Đừng lợi dụng lòng tốt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Xã hội chúng ta có nhiều người giàu lòng trắc ẩn, sẵn sàng sẻ chia, cứu giúp những hoàn cảnh éo le, khó khăn theo một đạo lý truyền thống: “Thương người như thể thương thân”. Nhưng ngược lại, không ít người lại lợi dụng đạo lý tốt đẹp này để hưởng lợi cho mình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thoạt đầu, việc giải cứu nông sản, trái cây, rau quả… cho bà con nông dân là một nghĩa cử được nhiều người ủng hộ và mang lại hiệu quả thiết thực. Lâu dần, việc này trở thành nhàm vì có quá nhiều cái cần phải giải cứu và tất nhiên, hiệu quả cũng kém đi, không còn sự ủng hộ tích cực như ban đầu. Xuất hiện một suy nghĩ cần phải có một cách làm khác, cứ giải cứu mãi là không được, do vậy, phong trào giải cứu đi xuống, chỉ xuất hiện lẻ tẻ.

Thế nhưng, có vẻ như sự kêu gọi giải cứu vẫn chưa hết tác dụng bởi lòng trắc ẩn trong dân ta cùng với sự cả tin thì chưa bao giờ hết. Mới nhất, giải cứu trứng gà ở Hà Nội là một ví dụ, dưới tấm băng rôn đỏ “giải cứu” và một nhóm “tình nguyện viên” nhiệt tình chào đón, một số lượng lớn trứng được bán ra với giá 2.000 đồng một quả. Ngay sau đó, báo chí tìm hiểu kỹ và cho rằng đây chỉ là chiêu trò kinh doanh. Dù sao, người mua “thiện nguyện” cũng hưởng giá rẻ hơn đôi chút và được kích thích, an ủi bởi cho rằng mình vừa làm được một việc tốt, mặc cho chưa có nhu cầu mua mặt hàng này.

Giải cứu được nâng lên một tầm cao hơn rất nhiều khi người ta kêu gọi “giải cứu thị trường bất động sản”. Rất nhiều người nghi ngờ tại sao phải “giải cứu người giàu”, và hơn tất cả là một nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường cho dù có định hướng thì cũng cần tôn trọng những quy luật đó. Vì thế, không cần giải cứu nhưng hỗ trợ, gỡ “nút thắt” thì được.

Không kêu gọi giải cứu nhưng dùng chiêu “xả kho”, “cắt lỗ”, “giảm giá”… để bán hàng thì cũng na ná như giải cứu mà ta bắt gặp nhan nhản trên các trang mạng bán hàng và cả trong thị trường bất động sản. Người mua nhận ra mình bị lừa, vẫn phải mua theo giá cao thì đã muộn.

Vì thế, tỉnh táo để làm người tiêu dùng thông thái chẳng bao giờ là cũ. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều này và dù có thông thái đi chăng nữa cũng dễ dàng bị lừa khi những chiêu trò kinh doanh đánh vào lòng trắc ẩn.

Giải cứu vốn là một nghĩa cử đẹp nhưng khi bị lợi dụng, nó trở thành xấu, thậm chí phản đạo lý và vi phạm pháp luật. Dẫn chứng rõ nhất là những chuyến bay giải cứu đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trong đại dịch vừa qua. Việc kiếm tiền trên lưng đồng bào trong cơn hoạn nạn đã bị dư luận gay gắt lên án và pháp luật ra tay trừng phạt. Những người nhân danh đạo lý tốt đẹp để làm việc xấu xa đã phải trả một cái giá rất đắt.

Đọc thêm