Đừng đưa họa sĩ trẻ… lên mây!

Họa sĩ Nguyễn Hà trong một buổi sinh hoạt của Hội Mỹ thuật thành phố tâm tư về việc một số họa sĩ trẻ của Hải Phòng hiện nay đang được khen thái quá. Việc khen này theo ông sẽ là “con dao hai lưỡi”; không khích lệ, động viên các họa sĩ trong quá trình trau dồi kiến thức mỹ thuật

Họa sĩ Nguyễn Hà trong một buổi sinh hoạt của Hội Mỹ thuật thành phố tâm tư về việc một số họa sĩ trẻ của Hải Phòng hiện nay đang được khen thái quá. Việc khen này theo ông sẽ là “con dao hai lưỡi”; không khích lệ, động viên các họa sĩ trong quá trình trau dồi kiến thức mỹ thuật, nâng cao tay nghề  mà dễ dẫn họa sĩ trẻ vào tình trạng “tự mãn” sớm. Điều này có ảnh hưởng xấu trong hoạt động mỹ thuật nói chung và hoạt động sáng tác của họa sĩ trẻ nói riêng.

Bến Tam Bạc (sơn dầu).
Bến Tam Bạc (sơn dầu).

“Thương cho roi cho vọt”

Câu thành ngữ của các cụ ta xưa nói về việc nghiêm khắc trong rèn người có ý nghĩa ở nhiều tình huống, lĩnh vực. Mỹ thuật cũng không ngoại lệ. Càng rèn luyện, càng chịu nhiều vất vả và thất bại thì khi thành công càng tỏa sáng. Nghệ thuật cần sự hy sinh chứ không cần sự ve vuốt. Sự ve vuốt và khen thái quá như ý của họa sĩ Nguyễn Hà ảnh hưởng xấu  tới nhận thức nghề nghiệp của các họa sĩ trẻ - những người đang chập chững tìm con đường cho nghệ thuật của mình.

Thực tế, một số họa sĩ trẻ Hải Phòng ở một số triển lãm trước đâu cũng có vài bức tranh tàm tạm, le lói những tín hiệu đáng mừng. Song, qua vài lời khen hơi quá lời, họ đã đánh mất cảm hứng của sự sáng tạo, đi vào sự dễ dãi, “ăn xổi”. Mới đây, tại cuộc thi  tranh cổ động của  thành phố, một số họa sĩ trẻ cũng nhận được nhiều lời ca ngợi từ phía những họa sĩ quen thuộc của Hải Phòng và những người giữ vai trò quản lý trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Theo ý kiến nhiều họa sĩ lâu năm , việc khen này hoàn toàn phản cảm. Bởi qua triển lãm này  thấy hầu như không có sự sáng tạo nào trong ngôn ngữ sáng tác tranh cổ động. Người ta vẫn chỉ thấy những công, nông binh, trí thức… “xếp hàng” với nền tranh là  những ống khói các nhà máy, các khu nhà tập thể… Chưa thấy sự “sáng tạo” nào trong cáh thể hiện mà chỉ là sự cóp-pi những tranh cổ động cách đây nhiều chục năm. Mà theo ý kiến của một họa sĩ có nghề đánh giá thì, thậm chí tranh mới sáng tác còn xấu và không ý nghĩa bằng tranh sáng tác trong thời kỳ ấy.

Đừng ve vuốt để gạt đi những gì thiếu sót

Sẽ có người phản đối rằng, cần phải khen kịp thời, động viên kịp thời để các họa sĩ trẻ có thêm ý chí phấn đấu, trau dồi và phát triển. Nhưng không phải vì thế mà khen quá mức khen không đúng. Các họa sĩ cần nhận ra những thiếu sót của mình để hoàn thiện chứ không cần những lời khen dễ dãi để sớm đi đến tư tưởng tự mãn. Việc khen thái quá ấy vô hình chung gạt đi những thiếu sót. Họa sĩ trẻ dễ bị dẫn dắt theo lời khen ấy trong làm nghệ thuật. Và những thiếu sót sẽ không được các họa sĩ bù đắp kịp thời để hoàn thiện  mình.

Họa sĩ Hoàng Đình Tài, một người thành danh ở Hà Nội nhưng có một quãng thời gian dài tuổi trẻ ở Hải Phòng hoàn toàn có lý khi nhận xét: “Tranh họa sĩ Hải Phòng hiền, thiếu những đợt sóng mạnh mẽ, bạo liệt như tính cách người Hải Phòng”.  Những thiếu sót ấy khách quan được đánh giá từ người bạn yêu Hải Phòng và gắn bó với anh em họa sĩ  Hải Phòng. Và nếu những họa sĩ trẻ nắm bắt được những thiếu sót trong sáng tạo nghệ thuật của mình, tỉnh táo vượt lên những lời khen sáo rỗng, thiếu tác động tích cực thì sẽ có được những tác phẩm có chất lượng cao hơn .

Hải Phòng được đánh giá là vùng đất “lành” của mỹ thuật. Với đội ngũ họa sĩ được đào tạo cơ bản, có tay nghề cùng 2 “cái nôi” đào tạo nguồn mỹ thuật là  Nhà văn hóa thiếu nhi và Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật, Hải Phòng hoàn toàn tự tin về nguồn họa sĩ trẻ đóng góp lâu dài trong đời sống hội họa của thành phố. Chỉ hy vọng, các họa sĩ trẻ sẽ không phải chịu cảnh “ghét cho ngọt cho bùi”, “bị khen nhiều hơn những góp ý chân thành đúng đắn. Họ cần được động viên theo kiểu chia sẻ kinh nghiệm, nhắc nhở vượt qua những thiếu sót hơn là đưa lên tận mây xanh…./.

 

Phong Linh

 

 

 



 

 

 

 

Đọc thêm