Câu nói đó làm xúc động hàng triệu người bởi xuất phát từ suy nghĩ chân thực, nói và làm song hành. Trong cơn lũ cuồn cuộn đổ về, nước dâng lên từng phút, 4 cô giáo đứng tuổi với 13 trẻ em trong phòng học, bốn bề lũ bao vây thì không hoảng sợ là điều không tưởng.
Song, vì mạng sống của các em mà nỗi hoảng sợ mà theo bản năng phải tìm cách thoát thân cho mình đó được chế ngự và mọi suy nghĩ, hành động đó là cứu bằng được các cháu. Sau này, các cô nhớ lại “nếu trò chết thì mình cũng chết”, vì thế, các cô đã quên mình mà tận dụng mọi cơ hội, mọi thứ có thể bấu víu để đảm bảo sự an toàn tốt nhất cho các cháu. Suy nghĩ và hành động thật giản dị nhưng đã đã làm nên điều phi thường là không một mạng sống nào bị thủy thần cướp mất.
Nên nhớ, trong lúc hoảng loạn ấy chỉ một chút mất bình tĩnh, một cái sảy tay thôi cũng khiến một đứa trẻ chết chìm! Chúng ta lại một lần nữa xúc động khi nhìn thấy các cô trong một cuộc gặp gỡ báo giới, những khuôn mặt mang nét khắc khổ đời thường, giống những bà nông dân hơn là các cô giáo, thế nhưng, hành động của họ đã thể hiện tất cả những gì là nét đẹp sư phạm, là tấm lòng cao cả, là trách nhiệm làm thầy. Thật đáng ngưỡng mộ!
Trong vòng 2 tuần, 3 cơn lũ lớn liên tục ập tới miền Trung và gây nên những tác hại khôn lường, số người thiệt mạng do mưa lũ lên tới hơn một chục trường hợp, cả ở rừng lẫn ở phố, cả trẻ em và trai tráng khỏe mạnh. Điều đáng ghi nhận là tình người trong lũ lại có dịp tỏa sáng ấm áp. Những món quà cứu trợ kịp thời từ khắp đất nước đến với các địa phương vùng lũ.
Phụ nữ Quảng Trị nấu những bữa ăn tình nghĩa, mang đến tận từng gia đình đang ngập trong lũ, ấm lòng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Trận lũ lần trước xảy ra ở Quảng Bình, có hai cha con bỏ nhà đang bị ngập, chèo thuyền đi cứu đồng bào. Hàng chục người, có ông già phụ nữ và trẻ em đang đói rét tuyệt vọng trên nóc nhà giữa lũ và đêm tối được cha con ông đón đưa vào nơi an toàn. Nghĩa cử đó bút giấy nào tả xiết và chẳng có sự tưởng thưởng nào xứng đáng, ngoài việc tri ân và làm theo!
Những trận mưa lớn tiếp tục trút xuống miền Trung và bản tin dự báo thời tiết kèm theo tin thủy điện xả lũ khiến nhiều vùng dân cư bị cô lập. Thật đáng nghi ngại cho vai trò điều tiết lũ của thủy điện. Và, càng nghi ngại hơn khi trên những phương tiện truyền thông chính thống, người ta không dám dùng từ “xả lũ” mà thay vào đó một từ êm ái và vô cảm là “thủy điện tiếp tục điều tiết” và bà con lại tiếp tục chịu cảnh lũ chồng lên lũ!