Đừng “giết” tuổi thơ trẻ tại các điểm du lịch khi mua hàng và cho tiền!

(PLVN) - Bọn trẻ ở một số điểm du lịch bị người thân “nhồi nhét” làm mọi “mánh khóe” để “moi” tiền của du khách. Từ chuyện bất ngờ băng qua đường “chặn xe” xin tiền, xin quà; lẽo đẽo, dai dẳng mời chào du khách mua đồ lưu niệm; sẵn sàng quay mông vào ống kính chụp ảnh, ném đá trộm khi du khách không cho tiền. Đau lòng hơn, có trẻ ngày đêm hút thuốc lào, phả khói thuốc để cho du khách chụp ảnh, kiếm tiền… Những đám trẻ ấy sẽ lớn lên ra sao với vốn ngoại ngữ bồi, cái đầu trống rỗng kiến thức và tư duy thực dụng, mánh khóe?” 
Những trẻ nhỏ bị người lớn đẩy ra đường bán hàng, xin tiền du khách trong trời đông lạnh giá.
Những trẻ nhỏ bị người lớn đẩy ra đường bán hàng, xin tiền du khách trong trời đông lạnh giá.

Trẻ bị “huấn luyện” cách “moi” tiền du khách

Đêm ở Sa Pa, mưa rét, sương mù phủ kín, nhiệt độ giảm xuống 2 độ C, những đứa trẻ người Mông run rẩy bám theo khách bán đồ lưu niệm. Trong khi, những bố mẹ đứa trẻ đến thị xã rồi canh chừng một chỗ, để trẻ địu em đi bán hàng nhằm lấy lòng thương hại của du khách. Nhóm trẻ te tái đeo bám, chèo kéo khách du lịch mua hàng. Nếu một em bán được hàng, lập tức 4, 5 em khác xúm lại bao vây. Có nhóm khách bị vây, phiền quá chạy, bị đuổi theo đến tận cầu thang khách sạn.

Còn nhớ, cách đây không lâu, đoàn du khách phượt 5 người di chuyển trên đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) thì gặp một nhóm trẻ em chạy từ bên đường ra xin bánh kẹo. Khi dừng lại, một du khách trong nhóm phượt đó đã bị lũ trẻ giật mất gói bánh. Sau đó, đoàn du khách phát hiện ra nơi giấu "chiến lợi phẩm" ở bên đường, chủ yếu là bánh kẹo, nước ngọt. Lũ trẻ sợ bị đòi lại đồ nên ùa đến và dọa ném đá.

Đây không phải trường hợp hiếm xảy ra ở tại cung đường du lịch vùng núi phía Bắc. Trên mạng xã hội, nhiều du khách xác nhận gặp trường hợp tương tự khi chạy xe máy tuyến đường đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang). Hành động chạy băng đường, chặn lối xin tiền, bánh kẹo du khách của trẻ em vùng cao rất nguy hiểm tính mạng trẻ em và du khách khi các xe đang đổ đèo với tốc độ cao.

Việc đám trẻ rủ nhau “chặn xe” xin bánh kẹo xuất phát từ cách đây chục năm, vì thương lũ trẻ nghèo, lam lũ, du khách thường dừng lại vệ đường, nơi lũ trẻ đang chơi để cho bánh kẹo, đường sữa, quần áo và tiền. Trẻ nhỏ được tiền, quà liền chạy về khoe bố mẹ. Thấy các con vừa chơi lại có tiền, bố mẹ chúng đã có “kế sách” cho lũ trẻ nghỉ học và “lùa” ra đường “chặn xe” xin tiền, xin quà.

Đã từ lâu, người dân vùng cao, nơi có điểm du lịch dường như coi con em mình là “công cụ” để kiếm tiền. Ngay từ khi con 3 tuổi, nhiều gia đình đã “nhào nặn”, “dạy dỗ” những đứa con mình cách kiếm tiền thay vì đưa chúng đi nhà trẻ, mẫu giáo. Khi bi bô tập nói cũng là lúc trẻ học tiếng Kinh và tiếng Anh bồi vài ba câu mời mua hàng. Không những thế, chúng phải thuộc làu làu “bài văn” thương tâm giống hệt nhau mà chúng được người thân dạy khi du khách hỏi hoàn cảnh gia đình: “Nhà cháu nghèo lắm. Bố mẹ ốm đau không nuôi nổi cháu. Cháu không được tới trường. Cháu phải ra đây để bán hàng, để xin tiền nuôi sống bản thân. Xin các ông, các bà, cô chú mua hàng và cho cháu ít tiền, quà bánh….”

Bọn trẻ thường xin 20 nghìn- 30 nghìn đồng, thậm chí xin hàng trăm nghìn đồng để mua sách vở, sữa, mua cái áo cho đỡ ấm. Nghe từ miệng đứa trẻ kể hoàn cảnh đó, số tiền lại không lớn, nên rất nhiều du khách cảm động và rút túi cho. Một ngày, vài người, chục người cho, số tiền ấy quả là rất lớn với trẻ nhỏ cũng như thu nhập bình quân của những gia đình miền núi.

Người lớn “lùa” trẻ ra bán hàng, xin quà. Còn lũ trẻ thì coi đó như trò chơi đổi hàng lấy tiền quen thuộc. Dù “trò chơi” này vô tình khiến chúng đánh mất tuổi thơ trong sáng, trở nên thực dụng. Cùng với sự “đồng lõa” của bố mẹ, chúng bỏ học từ rất sớm. Đa phần, bọn trẻ không thiết tha tới trường học. Em Giàng A Mẩy, 8 tuổi, dân tộc Mông tại Sapa (Lào Cai) nói rành rọt bằng tiếng Kinh: “Bọn cháu thích đi dạo quanh khu du lịch. Vừa được chơi vừa kiếm được nhiều tiền. Học làm gì, đến trường kiếm con chữ làm gì cho mệt đầu, mệt cái bụng!”.

Nếu như ở những điểm du lịch biển, đám trẻ ở đó chỉ tranh thủ những ngày hè để đi bán hàng, xin tiền từ du khách thì đám trẻ ở vùng cao, lượng du khách trong và ngoài nước đến đều 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông, đám trẻ sẵn sàng bỏ học để…phục vụ “thượng đế”. 

Chổng mông, ném đá khi du khách…không cho tiền!

Đám trẻ tại một số điểm du lịch được người thân, bố mẹ trong gia đình “huấn luyện” nếu bất cứ ai không mua hàng hoặc không cho tiền, lập tức sẽ không đồng ý chụp ảnh hay trò chuyện. Du khách trong và ngoài nước đã quá quen cảnh trẻ nhỏ người Mông nói: “No money, no photo”- Không tiền không (cho) chụp ảnh”. Đám trẻ sẵn sàng chổng mông vào ống kính, hoặc lấy vạt áo che mặt khi biết người chụp ảnh không cho tiền mình.

Có nhiều đám trẻ sẵn sàng lẽo đẽo, dai dẳng bám theo du khách, miệng không ngớt mời mua vòng tay, mũ áo thổ cẩm mặc cho du khách từ chối. Chúng bám theo tới lúc nào khách rút ví mua thì thôi. Có trẻ còn được “đào tạo” bằng cách “xin tiền” từ phủi quần, đến đấm thẳng vào lưng du khách.

Bọn trẻ bị người ta “nhồi nhét” làm mọi cách để “moi” bằng được tiền của du khách. Một bức ảnh đăng trên mạng xã hội của người có tên L.K.H chia sẻ, được chụp tại Sapa vào 27/09/2016, hình ảnh một đứa trẻ dân tộc-  Châu A Giằng, 10 tuổi đang phì phèo ống thuốc lào, thở ra những làn khói trắng dài loang lổ giữa tiết trời miền núi lạnh giá khiến không ít người nhói lòng. Đau lòng hơn, việc rít thuốc lào là công việc kiếm tiền hàng ngày của Giằng. Giằng hút thuốc lào từ lúc 7 tuổi khi được “cổ vũ” của người thân. Một số du khách thấy lạ cho tiền, chụp ảnh khi bé đang phê thuốc lào, nhả khói. Số tiền khách “bo” ngày càng nhiều đồng nghĩa bé Giằng nghiện thuốc càng nặng. Tuổi thơ của em bị chôn vùi vào ống thuốc lào, những đồng tiền du khách ném vào cùng với tiếng cười khả ố.

Cần dừng ngay việc trẻ em bị trục lợi

Chị Tẩn Thị Su, Giám đốc doanh nghiệp xã hội Sapa O Chau tâm sự: “Bản thân tôi đã từng trải qua tuổi thơ như những em nhỏ nơi đây, nên hơn ai hết, tôi rất thấu hiểu và đồng cảm. Hồi ấy, tôi chỉ là đứa trẻ 11,12 tuổi hành động như các em bây giờ, cũng chạy theo mời khách mua hàng, nhận xin kẹo. Nhưng ngoài những chiếc kẹo, tôi còn nhận thêm được gì? Đó là sự hắt hủi, coi khinh của những du khách. Những đám trẻ ấy sẽ lớn lên ra sao với vốn ngoại ngữ bồi, cái đầu trống rỗng kiến thức và tư duy thực dụng, mánh khóe?”.

Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch thị xã Sa Pa cho hay: “Tình trạng một số trẻ em đi lang thang, đeo bám khách bán hàng rong ở thị xã diễn ra lâu nay. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp song chưa giải quyết dứt điểm, khiến cho hình ảnh khu du lịch Sa Pa xấu đi trong mắt du khách. Chúng tôi đã thông qua các tổ chức đoàn thể để vận động phụ huynh. Tuy nhiên, sau một thời gian dài vẫn không có chuyển biến”.

Bà Hoàng Thị Vượng, trưởng Phòng văn hóa - thông tin thị xã Sa Pa thông tin thêm: “Chính quyền thị xã đã vào cuộc nhằm giảm thiểu tình trạng chèo kéo khách du lịch từ hàng chục năm nay nhưng chưa thực sự hiệu quả. Chúng tôi đã xử lý rất nhiều, nhiều lần đưa trẻ về Trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng sáng đưa ra thì chiều chúng trèo tường trốn mất. Tối đã thấy chúng bán hàng ngoài phố". 

Dịp Tết dương lịch 2021 vừa qua, xe lưu động của Đội Kiểm tra trật tự đô thị UBND phường Sa Pa (Lào Cai) đã đến một số điểm đông du khách để phát loa tuyên truyền. "Trên địa bàn thị xã Sa Pa trong ngày đông giá buốt có những trẻ thơ bị ép đi ăn xin và bán hàng. Trẻ em bị người lớn trục lợi, vi phạm quyền trẻ em. Đề nghị các du khách phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện không mua hàng của các cháu là để bảo vệ quyền trẻ em”. Rất nhiều chia sẻ lại đoạn clip và ủng hộ cách bảo vệ trẻ khỏi việc bị người lớn trục lợi này.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội), cho biết trẻ em bị lợi dụng vào mục đích xin ăn, kiếm tiền là hành động vi phạm pháp luật. Khi bắt gặp việc này, ai cũng có thể báo ngay cho đường dây nóng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Tổng đài sẽ kết nối với chính quyền địa phương, cơ quan công an nơi gần nhất để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Ông Nam nói: "Phải làm việc, kiếm tiền trong môi trường đường phố, nóng bụi, giá rét, môi trường độc hại, rủi ro nên cần phải ngăn chặn để bảo vệ trẻ. Những năm qua, chúng ta đã ngăn chặn rất nhiều những hành vi sử dụng trẻ em để xin ăn, kiếm sống trên đường phố… Hiện tượng này đã giảm nhiều so với trước tuy nhiên vẫn còn. Để quyền trẻ em được bảo vệ thì cần sự vào cuộc của tất cả các địa phương, cơ quan chức năng và từng gia đình…" .

Theo bà Hoàng Thị Vượng, hiện nay chính quyền thị xã Sa Pa đã thực hiện một kế hoạch dài hạn. Trong đó, điểm mấu chốt là tạo điều kiện để chính đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với cách làm kinh tế văn minh. "Chúng tôi đang tập hợp nguyện vọng của từng hộ dân. Hộ nào muốn bán hàng chúng tôi sẽ bố trí địa điểm, hướng dẫn kỹ năng. Hộ nào muốn phát triển nghề dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch... chúng tôi xây dựng chính sách để hỗ trợ" - bà Vượng nói.

Hiện có rất nhiều tổ chức, công ty lữ hành Việt Nam đã yêu cầu du khách cam kết không cho kẹo, cho tiền trẻ em. Tại nhiều điểm du lịch ở vùng núi phía Bắc, chính quyền đã dán thông báo khuyến cáo: “Khách du lịch không cho trẻ em địa phương tiền, bánh kẹo. Trẻ em sẽ bỏ học chữ để đi xin tiền, bánh kẹo”. 

Bởi họ hiểu rằng, chính những hành động tưởng như nhân đạo như cho quà, cho tiền để trẻ bớt đói khổ lại vô tình “giết” tuổi thơ của các em.

Đọc thêm