Thông báo vi phạm được trích xuất từ hệ thống và gửi cho chủ phương tiện |
Chưa nộp phạt dừng đăng kiểm dựa trên quy định pháp luật nào?
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), từ việc phát hiện vi phạm của camera, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường được thông báo và trực tiếp dừng phương tiện vi phạm để xử lý. Đối với trường hợp không dừng ngay được các xe vi phạm, thông qua hệ thống quản lý phương tiện, CSGT tra cứu và gửi thông báo vi phạm về địa chỉ của chủ xe để mời người vi phạm đến cơ quan CSGT chấp hành việc xử phạt.
Tuy nhiên, hiện nay công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh, được gọi nôm na là “phạt nguội”, còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù được cơ quan CSGT gửi thông báo, nhưng số lượng người vi phạm đến chấp hành quyết định xử phạt vẫn chưa cao. Trong 9 tháng đầu năm 2017, TP Hồ Chí Minh phát hiện 13.075 trường hợp vi phạm qua camera, đã có 6.058 trường hợp chấp hành đến cơ quan CSGT để xử lý vi phạm. CSGT Đà Nẵng phát hiện hơn 10.000 trường hợp vi phạm, song chỉ có hơn 4.700 người đến xử lý. Tại Hà Nội số người vi phạm bị “phạt nguội” đến chấp hành quyết định xử phạt đạt cao hơn cả, có 3.600 trường hợp đến xử lý trên tổng số 4.889 trường hợp vi phạm.
Sau khi gửi thông báo trực tiếp đến Công an phường, xã hoặc qua đường bưu điện về địa chỉ nơi cư trú của chủ phương tiện hoặc khi có xác nhận đã có người nhận được thông báo mà chủ phương tiện (hoặc người vi phạm) không hợp tác, không đến xử lý, thì cơ quan CSGT gửi thông báo sang cơ quan Đăng kiểm kiến nghị tạm thời dừng đăng kiểm và đề nghị chủ phương tiện hợp tác để tìm ra người vi phạm.
Khi chủ phương tiện đã đến cơ quan CSGT hợp tác chấp hành quyết định xử phạt về hành vi vi phạm do chính mình thực hiện, cũng như giúp tìm ra người vi phạm trong trường hợp cho thuê xe, cho mượn xe thì cơ quan Công an sẽ có thông báo trở lại cơ quan Đăng kiểm để chủ phương tiện thực hiện đăng kiểm phương tiện theo quy định.
Cơ sở pháp lý được viện dẫn cho việc phối hợp giữa CSGT với cơ quan đăng kiểm là Điều 85 Luật Giao thông đường bộ quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Theo đó, Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, Khoản 7 Điều 76 Nghị định 46/2016/NĐ – CP của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, chủ phương tiện cơ giới đường bộ có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Khoản 6 Điều 4 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Đăng kiểm VN (Bộ GTVT) cho biết, 9 tháng đầu năm nay, Cục đã nhận được danh sách hơn 16.000 xe vi phạm, nhưng đến nay mới có 5.500 chủ xe nộp phạt và được đăng kiểm trở lại. Ngoài xe bị “phạt nguội” còn có nhiều xe chưa sang tên đổi chủ, biển số giả, tạm nhập tái xuất... cũng bị trung tâm tạm dừng kiểm định.
Giám sát hoạt động giao thông qua camera. Ảnh: csgt.vn) |
Chưa “tâm phục khẩu phục”
Theo quy trình, khi tài xế vi phạm Luật Giao thông đường bộ được ghi nhận qua camera, cảnh sát giao thông gửi thông báo về chủ xe. 1 tháng sau khi người vi phạm không đóng tiền phạt, cảnh sát giao thông sẽ gửi thông tin xe vi phạm về Cục Đăng kiểm. Cục đưa dữ liệu vào hệ thống tra cứu để các trung tâm biết tình trạng xe vi phạm. Khi chủ xe đến kiểm định, nhân viên đăng kiểm sẽ tra trên hệ thống và thông báo. Chủ xe phải đóng tiền phạt mới được kiểm định xe.
Cục CSGT cũng nhận định rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ xử lý “phạt nguội” thấp, như người dân chuyển chỗ ở nên không nhận được thông báo vi phạm; nhiều trường hợp phương tiện đã mua bán nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện, nên khi thông báo vi phạm của cơ quan CSGT không thể đến với người chủ đích thực của xe… Cá biệt còn trường hợp người vi phạm cố tình không chấp hành, chủ phương tiện không hợp tác để tìm ra người vi phạm.
Phàn nàn với chúng tôi, nhiều chủ phương tiện tỏ ra “ấm ức” vì có thể bị vướng vào những tình huống trớ trêu khi không gây nên lỗi cũng bị phạt, ví như không ít trường hợp cho mượn xe hoặc cho thuê xe bị dính phạt, khi trả xe thì dữ liệu chưa được cập nhật, mấy ngày sau giấy phạt mới đến địa chỉ cho mượn, thuê xe. Hoặc chủ công ty giao xe cho nhân viên vận hành, sau đó khi đi đăng kiểm mới biết lái xe phạm lỗi, mà lái xe đó đã nghỉ việc rồi.... Phổ biến nhất là người mua xe cũ khi đi đăng kiểm mới biết chủ xe trước bị phạt, số tiền cộng dồn cả lãi cao hơn nhiều so với tiền phạt ban đầu.
Trong khi đó, dù thống nhất là phải có biện pháp quản lý đối với tình trạng nhiều vi phạm nhưng ít nộp phạt, nhưng có ý kiến luật gia cho rằng, việc phạt lỗi giao thông và đăng kiểm là hai chủ thể tách biệt, nếu ràng buộc là trái luật. Kể cả trong trường hợp phối hợp, cũng phải xem xét lại nguyên tắc ai vi phạm thì người đó chịu phạt, chứ không thể để người này phải gánh phạt cho người kia.
* Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp):
Đang xem xét thêm sự cần thiết của quy định, đảm bảo thực hiện chức năng quản lý nhà nước
Trước các ý kiến khác nhau về việc nhiều chủ phương tiện khi đưa ô tô đi đăng kiểm bị từ chối do chưa nộp tiền phạt nguội vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chúng tôi đã kiểm tra và sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp với các cơ quan có liên quan để có văn bản trả lời cụ thể.
Qua kết quả kiểm tra, bước đầu chúng tôi nhận thấy quy định này về mặt pháp lý có sự chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng. Tuy nhiên, chúng tôi đang xem xét thêm về sự cần thiết của quy định này để có phương án đề xuất phù hợp, đảm bảo thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
* Luật sư Nguyễn Thắng – Đoàn Luật sư Hà Nội:
Ai vi phạm thì người đó phải chịu phạt
Về nguyên tắc, phạt nguội và đăng kiểm là hai vấn đề khác nhau. Hành vi vi phạm dẫn tới phạt nguội là ý thức chủ quan của tài xế, không phải là lỗi của phương tiện. Chúng ta đã có quy định rõ ràng về đăng ký xe, nếu chủ xe bán cho người khác thì phải báo cho cơ quan chức năng để xác định đúng chủ sở hữu. Nếu họ không báo thì phải chịu trách nhiệm. Đây là việc của công an chứ không phải là cơ quan đăng kiểm.
Tại Khoản 6, Điều 4 Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: Kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới hết niên hạn sử dụng; Kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định. Các đề nghị và cảnh báo của cơ quan chức năng ở đây được hiểu là các phương tiện không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Nên nói là không đăng kiểm khi vi phạm các lỗi “vượt đèn đỏ, lấn làn, di chuyển quá tốc độ cho phép...” là không thuyết phục.
* Ông Tiến Dũng – Chủ phương tiện:
Tài xế vi phạm rồi bỏ trốn, tôi phải làm thế nào?
Tôi là chủ một doanh nghiệp có hàng chục ô tô và thuê người lái. Trong quá trình vận hành xe trên đường, tài xế vi phạm. Thực tế có trường hợp tài xế đã nghỉ việc, hoặc sợ nộp phạt tự động nghỉ việc và giờ không thể hoặc không đủ điều kiện truy tìm họ để nộp phạt. Giờ mà đơn vị đăng kiểm từ chối kiểm định khiến phương tiện không thể tiếp tục lưu thông ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp cũng như các trường hợp cho mượn xe, cho thuê xe.