Dùng kích điện đánh bắt thủy sản bị xử phạt thế nào?

(PLVN) - Thời gian qua, Báo PLVN nhận được phản ánh của nhiều bạn đọc về tình trạng nhiều người dân mang kích điện đi để đánh bắt cá, lươn chạch sau mỗi cơn mưa, không chỉ đi bộ mà còn ngồi trên thuyền dùng kích đánh bắt cá trên các sông, ngòi, ao hồ rồi “quảng bá” trên mạng. Vậy hành vi này có bị cấm hay không? Cơ quan chức năng nào có thẩm quyền giải quyết?
Sử dụng kích điện hoặc dòng điện để khai thác thủy sản là hành vi trái pháp luật (Ảnh minh họa)
Sử dụng kích điện hoặc dòng điện để khai thác thủy sản là hành vi trái pháp luật (Ảnh minh họa)

PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư (LS) Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn LS TP Hà Nội).

Thưa LS, có được đánh bắt các loại thủy sản bằng kích điện hay không?

- Tình trạng dùng điện lưới, máy xung điện để khai thác thủy hải sản vẫn diễn ra khá phổ biến ở một số nơi. Đây là hành vi rất nguy hiểm, không chỉ có tính hủy diệt, tận diệt, gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. 

Do đó, từ ngày 2/1/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, có nội dung: “Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước”. 

Tiếp đó, Luật Thủy sản năm 2003 và hiện nay là Luật Thủy sản năm 2017 đều có quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng dòng điện, xung điện để khai thác thủy sản. Tại khoản 7 Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) quy định nghiêm cấm các hành vi “sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản”.

Như vậy, việc sử dụng kích điện hoặc dòng điện để khai thác thủy sản là hành vi trái pháp luật, đã bị pháp luật nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng
Luật sư Nguyễn Đức Hùng 

Cụ thể hành vi này sẽ bị xử phạt như thế nào?

- Theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực thủy sản, tại Điều 28 về “vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản” có quy định: Hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản mà không sử dụng tàu cá sẽ bị xử phạt tiền từ 3-5 triệu đồng; 

Hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản cũng sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng; Hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản sẽ bị xử phạt từ 15-40 triệu đồng; Hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng. 

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 3-6 tháng.

Bên cạnh đó, hành vi “sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản” cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” theo Điều 242 BLHS khi thuộc một trong các trường hợp: “Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng, hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt VPHC về một trong các hành vi quy định tại Điều này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. 

Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50-300 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 10 năm tù.  

Với pháp nhân thương mại phạm tội này sẽ có thể phải đối diện với các hình phạt như: Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 5 tỷ; đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm.  

Vậy cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt?  

- Theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, tùy trường hợp mà hành vi vi phạm sẽ thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, lực lượng Công an, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư; Thanh tra của Sở NN&PTNT hoặc của Chi cục, Tổng cục Thủy sản.

Điều 3 Luật Xử lý VPHC năm 2012 quy định nguyên tắc: “Mọi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định”; “Việc xử phạt VPHC được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định”. 

Tuy nhiên, thực tế có không ít hành vi vi phạm liên quan đến việc dùng điện trong khai thác thủy sản đã không được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định. 

Xin cảm ơn LS!

Đọc thêm