Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho biết: “Bằng những kiến thức không chỉ thuần túy là những con số, không chỉ thuần túy là sự kiện, đòi hỏi các bạn có sự liên hệ vận dụng để từ đó các bạn có thể hiểu thêm về lich sử.
Đặc biệt là phần thi video clip chúng tôi đánh giá rất cao sự sáng tạo của các em học sinh, các bạn phải cảm nhận, hiểu sâu sắc, yêu thích về vấn đề lịch sử đấy, địa danh đấy, danh nhân đấy mới thể hiện một cách đầy đủ tình cảm của mình thông qua cuộc thi. Thông qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn giúp các em học sinh nhận thức một cách đầy đủ về vị trí, vai trò của môn Lịch sử”.
Em Nguyễn Thị Thúy Ngân, học sinh (HS) lớp 11 chuyên Sử, Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ bày tỏ: “Theo em thấy, nước ta có rất nhiều di tích lịch sử văn hoá. Điều này rất thuận lợi cho học sinh, sinh viên tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Nhưng những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử này chưa phát huy được hết thế mạnh của mình.
Ví dụ như ở Việt Trì, Phú Thọ có miếu Hai Cô thờ... được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhưng lại chưa nhiều người biết đến, kể cả người dân Phú Thọ. Em mong muốn rằng Quốc hội có thể đưa ra những điều luật để việc trùng tu, bảo vệ và khiến cho những di tích lịch sử văn hóa có thể phát huy vai trò của mình, nhất là trong việc giáo dục".
Đồng quan điểm đó, em Trương Thị Hậu (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá) chia sẻ: Cháu là con em dân tộc Mường. Cháu thấy rằng những người hiểu rõ về lịch sử, phong tục tập quán của 54 dân tộc anh em không nhiều.
Ví dụ như người Mường có lễ đón mùa mới được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, cháu mong muốn có cuốn Bách khoa toàn thư về 54 dân tộc anh em, cuốn sách này có thể dịch ra nhiều thứ tiếng để bạn bè trên thế giới hiểu thêm về văn hóa này.
Ở góc độ khác, Nguyễn Đức Mạnh, HS trường THPT Chu Văn An cho biết: “Theo thống kê ở trường em, 70% các bạn học sinh yêu thích môn Lịch sử. Theo em, việc học sinh có thích học Lịch sử hay không do nhiều yếu tố, trong đó có vai trò của xã hội, xã hội đề cao Lịch sử thì môn học này mới phát triển.
Nhà trường cần tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử nước nhà, lịch sử của trường; giáo viên phải truyền được cảm hứng cho học sinh; các phương tiện truyền thông đại chúng cần phải tuyên truyền các câu chuyện lịch sử... "
Trong cuộc thi Tự hào Việt Nam còn có những giải thưởng dành cho những nhóm tác giả, video clip hay, xuất sắc nhất. Có không ít tác phẩm được thực hiện với những cảnh, góc quay bằng điện thoại nhưng vẫn lưu lại những dấu ấn, ý nghĩa riêng mà các em muốn truyền tải.
Clip “Thái Hòa trong tôi” do ba chàng trai lớp 12 A3 Trường THPT Thái Hòa, TX Thái Hòa, tỉnh Nghệ An thực hiện, gồm: Kiều Ngọc Thành, Trần Danh Huy và Hồ Gia Bảo, đã giành được giải nhất.
Danh Huy là người sáng tác ca khúc. Huy cho biết: “Từ lúc em lên ý tưởng sáng tác ca khúc cho tới lúc hoàn thiện là nửa năm, nhưng trong khoảng thời gian bắt đầu thời gian tham gia cuộc thi Tự hào Việt Nam là lúc em dồn tâm huyết sáng tác”.
Huy cũng là là rapper chính của nhóm, còn Ngọc Thành và Gia Bảo là hai giọng ca phần ballad. Cả ba cùng có chung một tình yêu sâu đậm với mảnh đất Thái Hòa xinh đẹp. Đó là lí do ba bạn cùng nhau thực hiện clip này.
Clip được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhà trường, bao gồm cả kinh phí thuê đội ngũ quay phim chuyên nghiệp.
Đồng Thị Ngọc Mai, nữ sinh dân tộc Tày, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Thái Nguyên là đại diện đội đạt giải nhì video clip với tác phẩm “Trang phục dân tộc - niềm tự hào của học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc”.
Trong clip, các bạn đã giới thiệu nhiều bộ trang phục truyền thống đẹp mắt của các dân tộc: Mông, Thái, La Hủ, Mường, Mảng, Hà Nhì, Dao, Tày, Nùng. Ngay cả trang phục của các dân tộc rất ít người (dưới 5.000 người) cũng được các bạn kỳ công thể hiện như Pu Péo, Xa Phó, Lự, Bố Y.
Ngọc Mai cũng cho biết, tìm hiểu và tự hào về các trang phục truyền thống của dân tộc là cách tốt nhất giáo dục các bạn trẻ biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình theo tinh thần hòa nhập, không hòa tan. Ngôi trường vùng cao của các bạn là nơi gặp gỡ, học tập của học sinh các vùng miền núi.
Mỗi dân tộc đều có những đặc trưng, phong tục tập quán riêng nên những bộ trang phục của các bạn cũng rất khác nhau, tạo nên sự đa dạng trong văn hóa. Các bạn đều mặc trang phục dân tộc mỗi sáng thứ hai đến lớp và các ngày lễ, điều này trở thành một quy định có từ lâu ở hầu hết các trường dân tộc nội trú.
Không chỉ mặc ở trường, ở lớp mà những bộ sắc phục dân tộc còn được các bạn mang đi thi ở những cuộc thi lớn, hội diễn văn nghệ và giành được giải cao. Mỗi khi khoác lên mình, bộ trang phục dân tộc trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ học sinh.
“Cuộc thi đã tạo cơ hội cho em được tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của dân tộc, đã giúp lớp trẻ chúng em có cơ hội tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc qua nhiều hướng khác nhau chứ không chỉ là những kiến thức khô khan trong sách vở.
Xét ở góc độ là học trò, em mong muốn các thầy cô cho học sinh học lịch sử một cách phong phú, sinh động, khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi như thế này qua đó để học sinh được tự tìm hiểu về kiến thức lịch sử theo nhiều khía cạnh khác nhau chứ không phải là quá trình đọc, chép trên trường khá thụ động, không có nhiều kiến thức.
Theo em, cách dạy sử hiện nay là chưa phù hợp khi mà môn sử mới là môn học phụ trong trường, sách sử cũng như giáo án viết còn quá khô khan, chưa tạo ra sự ham thích học lịch sử, học sinh chỉ được học qua sách vở chứ chưa được học nhiều qua tư liệu hay nghe các câu chuyện lịch sử.
Cách dạy lịch sử vẫn chưa gắn với lịch sử địa phương, trong phần học vẫn còn quá ít lịch sử địa phương, muốn biết học sinh vẫn phải tự tìm hiểu chứ trong trường rất hiếm có”, Nguyễn Trần Minh Tiến (Ninh Thuận) đạt giải nhì cuộc thi chia sẻ.
Trong cuộc sống hôm nay, không chỉ nhiều bạn trẻ mà ngay cả người lớn cũng có những sự hẫng hụt với môn sử, bởi quá nhiều lý do: bởi sự thờ ơ khi chúng ta mải miết trong cuộc mưu sinh trước mắt, bởi thầy cô chưa truyền được cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò.
Thế nhưng, tôi tin từ sâu thẳm trong mỗi người Việt, niềm tự hào về truyền thống, lịch sử dân tộc mình luôn tiềm ẩn trong mỗi người, chỉ cần nó được nhen lên, lửa sẽ cháy. Bởi tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào luôn xuất phát từ những điều rất nhỏ, thân thuộc trong tim mỗi người.
Tôi nhớ những câu thơ trong sách giáo khoa tiểu học thuở nhỏ, bài thơ “Tiếng gà trưa” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã có những dòng cảm xúc như thế: “Cháu chiến đấu hôm nay/ Vì tình yêu Tổ quốc/Vì tiếng gà thân thuộc/ Bà ơi, cũng vì bà/ Vì tiếng gà cục tác/ Ổ trứng vàng tuổi thơ...”.