Đừng để ly thân biến thành "hôn nhân treo"

(PLO) - Trong phiên họp sáng 26/11, nếu như phần lớn các ý kiến ĐB QH bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định về hôn nhân đồng tính trong Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ), thì chế định ly thân lại nhận được sự phản đối của nhiều ĐB.
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)

Phần lớn các ý kiến đều cho rằng việc ly thân đã tồn tại trong thực tế. Nhưng đó là một vấn đề tế nhị. Và thường là chỉ có vợ chồng mới biết. Họ có thể không có sự chia cách về nơi ở, về môi trường sống, có thể chỉ là chia cách về tình cảm. 

Đặc điểm chung của những gia đình rơi vào cảnh ly thân là họ muốn kiểm tra lại tình cảm của chính mình. Họ không ra tòa bởi muốn che giấu mối quan hệ đó, không muốn làm ảnh hưởng đến công việc, đến tình cảm, tâm lý của chính mình cũng như những người thân khác trong gia đình.
Vì thế, việc công khai mối quan hệ vợ chồng ở tình trạng ly thân sẽ không hợp lý. 
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhận định vấn đề ly thân đang tồn tại trong thực tế, nhưng ít người muốn công khai tình trạng này. Nó là sự thỏa thuận mang tính riêng tư của hai vợ chồng. Không nhất thiết để tòa án phải can thiệp.  “Nếu không cẩn thận, tình trạng ly thân sẽ biến thành “hôn nhân treo” ảnh hưởng đến trẻ em và phụ nữ”, ông nói.
ĐB Lê Văn hoàng (TP Đà Nẵng) phát biểu: “Vấn đề ly thân rất khó xác định, vì đó là quan hệ riêng tư, chỉ họ mới hiểu được. Cần có những khảo sát về nhu cầu trên thực tế. Tránh tình trạng đưa vào luật nhưng không ai thực hiện”.
ĐB TP Đà Nẵng cũng cho rằng ly thân chỉ là một khoảng cách về tình cảm. Dự luật coi ly thân gần giống với ly hôn sẽ không làm giảm tình trạng ly hôn mà còn làm suy yếu thêm mối quan hệ vợ chồng.
Bày tỏ sự e ngại chế định ly thân sẽ làm tổn thương đến các thành viên trong gia đình, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cũng không đồng ý với phương án này.
Chung quan điểm với nhiều ĐB khác, bà phân tích: Mục đích của ly thân là làm giảm xung đột quan hệ vợ chồng. Thực tế, ly thân là để bảo vệ uy tín, danh dự, giữ gìn sự yên ổn trong tâm lý của các thành viên khác trong gia đình, khi mâu thuẫn của vợ chồng chưa đến mức phải ly hôn. Nếu ly thân cũng ra tòa thì chẳng khác gì đã công khai. Mà khi đã công khai rồi thì có khác gì ly hôn?. “Tóm lại, theo tôi, không nên đưa chế định này vào luật”, bà nói. 
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cũng đề nghị cần cân nhắc lại quy định này, để không gây ra tổn thương cho các thành viên trong gia đình ở giai đoạn mà họ chưa phải chịu đựng. 
ĐB Nguyễn Đức Châu (Quảng Trị) phân tích rất kỹ về những hệ quả xấu nếu đưa chế định ly thân vào luật. Kết luận lại quan điểm của mình, ông đề nghị: Ly thân không nên do tòa án quyết định. Chỉ nên tôn trọng.
Về độ tuổi kết hôn còn nhiều ý kiến trái chiều. Một số quan điểm đồng ý quy định nam, nữ đủ 18 tuổi được kết hôn. Các ĐB đồng ý với quy định này cho rằng quy định như vậy sẽ đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật khác. Bởi 18 tuổi, công dân có đầy đủ quyền, trách nhiệm theo pháp luật, nhưng quyền cơ bản và quan trọng là được xây dựng gia đình lại chưa được.  
“Quy định này tạo sự bình đẳng của nam và nữ. Và cũng chống được quan điểm rập khuôn về vai trò của nam và nữ trong  gia đình”, ĐB Khúc Thị Duyền phát biểu quan điểm.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng việc nam thanh niên ở tuổi 18 có thể làm được nhiều việc. Nhưng trọng trách để xây dựng một gia đình, một tế bào của xã hội, thì còn quá nặng. Do đó nên giữ nguyên theo quy định hiện hành.  
“Nam 18 tuổi mới có thể “làm cho vợ mình mang thai”. Còn để xây dựng, gánh vác gia đình, nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái nên người thì chưa”, ĐB Nguyễn Đức Châu nói.
Một ĐB tỉnh Bắc Cạn cũng cho rằng nếu nam ở tuổi 18 đã có thể lập gia đình rất có nguy cơ đổ vỡ gia đình vì ở tuổi đó, họ chưa đủ trưởng thành để có thể đảm bảo về kinh tế, tinh thần, tư tưởng để chèo lái một gia đình riêng. Hơn nữa, quy định như hiện nay đã ổn định hơn 50 năm. Vì thế, nên giữ nguyên như quy định của luật hiện này.

Đọc thêm