Ngày cuối cùng trong đời quân ngũ của 103 chiến sĩ ra quân đợt 1-2010 ở Trung đoàn 971, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố là một ngày khá đặc biệt. Không chỉ là tình cảm xao xuyến bùi ngùi của giây phút chia tay bạn bè, đồng đội, là niềm phấn khởi khi sắp được trở về với gia đình và người thân mà ngày hôm nay, họ còn được cán bộ Trường Trung cấp Nghề số 5 thuộc Quân khu 5 tổ chức hướng nghiệp, giới thiệu về việc đào tạo các ngành nghề để có thể chọn lựa một nghề phù hợp với bản thân, ổn định cuộc sống tương lai.
|
|||
Quân nhân xuất ngũ đăng ký học lái xe sau khi được tư vấn, hướng nghiệp. Ảnh: PHƯỚC VINH |
Bên cạnh các chế độ cho quân nhân xuất ngũ như mọi năm, năm nay, thực hiện Quyết định số 121 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi quân nhân xuất ngũ được cấp 1 thẻ học nghề có giá trị bằng 12 tháng lương tối thiểu (tương đương 7.800.000 đồng) để học một nghề sơ cấp tại các trường dạy nghề trong và ngoài quân đội. Đây là một chính sách ưu tiên đặc biệt cho đối tượng quân nhân xuất ngũ nhằm khuyến khích, động viên những người đã hăng hái tham gia đóng góp sức trẻ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, trên địa bàn thành phố, mỗi quân nhân xuất ngũ đã được bảo đảm kinh phí trợ cấp học nghề khi ra quân, đồng thời theo chủ trương của UBND thành phố, quân nhân xuất ngũ cũng được học nghề miễn phí tại Trung tâm Dạy nghề các quận, huyện. Như vậy, những chiến sĩ sau thời gian phục vụ quân đội trở lại địa phương đều được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để yên tâm học nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.
Các cán bộ tuyển sinh Trường Trung cấp Nghề số 5 thuộc Quân khu 5 cho biết: Nhà trường sẵn sàng tiếp nhận và đào tạo các ngành nghề cơ bản như: Cơ điện, điện lạnh, công nghệ thông tin, sửa chữa cơ khí, lái xe… cũng như trực tiếp giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ khi học xong nghề, đồng thời nhà trường cũng đã xây dựng ký túc xá phục vụ miễn phí cho học viên ở xa và trong năm tới sẽ được phép tuyển lao động xuất khẩu cho đối tượng quân nhân xuất ngũ. Đây là tin vui cho những bạn trẻ mong muốn tìm kiếm việc làm có thu nhập cao, nâng cao đời sống kinh tế cho gia đình và đóng góp cho đất nước.
Tuy nhiên, trong những năm qua, số lượng quân nhân xuất ngũ của thành phố Đà Nẵng theo học tại Trường Trung cấp Nghề số 5 còn rất ít, chỉ chiếm 30% quân nhân xuất ngũ toàn thành phố, chủ yếu là học nghề lái xe ô-tô. Vậy số quân nhân xuất ngũ còn lại học nghề ở đâu và học nghề gì? Câu hỏi này chưa thể thống kê được cũng như có thể hiểu rằng, các quân nhân xuất ngũ chưa mặn mà lắm với việc đào tạo nghề miễn phí.
Trong khi đa số quân nhân xuất ngũ đều có trình độ học vấn không cao (hơn 95% trung học phổ thông, trung học cơ sở) thì việc đào tạo các nghề sơ cấp của các trung tâm dạy nghề là rất phù hợp và thiết thực. Vì thế, công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp của các đơn vị quân đội và các Trung tâm đào tạo nghề đối với quân nhân xuất ngũ cần cụ thể và thuyết phục hơn để có thể thu hút đông đảo quân nhân xuất ngũ theo học các ngành nghề, có điều kiện thuận lợi tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình. Có như vậy, các chế độ chính sách ưu tiên của Nhà nước và quân đội đối với quân nhân xuất ngũ mới thực sự có ý nghĩa, phát huy được hiệu quả, từ đó tác động mạnh mẽ đến ý thức của đông đảo thanh niên đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới hiện nay.
HỒNG HẠNH