Anh Trương Công Nghiêm (ảnh) ở phường Thanh Khê Tây, năm nay vừa tròn 40 tuổi và cũng gần từng ấy năm sống trong cảnh tật nguyền. Anh là tấm gương điển hình nổi bật của cả nước về ý chí và tài năng của người khuyết tật (NKT).
Nỗi đau và nghị lực...
|
Lúc chào đời, Nghiêm cũng bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác nhưng khi chưa đầy 3 tuổi, Nghiêm bị một cơn sốt ác tính làm liệt cả hai chân và vĩnh viễn trở thành NKT. Suốt ngày, cậu bé Nghiêm nằm trên xe đẩy, nhìn chúng bạn nô đùa với xiết bao thèm muốn nhưng đành bất lực. Ấy vậy mà, khi đến tuổi đi học, Nghiêm vẫn nằng nặc đòi bố mẹ cõng đến trường. Trong khi chưa hết ngạc nhiên về sự xuất hiện của cậu học trò ngồi học trên chiếc xe đẩy thì thầy cô và bạn bè càng ngạc nhiên hơn về khả năng tiếp thu nhanh của cậu bé tật nguyền. Học giỏi, ngoan ngoãn và tận tình giúp bạn, Nghiêm được thầy cô và bạn bè hết sức quý mến. Những hôm ba mẹ bận việc, các bạn thay nhau cõng Nghiêm đến trường.
Nghiêm lần lượt học hết tiểu học, THCS và thi đỗ vào Trường THPT Phan Châu Trinh. Bố mẹ, anh chị em và bạn bè lại thay nhau đưa đón Nghiêm đến trường. Tốt nghiệp cấp 3, Nghiêm xin vào học nghề vẽ chân dung, bảng hiệu, in lụa, tạo mẫu tại hiệu vẽ của thầy Trung Sơn trên đường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Thầy Trung Sơn cũng là NKT, vì vậy mà thầy có sự đồng cảm sâu sắc với cậu học trò Trương Công Nghiêm. Thầy truyền nghề cho Nghiêm bằng cả nhiệt tình tâm huyết, còn Nghiêm học nghề với tất cả quyết tâm, ý chí phải “đứng lên trên đôi chân tật nguyền”. Tay nghề của Nghiêm nâng cao từng ngày và chẳng bao lâu đã vượt xa các bạn cùng khóa. Đồng thời, Nghiêm tự tìm tòi học hỏi về tin học và mau chóng thành thạo khả năng thiết kế, đồ họa trên vi tính.
Gian khó và tài năng trên đường lập nghiệp
Năm 1992, được gia đình hỗ trợ vốn, Nghiêm kết hợp với một người bạn tên là Thanh mở cơ sở vẽ quảng cáo N.Trung tại số 278 Phan Châu Trinh-Đà Nẵng. Buổi đầu lập nghiệp, Nghiêm đã gặp biết bao khó khăn, nhất là sự nghi ngờ của khách hàng về khả năng thực hiện. Anh còn nhớ, hồi ấy có một bà chủ hiệu buôn ở chợ Đống Đa nghe ai đó giới thiệu đã gọi điện cho Nghiêm đến để đặt vẽ một tấm bảng hiệu. Nhưng khi thấy anh thợ vẽ cao không đến 1 mét và không tự đứng được, bà ta thất vọng, lấy ra 20.000 đồng cho Nghiêm để “đổ xăng mà về”! Nuốt nước mắt vào lòng, Nghiêm khảng khái từ chối số tiền ấy và từ đó, việc đi lại, giao dịch, ký kết hợp đồng, Nghiêm ủy quyền cho Thanh. Thanh có gì cần hỏi lại thì trao đổi với Nghiêm qua điện thoại. Nghiêm và Thanh phối hợp nhau khá ăn ý, sản phẩm đẹp, sắc sảo, được khách hàng rất tín nhiệm và tìm đến ngày càng nhiều. Nghiêm đã tuyển thêm thợ vẽ và mở rộng ngành nghề, nhận in ấn tổng hợp, thiết kế lô-gô, khắc kim loại, đúc tem nhựa dẻo và vẽ quảng cáo.
Đầu năm 2005, Nghiêm đứng ra thành lập Công ty TNHH Người khuyết tật N.Trung (trụ sở hiện nay tại số 91 Phan Thanh-Đà Nẵng) với tổng số gần 15 công nhân. Công ty của Nghiêm không chỉ có việc làm ổn định mà còn luôn hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước (mỗi năm đóng gần 30 triệu đồng tiền thuế), lương bình quân của công nhân từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng. Nghiêm là tấm gương điển hình về hình ảnh một người giám đốc miệng nói tay làm. Từ tác nghiệp vi tính, tạo mẫu, kẻ, vẽ, in, khắc..., anh vừa làm vừa chỉ đạo, hướng dẫn cho công nhân. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp ở Đà Nẵng như Công ty Liên doanh Dacotex, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội… đã đến anh đặt hàng và luôn hài lòng về chất lượng, kỹ, mỹ thuật.
Giám đốc Trương Công Nghiêm cho biết, công ty của anh bây giờ đã có đơn đặt hàng thường xuyên, số lượng khách liên tục tăng nhanh và cũng đang có nhiều người xin vào làm việc, cả NKT và người bình thường. Anh rất muốn nhận họ vào làm nhưng ngặt nỗi mặt bằng đang thuê (mỗi tháng 3 triệu đồng) chỉ được vài chục mét vuông, không đủ chỗ để nhận thêm người. Anh rất phấn khởi khi lãnh đạo thành phố đã ban hành chính sách ưu đãi thuế sử dụng đất cho các cơ sở người tàn tật và đã làm đơn xin thuê đất để mở rộng công ty.
Nhiệt huyết với những hoạt động sẻ chia...
Từ lâu, Nghiêm luôn mong ước có một tổ chức về NKT để động viên chia sẻ nhau trong cuộc sống. Mong ước đó đồng điệu với mong ước của nhiều NKT khác và Chi hội Thanh niên khuyết tật Đà Nẵng (thuộc Hội LHTN thành phố) đã được thành lập ngày 12-7-2002. Nghiêm được bầu làm Ủy viên thư ký, rồi Chi hội trưởng và đã tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ, hỗ trợ nhau cả về tinh thần và vật chất. Ở cương vị này, Nghiêm hoạt động năng nổ, xông xáo, tích cực vận động các cơ quan, đơn vị và các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ cho những NKT nghèo khó. Mới đây, chi hội đã phối hợp với Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi thành phố tổ chức Chương trình “Vượt lên nỗi đau vì sự phát triển bền vững của cộng đồng”, bước đầu đã gây quỹ hơn 20 triệu đồng...
Đến năm 2009, chi hội đã có hơn 300 hội viên ở khắp 7 quận, huyện và làm kiến nghị xin thành lập Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng và đã được lãnh đạo thành phố chuẩn y. Ngày 16-4-2010, tại Đại hội Hội Người khuyết tật TP. Đà Nẵng lần thứ I, anh Trương Công Nghiêm đã được bầu làm Chủ tịch Hội.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM