Dùng hàng Việt là yêu nước

(PLO) - Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam, nhiều người đang dự cảm về một “cuộc gây hấn” thương mại cũng không loại trừ được quốc gia này âm mưu khởi xướng, và lúc này người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt chính là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước.
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Nhiều thành viên và các trang mạng xã hội đang kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, dù dưới hình thức nào, buôn bán hay tiêu dùng, ai dùng hàng Trung Quốc là không xứng danh người Việt...
Dậy sóng tẩy chay hàng Trung Quốc 
Ngay lập tức, hàng ngàn người đã lên tiếng ủng hộ hành động này. Phân tích sâu hơn, độc giả Nguyễn Khánh Toàn cho rằng, với kim ngạch 23,7 tỉ USD, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam năm 2013. Điều đáng lo ngại, với chính sách giá tận diệt, rất nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã và đang triệt tiêu nhiều doanh nghiệp nội địa.
Mặt khác, nhiều mặt hàng của Trung Quốc được nhập lậu, chưa qua kiểm soát, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của người dân. Và trên thực tế, đã có nhiều trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe do dùng hàng Trung Quốc.
Tuy ủng hộ quan điểm của lòng yêu nước nhưng nhiều bạn lo ngại khẩu hiệu tẩy chay hàng Trung Quốc khó thực hiện, đúng hơn là không thể thực hiện được. Vì không chỉ sản phẩm mà phần lớn hàng hóa Việt Nam cũng được sản xuất với hàm lượng rất lớn vật liệu, máy móc của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng có độc giả cho rằng, hàng Việt Nam rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là ngành dệt may. Cho nên, sẽ không bao giờ tới mức phải “cởi chuồng” nếu tẩy chay đồ Trung Quốc.
Bạn Hạnh Lê rất lạc quan khi cho rằng dân có tiền thì các hãng thời trang quốc tế rất nhiều, ít tiền hơn dùng hàng Việt Nam. Nồi cơm điện của Hàn Quốc sản xuất ở Việt Nam, nồi Thái Lan cũng không ít. Cắt đồ Trung Quốc thì dùng hàng Việt Nam, nhập hàng của Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc…
59% người tiêu dùng “sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Theo khảo sát nhanh của PV, hiện nay tại các chợ đầu mối lớn trên toàn quốc, hàng Trung Quốc dường như vẫn đang thống trị, các chủ buôn sẽ chuyển hàng về các điểm kinh doanh nhỏ lẻ ở các vùng miền. 
Mối lo hàng Trung Quốc “lấn sân” hàng Việt ngày càng lớn khi thời điểm năm 2015, Hiệp định ASEAN +1 có hiệu lực, hàng hóa Trung Quốc và các nước trong khu vực có thuế suất 0% đang đến gần. 
Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là kết quả điều tra xã hội học gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy: 59% người tiêu dùng luôn “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 38% người tiêu dùng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”; 36% người tiêu dùng cho rằng “trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất sứ ở nước ngoài, nay đã dừng mua (hoặc ít mua hơn), thay bằng mua hàng Việt Nam”.
Bộ Chính trị đã xác định rất rõ mục đích cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm “Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.
Có thể trong lúc này, lúc khác, người tiêu dùng thường vẫn chỉ đứng trên góc độ lợi ích của riêng mình để quyết định chi tiêu và thị trường sẽ tự vận hành theo quy luật của nó. Nhưng từ sau thời điểm đặc biệt như hiện nay, nhiều người hẳn sẽ đồng ý rằng  sau mỗi quyết định chi tiêu cũng là một cách biểu thị thái độ. Khi một quốc gia thể hiện sự không tôn trọng chủ quyền Việt Nam thì việc nói không với hàng hóa, sản phẩm của quốc gia đó cũng chính là thuận theo quy luật của lòng yêu nước.
Doanh nghiệp tận tụy sản xuất, người tiêu dùng ưu tiêu dùng hàng Việt Nam giờ đây hơn lúc nào hết chính là hành động thiết thực bảo vệ nền kinh tế đất nước trước một “cuộc chiến” thương mại có thể xảy ra.

Đọc thêm