"Trợ giúp người xung quanh - Phủ xanh khu bạn sống"
Zalo Connect hỗ trợ kết nối những nhà hảo tâm với những trường hợp gặp khó khăn và cần giúp đỡ trong mùa dịch COVID-19. Thông qua ứng dụng này, người dùng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp từ cộng đồng về lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm. Ngoài ra, người dân có nhu cầu thăm khám sức khỏe còn có thể được tư vấn y khoa từ xa tại mục "Tư vấn y khoa".
Hiện tại, Zalo Connect đang được áp dụng rộng rãi tại hơn 20 tỉnh/thành đang giãn cách như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Tại thời điểm tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn rất phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, việc kết nối cộng đồng như vậy là vô cùng cần thiết và hữu ích.
Theo thống kê của Zalo, trong 12 ngày (từ 11-22/8), đã có 30.601 người tham gia hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, hơn 60.000 lượt giúp đỡ trên Zalo Connect. Cụ thể, khoảng 94% yêu cầu trợ giúp về lương thực (gạo, trứng, thịt, cá, rau củ, sữa, bánh mì...), 35% nhu yếu phẩm (bột giặt, kem đánh răng, nồi cơm điện...), 14% cần vật dụng y tế, thuốc men (cồn, nhiệt kế, nước rửa tay...) và 3% cần tư vấn sức khỏe.
Những con số ấn tượng của Zalo Connect |
Hoa hậu H’Hen Niê, ca sĩ Vũ Cát Tường là những người dùng tích cực của tính năng Zalo Connect. Trên trang cá nhân, H'Hen Niê đã chia sẻ cách phủ xanh bản đồ Zalo Connect để trợ giúp mọi người xung quanh. Hoa hậu cho biết: "Hiện bản đồ trợ giúp đã có nhiều điểm màu xanh hơn, đồng nghĩa nhiều người đã được giúp. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người chưa biết đến Zalo Connect, hoặc chưa được giúp đỡ, nhất là các khu vực khó khăn. Mong rằng cộng đồng chúng ta sẽ tiếp tục “tương thân tương ái” để “Trợ giúp người xung quanh - Phủ xanh khu bạn sống”.
Hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ bài viết trên trang cá nhân |
Có thể thấy, dù mới hoạt động nhưng tới thời điểm hiện tại, việc sử dụng Zalo Connect để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn đang trở thành phòng trào với sự tham gia đông đảo và tích cực của nhiều nhà hảo tâm. Sự ra đời của Zalo Connect giống như chiếc phao cứu sinh dành cho những người đang rơi vào hoàn cảnh túng thiếu cùng cực do dịch bệnh.
Ý thức và trách nhiệm xã hội ở đâu?
Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi mà giải pháp mang lại, có không ít những yêu cầu "ảo" xuất hiện gây ảnh hưởng đến quá trình kết nối giữa các nhà hảo tâm và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Một số người dùng truy cập vào các ứng dụng này để đùa cợt, đưa ra những đòi hỏi vô lý. Có những người dùng còn đăng yêu cầu cần hỗ trợ bia rượu, đồ nhậu, những món ăn đắt tiền... như “cần tương trợ gấp một đĩa tôm hùm, cua hoàng đế hay bò Kobe…”. Thậm chí, có người còn tận dụng công cụ này để quảng cáo, bán hàng.
Yêu cầu hỗ trợ “bò Kobe”, “tôm hùm Alaska” từ một tài khoản |
Thay vì những tin hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, tư vấn y tế từ xa, Zalo Connect lại bị nhiều người đem ra tìm người yêu, tìm người trò chuyện cho “đỡ buồn” khi nghỉ chống dịch.
Một trường hợp khác thì cần người để tâm sự |
Tuy việc tạo những bài đăng này không vi phạm pháp luật nhưng nó khiến số lượng các điểm ghim nhiều hơn. Những yêu cầu ảo như vậy làm tốn thời gian và công sức của người muốn làm việc tốt, trong khi người thực sự cần hỗ trợ bị ảnh hưởng. Điều này thể hiện sự thiếu ý thức và trách nhiệm của một bộ phận người trẻ trong giai đoạn cả nước căng mình chống dịch. Họ đã mang một tính năng có ích với cộng đồng làm trò giải trí, đùa giỡn gây nhiễu loạn thông tin.
Không chỉ xảy ra vấn đề ở những người đăng tải thông tin cần trợ giúp, Zalo Connect còn xuất hiện vấn đề ở những “nhà hảo tâm” với sự trợ giúp không thiết thực, thậm chí lố bịch.
Đã có trường hợp người khó khăn nhận được tin nhắn giúp đỡ bằng cách rủ rê đi chơi để có tiền. “Chị có mấy ông bạn, chị giới thiệu em nhé, em đi với ông có tiền” là đoạn tin nhắn “hỗ trợ” mà tài khoản V.Y nhận được khi cần sự trợ giúp. Rất may nữ sinh này chưa cung cấp địa chỉ cũng như thông tin cá nhân cho đối tượng nhắn tin.
Những dòng tin nhắn vô cùng lố bịch |
Trước sự việc này, nhiều người tỏ ra lo lắng vì rất có thể các đối tượng lừa đảo sẽ lợi dụng sự khó khăn hoặc thông tin cá nhân của người dùng để thực hiện ý đồ, hành vi xấu. Vì vậy, những người sử dụng Zalo Connect để tìm kiếm sự hỗ trợ cần hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác với những tài khoản có dấu hiệu lạ.
Cải thiện để tình người được lan tỏa rộng hơn
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến CTO Talk sáng 24/8, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Thông tin Truyền thông, ghi nhận có tình trạng này, nhưng số lượng không nhiều.
"Nền tảng, ứng dụng hay bất cứ thứ gì khác trong xã hội của chúng ta, bên cạnh các mặt tốt cũng có thể bị lợi dụng. Chúng tôi, từ góc độ cơ quan chức năng, khi phát hiện ra đều sẽ phân loại để có hướng xử lý phù hợp, qua đó nâng cao niềm tin của mọi người khi tham gia vào nền tảng này", ông Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trong một sự kiện về chuyển đổi số tại Bộ TT&TT. Ảnh: Vnexpress |
Hiện, Zalo Connect cũng có giải pháp lọc nội dung, cũng như bổ sung tính năng Báo cáo. Khi phát hiện người đăng tin hỗ trợ nhưng không đúng mục đích, chẳng hạn quảng cáo, lừa đảo hay làm phiền, người dùng có thể báo cáo để hệ thống xử lý.
Tuy vậy, nhiều người dùng vẫn mong muốn Zalo Connect nên có thêm chức năng xác minh danh tính cho người dùng, để “lọc” trước được những tài khoản “ảo”, giúp cho việc kết nối các cá nhân, tổ chức thiện nguyện với những trường hợp thực sự gặp khó khăn được chính xác, dễ dàng, nhanh chóng hơn. Từ đó, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, ấm áp tình người, là nơi để cộng đồng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong thời buổi dịch bệnh khó khăn hiện tại.