Đuối nước và môn học giáo dục thể chất

Mới đây, nhiều hãng tin nước ngoài đồng loạt đưa tin về chuyện “lạ”(!) ở Việt Nam: Chỉ trong 3 ngày, có đến 8 học sinh bị chết đuối (Hãng thông tấn Đức, VOA..., 17-5-2011). Trước đó, báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ trong ngày 13-5 cũng đã phản ánh thực trạng nhức nhối đến mức khó có thể hình dung - trung bình mỗi năm ở nước ta có đến 3.500 học sinh bị chết đuối(?) Mới nhất, Tuổi Trẻ Online ngày 21-5 cho biết lại mới xảy ra vụ đuối nước ở Bình Phước (20-5) làm chết 3 đứa trẻ...
Mới đây, nhiều hãng tin nước ngoài đồng loạt đưa tin về chuyện “lạ”(!) ở Việt Nam: Chỉ trong 3 ngày, có đến 8 học sinh bị chết đuối (Hãng thông tấn Đức, VOA..., 17-5-2011). Trước đó, báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ trong ngày 13-5 cũng đã phản ánh thực trạng nhức nhối đến mức khó có thể hình dung - trung bình mỗi năm ở nước ta có đến 3.500 học sinh bị chết đuối(?) Mới nhất, Tuổi Trẻ Online ngày 21-5 cho biết lại mới xảy ra vụ đuối nước ở Bình Phước (20-5) làm chết 3 đứa trẻ...

Những dòng tin đau xót trên phản ánh một thực trạng không thể chấp nhận trong xã hội an bình, ổn định. Đó là chưa nói chuyện, tai nạn chết đuối ở ta mà người ta lại đau, lại xót! Làm sao có thể nói những điều tốt đẹp về phát triển, cuộc sống hạnh phúc khi trung bình mỗi ngày có đến gần 10 đứa trẻ chết vì đuối nước, 30 người chết vì tai nạn giao thông? Theo Liên đoàn Cứu sinh Quốc tế (ILSF) thì tỷ lệ chết vì đuối nước của trẻ em Việt Nam cao gấp 2 đến 3 lần so với mức trung bình của thế giới?

Điều đáng phải giật mình hơn nữa là trong tất cả các trường học ở nước ta, môn học thể dục (hay có tên mỹ miều hơn là giáo dục thể chất) chiếm một thời lượng không hề nhỏ suốt từ lớp 1 đến khi tốt nghiệp đại học. Đừng nghĩ rằng sinh viên đại học mỗi tuần chỉ có 2 tiết thể dục là ít: Kể cả việc chuẩn bị đi học và sau khi học xong, mất ít nhất một buổi, tức là 1/12 thời gian của mỗi tuần. Nhìn vào chương trình học thể dục của học sinh - sinh viên, quả là rầu đến thúi ruột: xà đơn, xà lệch, bóng chuyền, chạy, bóng rổ..., tuyệt nhiên không hề thấy nhắc gì đến chuyện học bơi! Rõ ràng, dù biện minh theo cách nào đi nữa thì cách học, nội dung của môn học giáo dục thể chất trong các trường học của ta hiện nay có rất nhiều điều cần phải bàn để phải thay đổi.
Thứ nhất, đất nước ta lắm sông suối, nhiều ao hồ, lũ lụt thường xuyên là điều ai cũng biết. Vậy tại sao không dạy cho học sinh môn bơi - điều không thể thiếu của kỹ năng sống, một trong những nguyên tắc thiết yếu để tồn tại? Đành rằng Bộ GD-ĐT cũng đã có thực hiện “ý tưởng” trên nhưng thực ra chỉ mới là lý thuyết, trên giấy tờ, văn bản. Học bơi mà không có hồ bơi, không dám đưa học sinh đi tập bơi thì học cái kiểu gì? Thứ hai, chúng ta thường nói đến chuẩn này, chuẩn kia nào là mỗi học sinh có mấy m2, bao nhiêu cây xanh nhưng quên mất cái chuẩn căn bản là trường học phải có bể bơi. Đừng viện dẫn về sự tốn kém hay thiếu vốn đầu tư vì ở nông thôn hoàn toàn có thể tận dụng hệ thống ao làng, ở thành phố thì việc xây dựng thêm một vài bể bơi là điều không khó.
Trong tương lai, phải có kế hoạch - lập trình hẳn hoi là tất cả các trường học xây mới đều phải có bể bơi. Không có gì là tốn kém một khi những chi phí đó có thể đem lại sự bình an cho trẻ em và, nhất là, chúng ta không phải xót xa nhắc lại chuyện 3.500 đứa trẻ bị cướp đi mạng sống mỗi năm. Thứ ba, đã là sinh viên đại học, tức là có đủ tư cách công dân, tại sao phải học thể dục? Chẳng lẽ biết làm người theo đúng nghĩa của hai chữ trưởng thành mà còn phải có thầy cô kềm cặp tập thể dục sao? Đó là chuyện phải giải quyết xong ngay từ trường phổ thông. Còn ở bậc đại học, tạo ra sân chơi với nhiều môn thể thao để sinh viên tự chọn, tự chơi những môn mình thích, như thế mới là đại học. Cần nhắc lại rằng phải chấm dứt cách nghĩ trường đại học không cần có bể bơi.
Những trường đã “lỡ” thì phải tìm giải pháp khắc phục, tất cả những trường mới xây, sắp xây, nhất định phải quy hoạch (và dự trù kinh phí) xây bể bơi. Thứ tư, mới đây, trong Hội nghị thế giới về phòng chống đuối nước (tổ chức tại Đà Nẵng từ  ngày 10 đến 13-5-2011), ông Ross Cox, Giám đốc điều hành văn phòng dự án TASC (Tổ chức Liên minh vì sự an toàn của trẻ em) tại Việt Nam cho biết rằng đuối nước là điều có thể phòng chống được và, Đà Nẵng là thành phố đi đầu trong cả nước khi có chương trình dạy bơi miễn phí cho bất kỳ học sinh nào đăng ký học.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Đà Nẵng làm được mà các địa phương khác lại không? Rõ ràng, cách nghĩ, tầm nhìn của lãnh đạo địa phương (nhất là các quan chức của ngành giáo dục) là rào cản chính làm cho việc học bơi đã và đang trở thành món xa xỉ. Rất mong Bộ GD-ĐT kịp thời có giải pháp (cả trước mắt lẫn lâu dài) để thay đổi triệt để, toàn diện nội dung, cách học của môn học rất thiếu ý nghĩa và tác dụng như hiện nay là môn giáo dục thể chất...

Tô Vĩnh Hà

Đọc thêm