Đừng ứng xử “ngẫu hứng” với cây xanh đô thị

(PLVN) - “Cây xanh không phải tự dưng mọc lên, đấy là tiền của, cho dù là từ cây giống đến duy trì, trồng trọt. Việc trồng và chặt vừa rồi thể hiện tính nghiệp dư trước ứng xử ngẫu hứng với cây xanh đô thị”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội nói về việc dự án trồng cây phong thử nghiệm ở Hà Nội thất bại sau 3 năm triển khai.
Kế hoạch chặt hạ và thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố của UBND thành phố Hà Nội cũng gây nhiều ý kiến trái chiều.

262 cây phong do một doanh nghiệp tặng thành phố Hà Nội được trồng thử nghiệm từ năm 2018. Tuy nhiên, sau gần 3 năm, hàng cây này ngày một trơ trụi. Dư luận không khỏi bức xúc phải chăng việc thay, trồng, chặt hạ cây xanh đô thị được thực hiện một cách tuỳ hứng, dẫn tới tốn kém tiền của của người dân, làm cảnh quan đô thị thêm nhếch nhác.

Nhìn lại năm 2015, kế hoạch chặt hạ và thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố của UBND thành phố Hà Nội cũng gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người bày tỏ tiếc nuối khi đã có ít nhất khoảng 500 cây xanh bị chặt hạ, trong đó có những cây cả trăm năm tuổi. Người dân xót xa khi nhìn con đường như Nguyễn Chí Thanh, từng được mệnh danh là “con đường đẹp nhất Việt Nam” ngổn ngang sau khi đốn hạ hai hàng cây đẹp bên đường.

Trước sự phản ứng của dư luận, UBND thành phố Hà Nội ngay sau đó đã dừng kế hoạch thay thế cây trên. Nhiều cán bộ liên quan tới dự án cũng đã bị kỷ luật. Những tưởng sau bài học lớn này, việc trồng, chặt cây, thay thế cây tại các đô thị sẽ phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, ở Hà Nội, dường như việc ứng xử tùy tiện với cây xanh đô thị vẫn diễn ra.

Đầu năm 2017, nhiều người dân xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội bức xúc vì hàng chục cây xanh trên tuyến đường liên thôn dài 3km đang tươi tốt không ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân lại bị đốn hạ. Việc này được UBND xã Cẩm Yên giải thích là "giải tỏa các công trình, cây trồng lấn chiếm lề đường, vi phạm hành lang an toàn giao thông". Lãnh đạo chính quyền địa phương sau đó đã phải nhận trách nhiệm, bị kỷ luật vì sự nóng vội, triển khai cẩu thả. Một số đô thị, thành phố khác cũng xảy ra vấn đề tương tự. 

Bên cạnh việc thay thế, chặt hạ thì việc duy tu, chăm sóc cây xanh đô thị tại nhiều địa phương cũng khiến người dân bức xúc. Một số đơn vị đã “đánh đồng” những cây khoẻ mạnh với những cây sâu bệnh, tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ mùa mưa bão để chặt hạ một cách oan uổng. 

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, việc chọn cây, trồng cây xanh trong đô thị cần phải được nghiên cứu công phu, tham vấn từ các chuyên gia, phải qua nhiều nghiên cứu và rút ra bài học từ thực tế. Đây cũng là bài học đắt giá cho thành phố Hà Nội trong việc trồng cây đô thị.

“Cây xanh không phải tự dưng mọc lên, đấy là tiền của, cho dù là từ cây giống đến duy trì, trồng trọt. Việc trồng và chặt vừa rồi thể hiện tính nghiệp dư trước ứng xử ngẫu hứng với cây xanh đô thị. Vì vậy, kết quả không được như mong đợi và cuối cùng là tốn kém trong xử lý. Đây cũng là kết quả của việc làm cẩu thả, tùy hứng. Cách thay cây này bằng cây khác cũng ngẫu hứng và cũng chưa thấy có giải trình rằng cây mới sẽ thay thế và hứa hẹn rằng cây mới sẽ tốt hơn cây cũ” - kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Cây xanh là niềm tự hào và là một phần không thể thiếu của Thủ đô Hà Nội cũng như các thành phố khác. Tuy nhiên, lãnh đạo các thành phố cần thận trọng, có tầm nhìn xa khi lựa chọn trồng cây gì cho phù hợp quy hoạch và thiết kế đô thị chung, tránh tình trạng nay trồng, mai chặt, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận. 

Đọc thêm