Đừng để mỹ phẩm “nhái” hãm hại sức khỏe

(PLO) - Sử dụng mỹ phẩm để làm đẹp, tô điểm cho bản thân nhưng không ít người lại bị chính mỹ phẩm hủy hoại nhan sắc, sức khỏe, mà đa phần “độc dược” này đều có nguồn gốc được cho là từ hàng giá rẻ Trung Quốc, “đội lốt” các thương hiệu nổi tiếng, thẩm lậu vào nội địa và bán trôi nổi trên thị trường.
Ẩn họa từ những thỏi son 10K (10.000đ)
Ẩn họa từ những thỏi son 10K (10.000đ)

Nhiều phụ nữ là “tín đồ” của các hãng mỹ phẩm khác nhau, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để sắm cho mình một bộ mỹ phẩm tốt. Chị Đồng Thị Hải (Xa La – Hà Đông, Hà Nội) khoe: “Ông xã tôi rất chiều vợ, sinh nhật vợ năm ngoái, ông ấy nhờ cháu gái lấy chồng bên Hàn mua trọn bộ mỹ phẩm tặng tôi. Giá cả bộ là 15 triệu đồng”.

Mỹ phẩm “cao cấp” bán “rơi vãi” lề đường
Tuy nhiên, những “bà xã” được chồng chiều như chị Hải không dễ gặp. Nhiều trường hợp do không có đủ tài chính để chi trả cho những bộ mỹ phẩm hàng hiệu, đành mua những loại rẻ tiền không rõ nguồn gốc. Nắm bắt tâm lý khách hàng, nhất là khách hàng sinh viên, nhiều người đã bất chấp luật, nhập la liệt các mặt hàng mỹ phẩm “nhái” và “rải” trên các… cung đường Hà Nội.
Dọc các con phố như Xuân Thủy, Nguyễn Trãi, Hàng Than…, các lô hàng mỹ phẩm “hàng hiệu” đủ màu sắc đua nhau mọc lên, vài trăm ngàn đồng cũng có, vài chục cũng có, vài nghìn đồng… cũng có. Gần đây, mỹ phẩm còn tràn xuống vỉa hè ven Hồ Tây, người bán bày hàng ra bên đường rồi dùng micro “rót” những lời đường mật vào tai khách bộ hành, như: “Hàng hiệu xách tay giá rẻ, mua hai tặng một”, “Lancôme, Biore, Lux, Olay, Maybelline, Avon… mới về, mua ngay nào”...
Còn buổi tối, tại các khu chợ sinh viên như chợ Dịch Vọng, Nhà Xanh, Phùng Khoang, các quầy bán mỹ phẩm cũng tưng bừng đỏ điện, loại nào cũng có, giá nào cũng có. Khách cầm một thỏi son lên xem, chủ quán đã mau miệng: “Hàng Thái xịn đấy ạ, giữ màu 12 tiếng, có mùi thơm dễ chịu lắm”. Khi thắc mắc tại sao trên vỏ thỏi son có chữ “Made in U.S.A”, mà dưới đáy lại có chữ Thái Lan loằng ngoằng, làm sao mà biết chính xác là của hãng nào, nước nào sản xuất, chủ quán đánh lạc hướng ngay: “Chị cứ dùng đi, đảm bảo chị thích ngay”, rồi nhanh nhảu lấy 1 thỏi son khác giống hệt bôi 1 ít lên bàn tay, xoa nhẹ, một lúc hiện lên màu đỏ rực, lau mãi không sạch.
Giá của mỗi thỏi son được nói là hàng Thái này dao động 20 – 40 nghìn đồng (phụ thuộc vào tài mặc cả của khách), rẻ hơn cả vài loại son có mác “Made in China”. Tuy nhiên, theo phát hiện của một số khách hàng, chính các nhãn hiệu Thái này trước đây cũng gắn mác China, từ sau thời điểm tháng 5/2014, để né sự tẩy chay của người tiêu dùng đã được thương nhân âm thầm thay xuất xứ.
Sức khỏe treo… 10k
Nhưng không riêng gì hàng Thái, theo nhiều chuyên gia am hiểu thị trường, bất cứ “made in” nào cũng đều có thể là hàng Tàu. “Đa phần mỹ phẩm bày bán ở Việt Nam đều có nguồn gốc Trung Quốc. Quảng Châu có thể làm nhái như thật bất cứ mặt hàng cao cấp nào. Nguồn hàng rất dồi dào”, các chuyên gia này khẳng định.
Bác sĩ Nguyễn Lê Hoa - Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Da liễu Trung ương
Bác sĩ Nguyễn Lê Hoa - Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Da liễu Trung ương
Bác sĩ Lê Hoa cũng đưa ra lời khuyên tới những người sử dụng mỹ phẩm: Khi mua mỹ phẩm phải có nhãn mác đầy đủ, của những hãng tin dùng và còn hạn sử dụng; nên chú ý các thành phần có trong mỹ phẩm để tránh những chất có thể gây dị ứng cho da; trước khi dùng phải thử vào mặt trong cánh tay, nếu không có biểu hiện gì thì mua được; bảo quản mỹ phẩm đúng cách để tránh làm cho các chất bên trong mỹ phẩm biến tính; dụng cụ sử dụng để trang điểm nên được vệ sinh sạch sẽ; khi bắt đầu có dấu hiệu bị dị ứng, nên đến ngay những cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Sinh viên Bùi Thùy Linh thật thà chia sẻ: “Trên đường Tôn Đức Thắng có vài quán đồng giá 10k (10 nghìn đồng)/sản phẩm, mỹ phẩm cũng nhiều. Thỉnh thoảng ghé qua, tôi lại tha về vài món: son, phấn hồng, kẹp mi, sơn móng tay, dưỡng tóc, chuốt mi… đều giá 10k. Sắm đủ cả bộ mỹ phẩm hết 100k thì tha hồ dùng”.
Ẩn họa đằng sau những món mỹ phẩm 10k kia không ai lường hết được. Trưởng khoa Da liễu – Bệnh viện Da liễu Trung ương, bác sĩ Nguyễn Lê Hoa cho biết: “Mỗi tuần, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị dị ứng do mỹ phẩm, chủ yếu là lứa tuổi thanh niên và trung niên. Nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng mặt mũi sưng đỏ, biến dạng, nổi sần, chảy nước… Nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân bị dị ứng với mỹ phẩm, có thể là do cơ địa, giống như người uống thuốc kháng sinh, người hợp người không; có thể là trong thành phần của mỹ phẩm có quá nhiều hàm lượng các chất không cho phép, gây tổn thương cho các khu vực tiếp xúc trên cơ thể”.
Người thường sử dụng mỹ phẩm mỗi ngày tiếp xúc tối đa 3 loại mỹ phẩm trở lên. Với những người có cơ địa nhạy cảm, có thể dị ứng với cả những loại mỹ phẩm “xịn”, hàng hiệu. Tuy nhiên, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc thì nguy cơ bệnh nhân bị dị ứng còn cao hơn rất nhiều.“Nếu cứ tùy tiện sử dụng mỹ phẩm mà không tìm hiểu kỹ các thành phần bên trong thì có thể bị dị ứng ngay sau vài giờ hoặc vài ngày sử dụng. Nhẹ thì đỏ mặt, phù nề, ngứa. Nặng có thể dẫn đến hoại tử, tê liệt bộ phận tiếp xúc với mỹ phẩm hoặc tử vong”, bác sĩ Lê Hoa nhấn mạnh.
Sức khỏe người tiêu dùng mỹ phẩm đang bị đe dọa trầm trọng, nhưng những mặt hàng mỹ phẩm trôi nổi vẫn nhiều không kể xiết. Phóng viên đã tìm đến Chi cục Quản lí thị trường Hà Nội để tìm hiểu sâu hơn về việc quản lý mặt hàng này nhưng lãnh đạo cáo đi công tác vắng rồi hứa sẽ cử cán bộ trả lời phỏng vấn, nhưng cuối cùng vẫn bặt vô âm tín, dù đã cố gắng liên lạc lại nhiều lần.
Chuyên mục bảo vệ NTD của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...

Mọi kiến nghị của độc giả xin gọi vào số điện thoại ĐDN: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com 

Đọc thêm