(PLO) - Đó là câu hỏi đang được đặt ra không chỉ từ các nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ), mà cả từ các địa phương, các cơ quan, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ. Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương được trợ giúp pháp lý (TGPL) để bảo vệ quyền lợi hợp pháp vẫn là mơ ước của nạn nhân BLGĐ.
10 người bị bạo hành, 5 người được hỗ trợ pháp lý
Trong hơn 6 năm hoạt động (2007-2013), Ngôi nhà Bình yên đã đón 379 người tạm trú là nạn nhân BLGĐ. 71% số người tạm trú bị cả 3 hình thức bạo lực là thể chất, kinh tế, tình dục nên rất nhiều người có tâm trạng hoảng loạn tinh thần, suy kiệt sức khỏe và “tay trắng” về kinh tế, tài sản. Lúc này các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân, trong đó có hỗ trợ pháp lý là rất cần thiết để giúp họ trở lại cuộc sống.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thúy – Trưởng phòng Tư vấn thì chỉ có 58% nạn nhân nhận được sự TGPL từ các luật sư, như vậy là cứ 10 người bị bạo hành, chỉ có 5 người được hỗ trợ pháp lý. Lý do chính khiến con số này trở nên rất “khiêm tốn” như vậy là vì nhiều nạn nhân, cũng như các cơ quan, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ vẫn còn chưa biết nạn nhân của BLGĐ có được TGPL hay không.
Theo quy định tại Điều 10 Luật TGPL thì các đối tượng được TGPL chỉ bao gồm 04 loại đối tượng: người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quy định như vậy đã khiến rất nhiều người, kể cả các luật sư hiểu rằng, ngoài 4 loại đối tượng trên thì các nhóm đối tượng khác, trong đó có nạn nhân BLGĐ… nằm ngoài luật.
Nói về vấn đề này, Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đã từng có đề xuất: “Ngoài bốn nhóm đối tượng được TGPL quy định tại Điều 10, chúng ta cần mở rộng và đưa thêm các đối tượng là trẻ chưa thành niên, các đối tượng là nạn nhân BLGĐ, nạn nhân buôn bán người… vào trong Luật TGPL để tạo sự thống nhất trong cách áp dụng của các cơ quan tiến hành tố tụng và tạo sự đồng thuận trong cách hiểu của những người tiến hành tố tụng. Có như vậy sẽ tạo điều kiện hơn cho các trợ giúp viên, luật sư cộng tác viên trong quá trình thực hiện TGPL của mình”.
Hiểu sai?
Vấn đề nạn nhân BLGĐ gặp khó khăn khi tiếp cận dịch vụ TGPL đã nhiều lần được đề cập tới trong các cuộc tọa đàm, hội thảo về BLGĐ, mà hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm làm việc với nam giới gây BLGĐ” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và người chưa thành niên tổ chức vào tháng 9/2013 là một ví dụ. Tại hội thảo này, một chuyên viên của Cục TGPL Bộ Tư pháp đã cho biết: “Tới đây khi sửa Luật TGPL sẽ đưa thẳng nạn nhân BLGĐ vào danh sách đối tượng được TGPL thay vì phải chiểu theo Thông tư như hiện nay. Vì luật không quy định nên tại nhiều Trung tâm TGPL, việc TGPL cho nạn nhân BLGĐ nằm trong hoạt động bổ sung”.
Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo “Công tác bảo vệ nạn nhân và quy trình xử lý vụ việc BLGĐ” ngày 18/11 mới đây, bà Tạ Thị Minh Lý - nguyên Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp, hiện đang là Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo cho biết đang có sự hiểu chưa đúng, chưa chuẩn về vấn đề TGPL cho nạn nhân BLGĐ.
Cụ thể, theo bà Tạ Thị Minh Lý, đúng là Luật TGPL hiện hành chỉ quy định 4 đối tượng, nhưng trong luật cũng có một điều khoản mở là: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó” (Điều 2 Luật TGPL).
Đối với nạn nhân BLGĐ thì “điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” chính là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam đã tham gia và có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 19/3/1982.
Mặt khác, bên cạnh đó, Luật Phòng chống BLGĐ cũng có quy định nạn nhân BLGĐ có quyền được “cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật ” (Khoản 1 Điều 5).
Được biết, trước đây từ năm 2005 trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam 2005 – 2009” cùng với một số đối tượng khác, phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ cũng đã chính thức được hưởng TGPL miễn phí.
Theo số liệu thống kê tại 5 tỉnh thực hiện thí điểm lồng ghép giới, thì trong tổng số vụ việc TGPL hàng năm, có trên 30% đối tượng TGPL là phụ nữ bị bạo hành, phụ nữ nghèo trong các vụ án ly hôn, tranh chấp dân sự, phụ nữ bị xâm hại tình dục hoặc là đại diện hợp pháp của trẻ em bị xâm hại tình dục…
Như vậy có thể nói là nhu cầu được TGPL của nạn nhân BLGĐ là rất cao. Điều này cho thấy cần thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về TGPL theo hướng cụ thể hơn để tránh kéo dài tình trạng nạn nhân BLGĐ, nhất là phụ nữ, chưa được sự bảo vệ của chính sách, pháp luật của Nhà nước.