Đừng để 23.476 cái chết hóa vô nghĩa

0:00 / 0:00
0:00
 Có lẽ rất nhiều người bấy lâu nay đều cùng có một thắc mắc, mong đợi. Đó là tính tới ngày 18/11, dù 23.476 người đã tử vong vì COVID-19, nhưng vẫn thiếu rất nhiều số liệu để có thể rút ra những bài học hữu ích cho công cuộc phòng chống dịch?
17 ngàn người đã không chống chọi nổi với độc lực của SARS-Cov-2. Đó là một con số khủng khiếp, mất mát hơn cả chiến trận.
17 ngàn người đã không chống chọi nổi với độc lực của SARS-Cov-2. Đó là một con số khủng khiếp, mất mát hơn cả chiến trận.

Ví dụ như trong số đó có bao nhiêu người đã chích 1 mũi, 2 mũi vaccine, bao nhiêu người chưa chích? Trong số đó bao nhiêu người có bệnh nền? Trong số đó bao nhiêu người trước khi nhiễm phải sống trong không gian chật hẹp, ẩm thấp?...

Nếu không phải là người từng sống ở tâm dịch, thực sự “sống chung” với COVID-19, có lẽ rất khó để hình dung ra đầy đủ sự việc.

Sài Gòn, thành phố đông dân nhất nước, kinh tế phát triển nhất nước, mức độ phồn hoa nhất nước, từng có những thử nghiệm đầu tiên cả nước, đã một lần nữa lại là thành phố “đầu tiên” phải chịu những mất mát, đau thương. 17 ngàn người đã không chống chọi nổi với độc lực của SARS-Cov-2. Đó là một con số khủng khiếp, mất mát hơn cả chiến trận.

Những tháng ngày tang tóc ở Sài Gòn, hàng chục triệu người đã từng sống trong cảnh phập phồng lo sợ, không biết khi nào “tử thần” sẽ tìm đến gõ cửa nhà mình. Biến thể Delta ập đến khi kiến thức mọi người hiểu về nó rất mơ hồ. Nó biết bay hay nó lơ lửng? Nó bùng phát mạnh hơn trong ngày nắng hay ngày mưa? Giấu mình trong nhà, hay chích vaccine hay chạy trốn khỏi Sài Gòn để chống nó, tránh nó?

Những sai sót ban đầu trong phòng chống dịch đã vô tình tiếp tay cho đại dịch bùng nổ ở Sài Gòn. Cơ quan chức năng đã xác nhận đó là những sai sót như tổ chức chích ngừa không đảm bảo giữ khoảng cách; là gom các F1, F2 lại vào một khu vực hẹp; là tập trung người xét nghiệm nhưng không đúng kỹ thuật, không đủ năng lực phân tích hết các mẫu, có lúc kẹt máy phải 7 ngày mới trả khi đó kết quả không còn giá trị… vô tình biến những địa điểm này thành các “lò ấp” F0, biến những động thái cố gắng dập dịch thành tác dụng ngược.

Sài Gòn tội nghiệp khi đại dịch ập đến hàng chục triệu người đều chưa được trang bị “vũ khí” vaccine. Một lãnh đạo TP đã hồi ức “lúc đó chưa có thuốc điều trị, tập trung xây bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm F0. Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua…”. Đó là một thực tế chua xót.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong những ngày trực tiếp chỉ đạo, tham gia cuộc chiến chống dịch ở phía Nam, đã nhiều lần khẳng định, chỉ rõ, với các F0, điều trị không chỉ bằng thuốc mà phải bằng cả thức ăn dưỡng chất, giữ vững tinh thần.

Thế nhưng, TP triệt để giãn cách, sống trong tình trạng khẩn cấp, ngoài lực lượng chống dịch thì không ai được ra đường; đến lực lượng y, bác sĩ còn ăn uống kham khổ thì lấy đâu ra đủ thức ăn dưỡng chất cung cấp cho những người bệnh? Với các F0, cứ nhìn những người bên cạnh lần lượt khó thở ra đi trong nặng nhọc đau đớn, có khi không đủ nhân lực để đưa người qua đời đi ngay mà đắp chiếu để tạm trên giường bệnh thì lấy đâu tinh thần để có thể chống chọi bệnh tật?

Sài Gòn đã vượt qua đại nạn không chỉ nhờ công sức, sự quyết liệt chống dịch của chính quyền và lực lượng chức năng. Đó còn là nhờ thuốc điều trị của những doanh nghiệp thiện tâm ráo riết nhập về cung cấp miễn phí cho các bệnh viện điều trị cho các bệnh nhân. Đó còn là nhờ sự đoàn kết, sức chịu đựng của từng người dân Sài Gòn. Số liệu công bố số người ở Sài Gòn mắc COVID-19 là hơn 400 ngàn người, nhưng thực tế chắc chắn con số ấy cao hơn vì còn có những người mắc mà không triệu chứng và không phát hiện ra mình từng mắc, người tự mắc và tự chữa trị ở nhà…

Chỉ riêng ở Sài Gòn, đã có 17 ngàn người ra đi khỏi nhà trên băng ca, rồi trở về trong hũ tro cốt im lìm. Phía sau 17 ngàn cái chết đó là biết bao người thân, gia đình, bạn bè, là biết bao nỗi đau đớn… Dịch bệnh vẫn còn căng thẳng nhưng người dân cả nước cơ bản đã được chích ngừa bảo vệ, nên thảm kịch này chắc chắn sẽ không lặp lại nữa. Sài Gòn đã dần hồi sinh, người Sài Gòn nghe thấy F0, F1 đã không còn sợ hãi như những ngày đầu.

Nhưng điều quan trọng là những bài học đau thương từ Sài Gòn cần được nêu rõ và phổ biến để các địa phương khác nắm rõ, để từng người dân trên cả nước hiểu được, để hiểu “sống chung” và vượt qua COVID là như thế nào. Chúng ta có rất nhiều viện nghiên cứu – khoa học, các nhà nghiên cứu – tư vấn… những bài học đau đớn Sài Gòn đã trải qua cần phải được xem xét chỉ rõ, rút kinh nghiệm.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm