Đừng trách giới trẻ yêu nhưng không theo sử

(PLO) - Tại buổi khen thưởng học sinh giỏi môn lịch sử mới đây, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam hay Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chưa khảo sát cụ thể xem trong số gần 900 học sinh được trao thưởng trong 5 năm qua, có bao nhiêu học sinh chọn theo ngành lịch sử. Bởi phần đa các em theo các ngành Luật và Công an là những ngành dễ xin việc hiện nay...
Đừng trách giới trẻ  yêu nhưng không theo sử

“Em chọn lối này...”

Những năm gần đây, nhiều cuộc hội thảo, nhiều vấn đề đã được chỉ ra để lý giải và tìm lại vị thế cho môn sử. Mỗi năm, hàng trăm học sinh giỏi Quốc gia môn học này, nhiều em đều nhận thấy vẻ đẹp của môn học này. Đó là quá khứ, hiện tại và tương lai của một dân tộc kiên cường. 

Và đến thời điểm này, phần lớn các trường đã xác định được số lượng đăng ký các môn thi của học sinh trường mình. Vẫn như các năm trước, việc học sinh lựa chọn môn lịch sử để dự thi THPT quốc gia vẫn rất ít ỏi. PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, thống kê ban đầu của trường cho thấy, phần lớn học sinh chọn môn vật lý, hóa học, sinh học, có rất ít học sinh chọn các môn khoa học xã hội như địa lý và lịch sử vì các em chủ yếu đều học khối A. Và việc các em không thi môn sử bởi đó là lựa chọn cho 1 kì thi quan trọng, dù yêu thích, nhưng các em sẽ chọn môn thi có điểm cao hơn (môn Địa thay vì Sử).

Còn theo NGƯT Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Wellspring, từ vài năm nay, trường này chưa khi nào có học sinh chọn môn lịch sử để thi xét tốt nghiệp. Mặc dù vẫn có nhiều em thích học lịch sử và phương pháp dạy môn lịch sử của trường những năm gần đây cũng đã có nhiều đổi mới nhưng nhìn vào khối lượng kiến thức với nhiều con số, sự kiện, học sinh vẫn ngại môn lịch sử. Thay vào đó, nhiều em chọn môn địa lý bởi đây là  môn khoa học xã hội nhưng mang tính chất của khoa học tự nhiên, dễ học, dễ đạt điểm cao. 

Và 3 trong số 6 học sinh đoạt giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2016 vừa được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khen thưởng, các em đều cho biết sẽ chọn đăng ký vào Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân. Ngoài lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu kể trên, sự lựa chọn tiếp theo là ngành Luật. Chưa có thí sinh nào trả lời lựa chọn tiếp tục theo chuyên ngành lịch sử dù các em là những học sinh giỏi sử.

Em Hoàng Thị Hồng, học sinh lớp 12 chuyên sử, trường THPT chuyên Lam Sơn chia sẻ: “Học sinh học sử không có nhiều lựa chọn ngành nghề nên em đã lựa chọn Học viện Cảnh sát Nhân dân, ngành điều tra trinh sát. Hy vọng, kiến thức về lịch sử của nước nhà đã tiếp thu được sẽ giúp em phát huy trong ngành học của mình sau này”. Hoàng Thị Hồng cũng cho biết, các bạn em có không ít người đam mê môn sử  nhưng khi lựa chọn ngành đào tạo đại học thì đa số chọn Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh, ĐH Luật hoặc ĐH Sư phạm. 

Buổi vinh danh môn lịch sử năm 2016

Buổi vinh danh môn lịch sử năm 2016

Rất lãng phí

“Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng, việc các em thi học sinh giỏi sử rồi chọn ngành nào đó để học cũng là bình thường. Vì thực tế, đầu ra của ngành sử không nhiều”, ông Dương Trung Quốc cho biết.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, khối ngành khoa học xã hội nói chung, môn lịch sử nói riêng, sau khi tốt nghiệp đại học ra trường rất khó xin việc. Không chỉ ở Việt Nam, ở nhiều nước khác trên thế giới, môn khoa học tự nhiên, kinh tế thường được lựa chọn nhiều hơn khoa học xã hội.

“Học sử rất khó xin việc, nếu có cũng là việc lương thấp. Giáo viên nói chung lương thấp, giáo viên dạy sử càng thấp hơn. Nếu không khá về kinh tế, làm giáo viên môn sử khó yên tâm dạy học. Điều này lại tạo vòng luẩn quẩn giữa chất lượng giảng dạy, tình yêu môn lịch sử với vai trò quan trọng của môn học này” - PGS Nghiêm Đình Vỳ chia sẻ. 

Tuy nhiên, theo PGS Nghiêm Đình Vỳ, đây là một sự lãng phí. “Để không lãng phí tài năng, hãy trọng dụng môn sử coi trọng giáo viên dạy sử hơn nữa. Trong những yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, có đầu vào, sách và chương trình cơ sở vật chất, cơ chế chính sách và giáo viên thì yếu tố giáo viên phải được coi trọng nhất. Người thầy là cốt lõi của giáo dục.

Chúng ta cứ kỳ vọng quá vào sách giáo khoa, nhưng sách có thể sai, thầy giỏi có thể biết được cái sai đó trong quá trình dạy. Vai trò của người thầy là gốc trong giáo dục, thế mà chính sách cho người thầy còn yếu, vậy không ai học sư phạm là đương nhiên, sư phạm sử càng ít. Hầu hết ý kiến đổ lỗi cho việc không thích học môn sử của học sinh là do chương trình và sách giáo khoa lịch sử viết cho học sinh nhưng mang nặng tư duy của người lớn.

Nói như thế không có nghĩa học sinh quay lưng với môn sử, nếu giáo viên dạy hay, học sinh vẫn thích. Bây giờ học sử không phải chỉ kiểu cũ, đọc thuộc ghi nhớ, phải trực quan sinh động”- vị PGS này thẳng thắn bày tỏ.

Đọc thêm