Được xác định là thuốc lá, cần quản lý ngay thuốc lá làm nóng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vừa qua, câu chuyện quản lý thuốc lá mới bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử tiếp tục được đem ra thảo luận tại Hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các chuyên gia liên quan.

Các bộ, ngành giữ quan điểm cần quản lý thuốc lá mới

Tại hội thảo, ông Trần Thành Trung, đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã chia sẻ về tiến độ xây dựng khung pháp lý cho thuốc lá mới (TLM). Cụ thể, trong năm 2022 và 2023, Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã có các cuộc làm việc chính thức để hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị định để thay thế Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá, trong đó có bao gồm phương án quản lý TLM.

Sau khi làm việc, phía Bộ Công Thương cho biết đã có kế hoạch xây dựng phương án quản lý tiệm cận gần nhất với ý kiến của Bộ Y tế về việc cần xem xét tác động của sản phẩm đến sức khỏe người dùng. Từ đó, Bộ Công Thương có thể trình Chính phủ theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư và các quy định liên quan khác.

Cũng theo ông Trung, hiện nay các bộ, ngành đều đồng thuận rằng các sản phẩm thuốc lá làm nóng (TLLN) là phù hợp với định nghĩa thuốc lá của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) năm 2012. Do đó, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm cần phải quản lý thí điểm sản phẩm này như đề xuất trước đây. Điều này sẽ giúp bảo vệ người dùng khi tiếp cận sản phẩm đã qua kiểm định, các cơ quan quản lý sẽ dễ dàng triển khai biện pháp chế tài chặt chẽ đối với các nguồn hàng nhập lậu, không rõ xuất xứ, chất lượng. Lợi nhuận từ các doanh nghiệp thuốc lá khi được kinh doanh hợp pháp cũng sẽ được nộp vào ngân sách quốc gia.

Ông Trần Thành Trung (bên phải) - đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương.

Ông Trần Thành Trung (bên phải) - đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương.

Về góc độ áp thuế đối với TLM, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: “Trong thời gian thí điểm hay kiểm nghiệm TLM thì vẫn phải có chính sách điều chỉnh đối với sản phẩm, cho nên phải đưa vào đối tượng của chính sách thuế”.

Nhấn mạnh tính phù hợp về mặt pháp lý, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, TLLN đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận có nguyên liệu là thuốc lá. Sản phẩm này còn phù hợp với các định nghĩa về thuốc lá được quy định trong Luật PCTHTL 2012 và Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá.

Đã có một số tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm thuốc lá mới

Cũng tại hội thảo, ông Lê Thành Hưng - Trưởng Phòng Tiêu chuẩn nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI), Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đã có một số tiêu chuẩn sản phẩm được nghiên cứu và công bố nhằm phục vụ cho đề xuất của Bộ Công Thương đối với TLM, bao gồm thuốc lá điện tử và TLLN.

Theo ông Hưng, về mặt tiêu chuẩn hóa, từ năm 2020, VSQI đã phối hợp với Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia xây dựng một số tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm TLLN.

Cụ thể, dựa trên các tài liệu, tiêu chuẩn của các quốc gia như Liên bang Nga, Anh…, Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia đã xây dựng và trình lên Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 3 tiêu chuẩn liên quan đến TLLN, bao gồm 1 tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật, 2 tiêu chuẩn liên quan đến việc kiểm nghiệm các chất như carbon oxit và các hợp chất của nitơ oxit trong sản phẩm này.

Ông Hưng nhấn mạnh, các văn bản này đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quản lý sản phẩm hàng hóa nói chung. Đến cuối năm 2022, trên tinh thần tham khảo hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế, Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia cũng đã xây dựng và tiếp tục trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố thêm 4 tiêu chuẩn đối với các sản phẩm hóa hơi.

Như vậy, hiện đã có tổng cộng 7 tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm TLLN và thuốc lá điện tử. Trên cơ sở đó, ông Hưng cho biết, Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và VSQI mong muốn có được những cơ sở kỹ thuật nhất định để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước cũng như giúp giám sát các hóa chất độc hại trong các sản phẩm TLM, đồng thời góp phần bảo vệ quyền lợi cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Trôi nổi trên thị trường trong nhiều năm qua, đến nay, tiến độ kiểm soát các sản phẩm TLM đang được Chính phủ, bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Hiện phần lớn các bộ, ngành đều hướng đến việc cần có hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ mặt hàng này trên cơ sở đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là giới trẻ, lên trên lợi ích kinh tế, nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đọc thêm