Dùng "mắt" người dân để "quét" tội phạm

Vi phạm hành chính diễn ra hàng ngày và không phải lúc nào cũng bị xử lý, một phần vì lực lượng chức năng có “căng hết mình ra thì cũng không đủ người để rải quân ở lúc, mọi nơi” mà phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Vì vậy, sự hỗ trợ của xã hội và chuyển biến nhận thức của từng người dân chính là biện pháp để hạn chế vi phạm.

Vi phạm hành chính diễn ra hàng ngày và không phải lúc nào cũng bị xử lý, một phần vì lực lượng chức năng có “căng hết mình ra thì cũng không đủ người để rải quân ở lúc, mọi nơi” mà phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Vì vậy, sự hỗ trợ của xã hội và chuyển biến nhận thức của từng người dân chính là biện pháp để hạn chế vi phạm.

Vi phạm nhiều vì được… bao che

Thực tế, trách nhiệm phát hiện, xử lý các vi phạm hành chính mới chỉ chủ yếu thuộc về phái các cơ quan nhà nước, trong đó một phần đáng kể là do các cơ quan thanh tra phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ở nhiều nơi, nhiều lúc, người dân vẫn còn có tâm lý bao che cho các vi phạm vì ngại va chạm và cũng do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại nên có tư tưởng “không quan tâm đến việc của người khác, việc mình, mình làm, yên ổn là được”.

Hình minh họa
Một chương trình giao lưu với người dân có thành tích chống tội phạm.

Vì thế, các vi phạm dưới nhiều hình thức, mức độ, lĩnh vực như về bảo vệ môi trường, đất đai, trật tự xây dựng, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, trung chuyển vật liệu xây dựng sai quy định, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, vi phạm luật lệ giao thông và vô vàn các vi phạm khác hàng ngày vẫn cứ diễn ra mà… không ai quan tâm vì thực chất “quan tâm cũng không hết”.

Chỉ riêng trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã cho thấy, dù lực lượng chức năng đã tăng cường tối đa các biện pháp xử lý nhưng tình trạng vi phạm vẫn tràn lan và hậu quả là tình hình an toàn giao thông ở các thành phố lớn, các tuyến quốc lộ luôn trở thành “điểm nóng” trên các diễn đàn và mối quan tâm hàng đầu của dư luận.

Chạy quá tốc độ, lấn làn đường, điều khiển xe ô tô, xe gắn máy khi có nồng độ cồn quá mức quy định, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… là những hành vi phổ biến và hầu như những người vi phạm đều biết “đó là sai” nhưng họ vẫn làm khi không thấy bóng lực lượng chức năng (cảnh sát hay thanh tra giao thông). Thậm chí, sẵn sàng tránh né, ngang nhiên hành hung lực lượng kiểm tra khi bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý…

Hay vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng: Dù rất nhiều công trình đã bị cưa nóc, tạm dựng thi công, nhiều chủ công trình bị phạt… nhưng tình trạng xây dựng trái phép, không đúng phép, đổ vật liệu không đúng nơi quy định… vẫn xảy ra cả ở vùng nông thôn và đô thị. Những cuộc ra quân của lực lượng liên ngành cũng không thể nhổ tận gốc những vi phạm này.

Nhiều công trình vi phạm đành phải cho hưởng “cơ chế” phạt cho tồn tại vì người dân xung quanh thì làm ngơ, không thông báo cho chính quyền nên khi lực lượng chức năng phát hiện ra thì… mọi chuyện "đã rồi".

Huy động “sức dân” phòng chống mới hiệu quả

Chủ trương xã hội hóa không chỉ đem lại hiệu quả ở những dịch vụ công, mà cũng sẽ đem lại hiệu quả cho công tác phòng và chống vi phạm hành chính nếu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng và pháp luật nói chung khai thác được sự quan tâm và đóng góp của nhân dân vào công tác này.

Theo các chuyên gia, lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính cần có quy định khuyến khích sự tham gia của các tầng lớp xã hội trong việc phát hiện và xử lý vi phạm hành chính thay vì chỉ “đeo” trách nhiệm này cho các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có cơ quan thanh tra. Mặc dù pháp luật hiện hành quy định về nguyên tắc mọi công dân, cơ quan, tổ chức đều có quyền xử lý các vi phạm hành chính.

Nhưng quy định mới chỉ mang tính chất định hướng, chung chung như “cá nhân, tổ chức có thành tích trong đấu tranh phòng và chống vi phạm hành chính thì được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước” (theo điều 120 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính), chứ chưa có quy định cụ thể thế nào “thành tích trong đấu tranh phòng và chống vi phạm hành chính” để được khen thưởng. Nếu được khen thưởng thì mức độ như thế nào, hình thức nào.

Việc quy định “cho có” như vậy khó có thể huy động sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân tham gia vào việc phòng và chống vi phạm hành chính, nhất là khi nhiều người còn sợ bị trả thù vì “xía vào việc người khác”.

Tuy nhiên, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013), vấn đề khen thưởng này đã không được đề cập đến nữa. Nhưng theo ông Hoàng Quốc Hùng (Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp), phải gắn chặt vấn đề “lợi ích” với việc phát hiện, tố giác vi phạm của người dân trước đòi hỏi mỗi công dân đều có ý thức cao trong việc phòng chống các loại vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm hành chính nói riêng.

Đồng thời có cơ chế, quy định để giữ bí mật thông tin để người phát hiện, tố giác, trình báo về vi phạm hành chính “yên tâm” khi thực hiện trách nhiệm công dân của mình trước xã hội.

Cũng phải lưu ý rằng, việc khen thưởng này chỉ dành cho quần chúng nhân dân – những người không có chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm hành chính thì mới có thể huy động toàn dân tham gia vào công cuộc phòng và chống vi phạm hành chính, không để bỏ lọt vi phạm, góp phần thiết lập trật tự và tính công bằng xã hội, cũng như bảo đảm pháp chế.

Minh Đăng

Đọc thêm