Đừng để lòng tốt không còn chỗ thể hiện

(PLO) - Đi biểu diễn về, trên đường Hà Nội ca sỹ Mỹ Tâm thấy một nhóm trẻ khuyết tật biểu diễn trên phố quyên tiền nhưng không có khán giả, cô dừng xe và xuống hát cùng các em. Hành động ấy của cô ca sỹ không chỉ làm một nhóm nhỏ người khuyết tật vui mừng mà còn khiến cộng đồng xúc động, chia sẻ trong một đêm Giáng sinh ấm áp.
Ca sĩ Mỹ Tâm và bạn trẻ khiếm thị song ca trong đêm Hà Nội
Ca sĩ Mỹ Tâm và bạn trẻ khiếm thị song ca trong đêm Hà Nội

Việc làm của cô ca sỹ nổi tiếng là xuất phát từ cái “tâm đẹp” thực sự của mình. Cô không ngại gặp phiền giữa phố, cũng không sợ sự đàm tiếu ghen ghét cho rằng hành vi đó nhằm “đánh bóng hình ảnh”. Và, ngay lập tức, hành động đẹp đẽ và nghĩa tình của cô được truyền đi nhanh chóng, gây nên một cơn sốt cảm xúc, hơn tất cả những gì thuộc về quảng cáo truyền thông.

Ngược lại, có những việc làm rất tốt, đáng biết đến và biểu dương thì lại diễn ra âm thầm, rất lâu mà chẳng ai biết đến. Đó là trường hợp của người tài xế xe khách ở Sơn La. Trên hành trình chạy tuyến của mình, người lái xe này thường xuyên đưa đón miễn phí trẻ em đi học trên quãng đường miền núi, nhiều dốc khoảng 5 cây số, mỗi ngày vài chục em. Việc ấy đã diễn ra hàng năm trời nay và mọi người chỉ biết đến khi có một cô gái đi trên chuyến xe này, chứng kiến cảnh đó và đưa lên Facebook. 

Dù là hành vi chỉ diễn ra trong chốc lát hay lặp đi lặp lại nhiều lần, dù người thực hiện hành vi đó là ca sỹ nổi tiếng hay người tài xế bình thường thì đều được dư luận đánh giá cao, nhiều người cảm phục. Vì, đó là những hành vi đẹp, có sức truyền cảm mạnh mẽ, mang thông điệp của lòng nhân ái, lòng tốt, rất có ý nghĩa trong đời sống cộng đồng. 

Những hành vi, cư xử nghĩa tình xuất hiện không ít trong xã hội chúng ta, đặc biệt trong lúc hoạn nạn, thiên tai, sự cố. Song, cũng không ít hành vi vô cảm và phản cảm như “hôi bia”,  “cướp có văn hóa”, lợi dụng tai nạn để ăn cắp, tống tiền... Càng đáng lên án hơn khi lòng tốt bị lợi dụng, “làm ơn nên oán”. Đó là trường hợp thấy người bị tai nạn giao thông dừng xe lại để cứu giúp thì bị vu là người gây tai nạn, biến ân nhân của mình thành nạn nhân và nạn nhân thành người vu khống. Từ những chuyện này mà lòng tốt không còn chỗ để thể hiện, người ta trở thành vô cảm, tránh cho xa, chạy cho nhanh khỏi cần giúp đỡ vì sợ tự rước họa vào thân. 

Vấn đề là ở chỗ, không biết tự bao giờ, lòng tốt luôn luôn bị nghi ngờ là có mục đích xấu, xuất hiện não trạng theo kiểu “người Hà Nội tự dưng tốt với nhau thì phải xem lại” chẳng hạn. Não trạng ấy đã thui chột, thậm chí giết chết lòng tốt, tạo ra một một lối sống vô cảm, nghi ngờ lẫn nhau và sự nghi kỵ, ghen ghét lên ngôi, chiếm chỗ của các hành vi văn hóa, nhân văn, tình nghĩa.

Đọc thêm