Dưới giàn hoa sử quân tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những giọt sương rơi xuống bên hiên nhà, đọng lại trên cái dậu leo phía trước ban công, căn nhà từ khi được ông giăng giàn leo ấy thì có vẻ ánh nắng khó lọt vào được bên trong nhà nhưng lại khiến không khí trở nên mát mẻ hơn nhất là ở cái tiết trời oi bức này.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Ông thả mình trên chiếc ghế mây yêu thích, lại rót tách trà thảo mộc nhấp lấy hương, đang thả hồn vào nắng mai le lói ngoài kia thì người bạn già của ông chợt cất tiếng: “Ông cũng biết tận hưởng đấy chứ, trà này đun nước ngọt hệt như nước ở suối tụi mình đi hành quân năm ấy”...

Nếu không có thi thoảng những người bạn già thời chiến đấu qua thăm và sắp nhỏ hàng xóm qua chơi nghịch ngợm thì hẳn ông phải neo đơn lắm. Ông không kết hôn, ở vậy. Giờ nghỉ hưu rồi ông sống bằng lương hưu và được công đoàn tặng căn nhà tình thương này ngót nghét năm sáu năm về trước. Một tay ông sửa sang lại từ việc sơn lại nhà cho đến việc giăng giàn sử quân tử phía trước nhà, lại thêm xung quanh nhà là những giàn hoa giấy khiến nơi góc phố căn nhà nhỏ của ông trông vô cùng nổi bật với sắc đỏ vàng đủ cả. Và cứ thế ông tận hưởng cuộc sống an nhàn tuổi về già với việc chăm sóc cây cối, thi thoảng lại xách cặp táp lên đi thăm những người đồng đội cũ hoặc đi họp tổ dân phố, đi thăm hàng xóm cho vui vầy.

Nghe người bạn chiến đấu của mình nhắc về nước suối trong những ngày tháng hành quân ấy ông lại nhớ tới bà. Nhà của bà bên bờ suối với nước mát trong rười rượi, nơi mà ngày ấy các anh lính vẫn hay thả mình trần tắm rửa giặt giũ giải lao nghỉ ngơi. Lần đầu tiên gặp bà là lúc ông và các đồng đội đang tắm dưới dòng suối trong, bà và các bạn thì đương mang đồ ra giặt giũ…

Căn nhà nơi bà ở có dàn dây leo sử quân tử nở hoa đỏ rực phía trước. Giống này nuôi khó, phải rất khéo mới chăm được, nhưng khi đổ giàn lại thấy rất đẹp: cây có hình ngôi sao năm cánh với sắc đỏ vàng thơm mùi nồng nàn rực rỡ. Ông nhớ có bận khi ông viết thư cho bà cũng mượn tình hoa viết trong cả lời thơ gửi tặng: “ Loài hoa tôi yêu đỏ vàng rực rỡ, người con gái gieo trồng loài hoa ấy, tôi cũng yêu em”. Sau này, khi về hưu ông cũng đi xin giống giàn hoa ấy về trồng, sắc hoa thắm nồng như nhớ về mối tình thời chiến, nhớ về người con gái mình đã từng thương.

Cuộc tình thuở thanh xuân đượm buồn bởi sự xa cách nhưng ngọt ngào bởi sự đợi chờ và những năm tháng thanh xuân hi sinh dành tất cả cho nhau. Ông đi lính, còn bà ở lại làm cô giáo làng, tình yêu hun đúc bằng những trang thư và những kỉ niệm những thói quen hiếm hoi khi ông trên đường hành quân tạt về thăm người yêu trong phút chốc. Nơi bà ở hiện giờ cùng con cháu cách ông độ dăm căn nhà, năm ấy bà đợi ông hết thanh xuân nhưng ông không về và bà gá nghĩa cùng một thầy giáo nơi mình giảng dạy…

Phía sau nhà có một khoảng hẹp trống, ông trồng đủ thứ như cà chua, ớt, rau xà lách trong những cái thùng xốp… Nó chẳng đủ ăn đâu nhưng thi thoảng ông có thể ra sau vườn hái và nhác đi chợ, cũng là cái cách để ông tận hưởng sự vui thú khi chăm vườn. Trên bờ tường sau nhà ông cho leo giàn hoa cát đằng, những bông hoa hình loa kèn màu xanh da trời đậm, xen với những màu vàng ở nhụy. Ngày trước mỗi khi ông cùng bà đi dạo, thấy loài hoa này bà thường đứng lại ngây ngô nhìn, vì màu của chúng khá lạ, hoa có màu xanh đậm và những chiếc lá có hình trái tim.

- Sau này anh phải trồng thật nhiều hoa này trước nhà của chúng ta đấy. Ông nhớ và ông làm thật, chỉ có điều chữ “chúng ta” đã thay thành “em”.

Ông cất bước qua căn nhà cuối phố, nơi phía trước nhà có cả giàn hoa cát đằng thả mình mát rượi. Cái nắng hè oi bức làm lấm tấm vài giọt mồ hôi nơi vầng trán ông, con gái bà, cô Nam vừa đương buổi chợ về khẽ hẩy nhẹ cửa đon đả chào.

Khi ông về lại miền quê xưa tìm lại người thương thì cũng là lúc bà hạ sinh con gái đầu lòng… Đất nước hòa bình, ông về làm việc ở xã rồi sau đó làm thầy giáo ở trường huyện, rồi cứ ở vậy không kết hôn.

Khi chồng bà mất năm bà bước vào ngũ tuần ông mới bắt đầu quan tâm và lo lắng cho bà như lúc trước. Chẳng ai định hình mối quan hệ giữa hai người, cũng chẳng ai đàm tiếu, đơn giản họ đã quá lớn để có quyền quyết định cuộc sống của mình. Thi thoảng sau này có những cuộc họp cựu chiến binh, ông vẫn hay cùng bà tới, ai cũng nhìn ra đó là đôi tình nhân thuở xưa nhưng khi nói về cuộc sống hiện tại tất cả cũng chỉ có thể lắc đầu trước sự khắc nghiệt của chiến tranh, cũng thầm tiếc cho một mối tình đã từng rất đẹp.

Tôi thấy ông cười, tôi thấy bà cũng cười và tôi thấy cái cách họ quan tâm nhau không từ nào có thể định nghĩa được. Họ lỗi hẹn với nhau ở một đoạn tình nhưng đền đáp nhau qua một đoạn tình khác. Những đoạn tình già cỗi này như hồi lại thuở thanh xuân lỡ lạc nhịp với nhau. Vẫn không cần từ nào định nghĩa, cũng không có bút mực nào diễn tả nổi. Đơn giản là tình cảm giữa con người với nhau, chỉ cần là chân thành, thì nó đều luôn rất đẹp.