Đừng chừa đất sống cho 'bảo kê'

(PLVN) - Những nông dân trồng dưa ở Phú Yên đang hết sức khốn khổ vì nạn "bảo kê" hoành hành. Thủ đoạn của nhóm người hoạt động trái pháp luật này là "xin đểu" mỗi hộ nông dân trồng dưa từ 3 đến 6 triệu đồng hoặc ép người trồng bán rẻ để họ bán lại cho thương lái với giá cao hơn. Không nộp tiền hoặc không bán rẻ cho nhóm người này thì không thể bán cho ai được nữa.


Người trồng dưa ở Phú Yên khốn khổ vì bị các đối tượng “bảo kê” đòi tiền
Người trồng dưa ở Phú Yên khốn khổ vì bị các đối tượng “bảo kê” đòi tiền

Hành vi tương tự này cũng đã xảy ra và khá phổ biến ở các vùng nông thôn khác nhau như "bảo kê" máy gặt mà có vụ dẫn đến xô xát, gây thương tích và đe dọa trực tiếp đến cuộc sống lao động của những người nông dân.

Câu hỏi đặt ra một cách nghiêm túc và cấp bách là cơ quan chức năng địa phương ở đâu mà để những hành vi trái pháp luật, trắng trợn đòi tiền người lao động, "cướp bát cơm" của họ ngay trên chính cánh đồng mà họ đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm ra mùa màng, cung cấp nông sản cho xã hội?

Cũng có thể đặt câu hỏi tương tự với các cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp "cò mồi" hoạt động công khai tại nơi làm việc, cung cấp dịch vụ cho dân ở chốn công quyền. Một tờ báo thực hiện thiên phóng sự điều tra về nạn "cò mồi" hoạt động ở các Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.

Theo đó, những "cò mồi" này trực tiếp tiếp cận người dân tới đây làm hộ chiếu, ra giá để làm cho nhanh hoặc "khắc phục" các thiếu sót trong hồ sơ, hướng dẫn cách đưa tiền cho cán bộ công an làm thủ tục tiếp nhận. "Tại một số nơi, "cò mồi" và cán bộ công an dường như là một" - đó là nhận định của các phóng viên thực hiện phóng sự này.

Tại Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), hai vợ chồng tài xế chiếc xe buýt "chui" hành hung một nữ hành khách khi chị chụp ảnh chiếc xe này để phản ảnh thái độ phục vụ không tốt đã bị Công an địa phương khởi tố bị can và bắt giam người chồng, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người vợ.

Điều đáng nói là, tại sao một chiếc xe buýt hoạt động, đi lại trên một tuyến đường như thế lại là xe buýt "lậu", không có một "chứng chỉ" nào cho phép hoạt động?. Các cơ quan quản lý giao thông và lực lượng Cảnh sát Giao thông ở đâu mà để cho cả một chiếc xe buýt ngang nhiên chuyên chở hành khách và có những hành động "bá đạo" như vậy?. Nếu không có sức ép từ dư luận thì hành vi đánh người giữa “thanh thiên bạch nhật”, ở chốn đông người có thể bị bỏ qua và cái xe buýt "lậu" vẫn tiếp tục hành trình phi pháp của mình.

Công an Thanh Hóa vừa bắt một trùm giang hồ "có số má" tại địa phương này. Có "đất" sống, phát triển thành "trùm", tạo ra lực lượng "xã hội đen" là điều đáng phải suy nghĩ của các nhà chức trách.

Không ít lần, trước sự hoành hành của nạn côn đồ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phải chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương vào cuộc ở từng trường hợp cụ thể. Nếu có trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ của mình thì các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không để phải "được" chỉ đạo rồi mới làm! 

Đọc thêm