Lợi dụng trẻ em để bán hàng tồn tại nhiều năm qua tại Sa Pa
Thông tin từ phòng VH&TT thị xã Sa Pa cho biết, Sa Pa là một thị xã trẻ vùng cao miền núi, nằm ở phía Tây của tỉnh Lào Cai với diện tích đất tự nhiên 683,29km2, Sa Pa là vùng đất tụ cư của 6 tộc người Mông, Dao, Tày, Kinh, Giáy, Xá Phó, trong đó dân tộc Mông chiếm 52%, dân tộc Dao chiếm 22,4%, dân tộc Kinh chiếm 14,8%, dân tộc Tày chiếm 5%, dân tộc Giáy chiếm 3%, dân tộc Xá Phó chiếm 1,06 %. Dân tộc khác chiếm 1,74%.
Trong nhiều thế kỷ qua, các dân tộc thiểu số đã lần lượt di cư đến Sa Pa và chinh phục mảnh đất này thành những bản làng trù phú với khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ. Quá trình đấu tranh sinh tồn và lao động sản xuất đã giúp cho cộng đồng các dân tộc Sa Pa hình thành nên những nét văn hóa và lối sống độc đáo, tạo ra một bức tranh văn hóa đa sắc màu bên dãy Hoàng Liên kỳ vỹ.
Sự độc đáo của văn hóa các dân tộc thể hiện trong không gian văn hóa của các làng bản, trong kiến trúc nhà cửa của mỗi dân tộc, trên trang phục của nam và nữ và trong các lễ hội truyền thống. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển của du lịch Sa Pa nói riêng, văn hóa các dân tộc có nhiều biến đổi và trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng.
Các tuyến - điểm du lịch cộng đồng trên địa Sa Pa đón rất nhiều lượt khách với tổng doanh thu cao hàng năm, trong đó có phí tham quan, phí doanh thu từ các dịch vụ du lịch tại điểm (lưu trú, ăn uống và quà lưu niệm...). Du lịch đã tạo môi trường phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện như: nghề thổ cẩm, nghề thảo dược và hương liệu, nghề làm hương, làm nến sáp ong, làm trống, chạm bạc, nghề rèn....
Hình ảnh người đàn ông lên loa kêu gọi không mua hàng, cho tiền trẻ em (ảnh cắt từ clip). |
Nhiều loại ẩm thực địa phương cũng dần được giới thiệu tới du khách và trở thành những thực đơn độc đáo tại các nhà hàng; Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống cũng được khai thác để phục vụ khách du lịch tại các cộng đồng thông qua chuỗi các lễ hội đầu xuân mới, các chương trình biểu diễn giao lưu văn nghệ với khách du lịch.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà Sa Pa không còn đó những bất cập từ du lịch. Nhiều người bản địa cho biết, hồi Sa Pa chưa có nhiều du khách đến, mọi thứ cứ mặc nhiên tự nhiên như vậy. Nhưng từ khi Sa Pa trở thành một trong những điểm nhấn du lịch trong và ngoài nước, thì ngày càng có nhiều điều không mấy hay ho, như tình trạng trẻ em chèo kéo du khách mua hàng, dắt díu, bồng bế nhau để du khách cho tiền.
Việc này được bà Hoàng Thị Vượng - Trưởng Phòng Văn hóa Thị xã Sa Pa cho biết, tình trạng lợi dụng trẻ em để bán hàng tại khu du lịch Sa Pa có tồn tại nhiều năm qua, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.
Chính vì vậy mà những ngày qua, cộng đồng mạng chia sẻ về clip người đàn ông cầm micro kêu gọi du khách không nên mua hàng hay cho tiền trẻ em. Người đàn ông đó là cán bộ của Đội Kiểm tra trật tự đô thị, UBND phường Sa Pa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Cán bộ này nói rằng, trên địa bàn thị xã Sa Pa trong ngày đông giá buốt có những trẻ thơ đang bị ép đi ăn xin và bán hàng.
Đây là hành động trục lợi trên thân thể trẻ em, đang vi phạm pháp luật về quyền trẻ em. Kính mong quý khách khi đi tham quan và du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa hãy vui lòng phản đối việc làm trên bằng hành động thực tế, không mủi lòng thương hại và cho tiền trẻ nhỏ, không mua hàng của các cháu. Như vậy là chúng ta đã góp phần bảo vệ quyền trẻ em... Mỗi chúng ta cần phản đối hành động trên bằng việc không cho tiền và không mua hàng.
Giải pháp để cứu trẻ em khỏi nguy cơ bị trục lợi
Trước việc làm của thị xã Sa Pa, có nhiều ý kiến cho rằng, việc làm trên của thị xã Sa Pa là hợp tình hợp lý. Dù thế nào, chúng ta cũng không nên để trẻ em phải có những hành vi không đáng có như vậy. Việc chèo kéo du khách mua hàng không những khiến người mua ức chế mà còn để lại ấn tượng xấu trong du khách về Sa Pa. Lần sau, du khách có ý định quay lại với Sa Pa, nhưng nghĩ đến việc bị làm phiền như vậy, người ta lại thay đổi ý định, như vậy Sa Pa sẽ thiệt thòi nhiều hơn trong việc thu hút du lịch.
Như chúng ta biết, bản thân Sa Pa mang lại nguồn lợi rất lớn không chỉ cho Sa Pa mà cho toàn tỉnh Lào Cai. Nên việc bảo vệ Sa Pa, làm cho Sa Pa đẹp hơn trong mắt du khách là việc nên làm, làm lâu dài, làm bền vững. Cũng có ý kiến cho rằng, nên để trẻ em bán hàng, vì dù sao đó cũng là nét đẹp của Sa Pa. Rồi nếu để trẻ em bán hàng như vậy thì chúng ta cần giáo dục trẻ em, rồi thậm chí đeo thẻ, cháu nào vi phạm sẽ không được đi bán hàng.
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, bà Hoàng Thị Vượng - Trưởng Phòng Văn hóa Thị xã Sa Pa, cho rằng, trẻ em tại Sa Pa nhiều năm trước đã phải bỏ học để bán hàng. Nhưng khi có sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành địa phương, trẻ em chỉ bán vào các ngày nghỉ. Nhưng tình trạng trên trở nên đáng báo động hơn khi những đứa trẻ mới mấy tháng tuổi, trên dưới 10 tuổi bị biến thành công cụ kiếm tiền cho người lớn, thậm chí là công cụ của những bà mẹ, người thân.
Những đứa trẻ dắt díu nhau, ăn mặc rách rưới, khổ sở trong giá buốt để tạo lòng thương cảm cho du khách. Thống kê cho biết, có tới 98% các trường hợp bà mẹ đưa các con nhỏ đi bán hàng, xin ăn là người dân tộc Mông, còn lại dân tộc người Dao. Họ sinh sống ở lân cận Sa Pa, một số ít ở Tam Đường (Lai Châu). Để giải quyết tình trạng trên, ngoài việc cán bộ phường kêu gọi trên loa, kể từ tháng 8/2020, thị xã Sa Pa đưa ra giải pháp “chuyển đổi mục đích sinh kế” cho các bà mẹ.
Bà Vượng cũng nói rằng, ai bán hàng sẽ được đăng kí địa điểm bán hàng tại khu du lịch, làm tại các nhà hàng, khách sạn... Thị xã khuyến khích người dân bán các mặt hàng có xuất sứ tại Sa Pa. Cũng như, sẽ cố gắng không để xảy ra tình trạng trục lợi trẻ em, nếu có có dấu hiệu của việc trục lợi hoặc hành hạ thân xác từ trẻ em thì công an sẽ xử lý để làm gương.
Bà Vượng cũng đưa ra thêm phương án tới đây, sẽ giúp trẻ em phát huy được những thế mạnh của mình, cũng như tính đến phương án khác hơn là để các em chèo kéo bán hàng. Bà Vượng không đồng tình việc đeo thẻ bán hàng cho trẻ em. Tới đây, trẻ em sẽ tham gia vào sinh hoạt hát múa phục vụ cho du lịch. Việc làm này vừa giúp trẻ em vui chơi giải trí, vừa là sinh hoạt lành mạnh, cũng như giúp Sa Pa đẹp hơn trong mắt du khách.