trình thiết kế, sản xuất sản phẩm. Và cũng chỉ các hãng xe mới có đủ phương tiện, kỹ thuật, thiết bị và phần mềm để chẩn đoán và khắc phục lỗi, chứ nhà nhập khẩu thì “bó tay”.

Thái Lan, Malaysia bảo hộ xe lắp ráp trong nước

Nhìn ra khu vực, nhiều quốc gia đã xây dựng và phát triển thành công ngành công nghiệp ôtô nội địa nhờ chiến lược bảo hộ bài bản, khôn khéo. 

Thái Lan

Hiện nay, công nghiệp ôtô Thái Lan lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 12 trên thế giới. So với các chính phủ khác trong khu vực có định hướng xây dựng các hãng xe nội địa, Thái Lan sớm liên minh với các nhà sản xuất lớn trên thế giới để giảm thời gian nghiên cứu và phát triển. Chính phủ Thái Lan hỗ trợ các nhà sản xuất linh kiện để tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm lắp ráp trong nước. Ngày nay, Thái Lan được mệnh danh là "Detroit của phương Đông" bởi đây là cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi khu vực, xuất khẩu đi toàn thế giới. Hiện, ngành công nghiệp ôtô tạo công ăn việc làm cho khoảng 550.000 người, đóng góp 12% GDP. 

Malaysia

Ngành công nghiệp xe hơi Malaysia có quy mô khá lớn. Năm 2016, doanh số toàn thị trường đạt 580.124 chiếc. Ngoài việc đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, Malaysia còn xuất khẩu xe hơi đi các nước trong khu vực. Giá xe nội địa sản xuất tại Malaysia khá thấp. Tuy nhiên chính phủ vẫn đánh thuế khá cao đối với xe nhập để bảo vệ các hãng xe nội địa. Hãng xe nội địa lớn nhất tại Malaysia là Perodua chiếm tới 40% thị phần với hơn 200.000 chiếc được bán mỗi năm. Ngành công nghiệp xe hơi Malaysia hiện tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 122.000 lao động, đóng góp 10% GDP.

Đọc thêm