Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 chỉ 15,3% học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử, thấp nhất trong số các môn tự chọn của kỳ thi. Có rất nhiều trường không có thí sinh (TS) nào đăng ký môn Lịch sử.
Môn Địa lý... “gỡ điểm”?
Năm 2016, ở kỳ thi THPT Quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp, học sinh phải đăng ký thi tối thiểu bốn môn, trong đó có ba môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Và vẫn như mọi năm, trong khi các khối A, B, D là sự lựa chọn của rất nhiều TS thì môn Lịch sử vẫn không mấy khả quan.
Theo ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Thi và Khảo thí của Sở GD&ĐT Hà Nội: Năm nay, thành phố có 66.006 TS lớp 12 dự thi. Theo đó, có 14.716 TS đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, còn lại 51.290 TS đăng ký dự thi với 2 mục đích vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Cũng theo kết quả này, ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ thì Địa lý là môn được đăng ký dự thi nhiều nhất với 27.981 TS; tiếp đó là môn Vật lý với 27.840 TS đăng ký. Môn đăng ký ít nhất với đối tượng này là Sinh học với 1.550 lượt đăng ký. Môn Lịch sử có 2.542 TS đăng ký dự thi.
Trong khi đó, TS có nhu cầu xét tuyển ĐH, CĐ thì môn Vật lý lại có số lượt đăng ký cao nhất trong số 5 môn tự chọn với 26.272 TS, tiếp theo là môn Hóa với 19.837 TS. Cũng là điều dễ hiểu vì đây là môn thi phù hợp với tổ hợp thi khối A, khối thi đại học đông nhất. Môn Địa lý có 15.724 TS đăng ký, Sinh học có 6.058 TS và ít TS đăng ký nhất là Lịch sử với 4.414 TS.
Như vậy, Địa lý năm nay vẫn là môn được TS đăng ký nhiều vì đây được coi là cơ hội để “gỡ” điểm. Bởi lẽ đa số học sinh chọn Địa lý vì đây là môn được TS đánh giá là có khả năng đạt điểm cao với lợi thế được mang Át-lát vào phòng thi như các năm trước.
Nhiều trường không có thí sinh chọn thi môn Lịch sử
Ngược lại với Địa lý là môn Lịch sử, hầu hết TS đều thích nhưng... sợ. Trường THPT Nguyễn Văn Cừ thống kê tạm thời nguyện vọng đăng ký môn thi của TS cho thấy, không có học sinh nào chọn thi môn Lịch sử. Trường THPT Lương Thế Vinh, thống kê ban đầu không có học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử.
PGS Văn Như Cương cho biết, thực tế, ở Hà Nội và Trường Lương Thế Vinh từ nhiều năm qua, TS phần đa chọn khối A và D. Thế nên, ngay cả với những trường chất lượng đầu vào thuộc top cao của Hà Nội, học sinh vẫn sợ khi nghe nói đến môn Lịch sử - Địa lý, bởi đơn giản là các em đã bỏ những môn này từ khi bắt đầu vào lớp 10 để chuyên chú học những môn mình sẽ thi đại học.
Thực tế là vẫn rất nhiều em thích học Lịch sử, phương pháp dạy ở môn học này đã có nhiều đổi mới nhưng nhìn vào khối lượng kiến thức với nhiều con số, sự kiện… là thấy sợ. Rất dễ hiểu vì sao học sinh chọn Địa lý là phương án an toàn hơn.
Đồng quan điểm này, thầy Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Hà Nội chia sẻ: Kể từ khi thành lập đến nay đã được 5 năm, trường chưa thấy trường hợp nào chọn môn Lịch sử để thi xét tốt nghiệp. Nhưng môn xã hội khác là Địa lý lại được khá nhiều em lựa chọn, lý do là bởi môn học này dễ học, dễ ôn tập và khi đi thi cũng dễ đạt điểm trung bình, thậm chí là điểm khá cũng không quá khó.
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử Trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, học sinh không chọn học môn Lịch sử đã là một xu thế chung trong những năm qua, không chỉ môn Lịch sử mà các môn khoa học xã hội ngày càng bị coi nhẹ.
Trên thực tế, nhiều học sinh thích học Lịch sử và khám phá môn này nhưng không chọn thi vì sợ phải ôn tập nhiều, dễ bị điểm thấp, khó làm bài… Thêm nữa là chương trình, sách giáo khoa Lịch sử hiện còn nhiều bất cập, lỗi thời, thi cử chưa thật sự phù hợp. Cách dạy ở môn Lịch sử cũng rất đỗi khô khan, mang tính đọc, chép ở trên lớp, học sinh ôn bài theo kiểu học vẹt, cốt chỉ trả bài cho giáo viên.