Đường đến "cửa tử" của gã con có hiếu nhưng mê cờ bạc

Sau lần thấy mẹ mình phải khổ sở đi gõ cửa van vỉ mọi người cho vay tiền để trả nợ cho mình, Phú cũng tỏ ra vô cùng ân hận và hứa từ bỏ hẳn cờ bạc... Nhưng với tâm lý muốn “phục thù” nên sau 3 tháng “tạm dừng” với “kiếp đỏ đen”, gã lại “ngựa quen đường cũ”. Đến khi nhà không còn khả năng trả nợ, "con bạc" này đã giết một người để cướp xe máy, bán lấy tiền...

Tóm tắt kỳ 1:

Những ngày cuối năm 2011, trong thời gian tử tù Hồ Xuân Phú (SN 1987, ngụ xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) chờ thi hành án tử hình, các quản giáo Trại tạm giam Trần Phú bất ngờ phát hiện ra phạm nhân mang án tử này đã âm thầm viết nhật ký cuộc sống những ngày cuối đời bằng thư cho mẹ.

Gặp những người trong cuộc, người ta mới thấy phía sau tội ác tày trời Phú từng gây ra là quãng đời sa ngã của thiếu niên bị cờ bạc “hút hồn”, là nỗi day dứt của bà mẹ nghèo không dạy con tránh xa cám dỗ tệ nạn.

Tử tù Hồ Xuân Phú

Tử tù Phú kể, hắn sinh ra trong một gia đình đông anh em, nhà lại nằm ở khu vực đồi núi đá, đồng ruộng ít, bố thì mắc bệnh mất sớm. Năm 15 tuổi, khi vừa mới học hết lớp 9, Phú đã bỏ học để nhường suất đi học cho em.

Quá khứ trai làng lương thiện

Nghỉ học ở nhà, hắn thấy mẹ mình hàng ngày phải vã mồ hôi, sờn vai áo đi vác đá thuê để kiếm miếng ăn cho 5 miệng ăn trong nhà. Mặc dù thân hình nhỏ thó, còm cõi vì hay đau ốm nhưng ngày ấy Phú tỏ ra là một người con rất hiếu thảo, chịu thương chịu khó.

Thương mẹ không đủ sức khỏe đi vác đá nhặt vôi, Phú đề nghị được được dùng “sức nhỏ” của mình để làm những việc nhỏ. Sau nhiều lần năn nỉ, cuối cùng Phú cũng được mẹ mình đồng ý cho đi canh ao cá tại một nhà anh em họ để tự lo lấy bữa cơm cho mình.

Nói là đi trông ao, thế nhưng ngày nào cũng vậy dù nắng hay mưa cứ mơ sớm là Phú lại phải lặn lội ra bờ ao cắt cỏ cho cá, trầm mình xuống nước bắt tôm, xúc tép cho “ông chủ” đi bán. Công việc có phần hơi vất vả nhưng đổi lại Phú tự nuôi được bản thân và thi thoảng còn mang về được cho mẹ vài lạng tôm, con cá để cải thiện bữa ăn nên sương sớm hay nắng hè cũng không phải là điều khiến Phú nhụt chí.

“Nó đi trông ao được mấy tháng, thỉnh thoảng tôi ra thăm con thấy trời mưa phùn rét căm căm mà nó vẫn cứ quàng áo mưa lội xuống ao cắt cỏ với bắt cá, xót con quá nên tôi không cho đi làm nữa”, bà Đỗ Thị Mây, mẹ của Phú nhớ lại.

Không được mẹ cho đi mò cua bắt ốc, những ngày đầu nghỉ việc Phú ở nhà đi theo đám bạn lên đồi thả bò giúp mẹ. Thế nhưng công việc xem ra có vẻ nhàn hạ và phù hợp với lứa tuổi này cũng chỉ diễn ra được một thời gian. Năm 2005, sức khỏe của bà Mây dần giảm sút do những lần gắng sức vác đá dẫn tới bị lao lực, gai khớp gối và tiểu đường… bệnh tật liên miên.

Trước hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài việc chăm sóc 3 sào ruộng lấy gạo ăn thì những lúc nhàn rỗi, Phú cùng hai chị gái đầu lại cùng nhau đi nhặt vôi, vác đá thuê để lấy tiền giúp đỡ mẹ và nuôi em ăn học. Thương con khổ cực vì cảnh côi cút mất cha, nhà lại đông miệng ăn nên hễ người cứ khỏe lên một ít là bà Mây lại cầm găng tay, đeo giầy đi nhặt vôi cùng các con để rồi tối đến về nhà lại âm thầm chịu đựng những cơn đau hành hạ.

Những lá thư của tử tù Hồ Xuân Phú

Dù rất thương và muốn đỡ đần gánh nặng cơm áo cho mẹ, thế nhưng với thân hình gầy guộc nặng chưa đầy 40 kg, sức khỏe yếu nên mới đi vác đá được vài ngày, Phú đã bị đá rơi vào chân đành phải nghỉ ở nhà.

Sau khi vết thương ở chân lành lặn, sau những lần ra quán sửa xe đạp học lỏm, năm 2006 Phú chuyển nghề vá săm xe đạp. Nhà ở tận gần đỉnh đồi, thế nhưng ngày nào hắn cũng bưng một chậu nước cùng với mấy cái cờ - lê, móc lốp và nhựa vá săm từ trên nhà xuống dưới đường cắm một cành cây để che nắng ngồi sửa xe.

“Ngày nào nó cũng ngồi đấy vá săm, trong khi bạn bè vẫn đạp xe đi học qua nhưng nó cũng không xấu hổ đâu. Sau này tôi thấy thương quá mới làm cho nó một cái lều nhỏ để ngồi trú lúc mưa nắng. Nó làm cũng tốt duyên nên đông khách lắm anh ạ…”, bà mẹ nhớ về một thời quá khứ trong sáng của con trong niềm tự hào.

Sau gần một năm làm nghề bơm vá, do tính tình hiền lành chất phác lại sửa xe có uy tín nên quán dần đông khách. “Thừa thắng xông lên”, Phú liền về nhà xin mẹ cho đi học sửa chữa xe máy. Nghe con nói chuyện xe đạp dần dần cũng lỗi thời và muốn học nghề sửa chữa xe máy, bà Mây cũng lấy làm mừng cho con đã trưởng thành và biết lo toan. Bà nhờ một người quen làm nghề sửa chữa xe máy ở trên trung tâm huyện cho con trai được lên đó vừa phụ việc vặt không công, vừa tranh thủ học nghề.

Sau khi được ông chủ đồng ý, ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm là Phú lại ăn cơm nguội rồi lóc cóc đạp xe vượt hàng chục cây số đi học nghề. Hàng ngày gã giúp ông chủ sửa chữa xe máy, những lúc rảnh rỗi được dạy thêm cho cách đấu nối điện hay sửa chữa máy móc, động cơ của xe.

Vốn nhanh trí và thông minh, mặc dù không được học hành bài bản nhưng sau sáu tháng trời ròng rã học lỏm, cuối cùng tay nghề của Phú cũng tạm ổn và hắn về nhà bảo mẹ đi thuê mặt bằng để mở cửa hàng sửa xe máy riêng. “Cơ sở lập nghiệp” của hắn là một quán nhỏ ở gần đường liên xã, cách nhà khoảng 2 km, rộng chừng hơn chục mét vuông với giá thuê 200 ngàn đồng/tháng. Con đường tội lỗi của hắn cũng bắt đầu từ đây, biến một trai làng lương thiện thành con bạc mê mẩn trò đỏ đen.

Hành trình sa chân “kiếp đỏ đen”

Từ cửa hàng ban đầu chỉ có vài cái lốp, săm và bình nén khí để sửa chữa đơn giản, dần dần Phú đã tích cóp được tiền để mua máy mài, máy vặn bu lông… cùng nhiều phụ tùng, dụng cụ khác. Ngoài những lúc sửa chữa xe, hễ thấy có ai muốn nhờ đặt mua hộ xe cũ là Phú lại đi tìm về bán, mỗi chiếc xe qua tay Phú cũng kiếm được vài ba trăm ngàn bỏ túi.

Sau hơn một năm làm nghề sửa chữa và mua bán xe máy cũ, không chỉ lo được miếng ăn mà gã còn dành dụm gửi tiết kiệm vào ngân hàng cho mẹ được hơn 70 triệu đồng phòng những lúc mẹ ốm đau còn có tiền chạy chữa.

Cầm cuốn sổ tiết kiệm Phú đưa, thấy con mình đã khôn lớn, bà Mây mừng rớt nước mắt, thầm cảm ơn ông trời chẳng phụ công bà ở vậy nuôi bốn đứa con khôn lớn. Những tưởng chuỗi ngày cơ cực, ăn bữa nay phải lo bữa mai đã dần qua.

Thế nhưng, cuộc sống vốn lắt léo éo le, gia đình Phú rơi vào bi kịch khi hắn vướng chân vào cờ bạc. Nằm trong trại tạm giam chờ đến ngày thi hành án tử, Hồ Xuân Phú ân hận trong muộn màng kể lại: Vào sáng một ngày khoảng đầu tháng 8/2009, hắn đang ngồi ở quán sửa xe thì có một người ở trong xóm đến nhờ chở xe ôm.

Lúc đầu, hắn lấy lý do là sức khỏe yếu nên không chở nhưng người đàn ông này cứ năn nỉ bảo Phú chở hộ, và thậm chí đoạn đường chỉ có vài cây số nhưng họ trả cả trăm ngàn tiền công. Sau khi chở người hàng xóm đến khu vực xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên), Phú phát hiện họ là dân cờ bạc nên định quay về.

Tuy nhiên, người đàn ông kia tiếp tục bảo Phú ngồi đợi để lát nữa chở anh ta về luôn. Hắn ở lại chờ và ngồi xem đánh bạc rồi sau đó “vui tay” cũng nhảy vào chơi và lãi được hơn một triệu đồng. “Sau lần đó, cứ thi thoảng người đàn ông kia lại đến bảo tôi chở xe ôm, rồi tôi lại ngồi chờ và sa ngã vào cờ bạc lúc nào không hay”, tử tù Phú kể lại.

Cũng theo lời Phú, sới bạc này hoạt động dưới dạng “công ty”, vào đó họ phục vụ rất chu đáo, được ăn cơm, uống bia, có lúc ô tô còn đến tận quán đón đi đánh bạc. Những ngày đầu mới biết chơi, hắn chỉ dám đánh từ 50 – 100 ngàn đồng, khi thì xóc đĩa đỏ đen, lúc lại đánh “phỏm gửi 8 lá” theo kiểu Hải Phòng… và những đợt đầu chơi, lần nào Phú cũng thắng vài ba triệu.

Tuy nhiên, những lần thắng chỉ đếm trên đầu ngón tay còn thua thì liên miên. Thua nhiều sẽ nảy sinh tâm lý cay cú muốn gỡ, gã bắt đầu mạnh dạn “xuống tay”, mỗi “tiếng” bài vài trăm ngàn mà không tiếc nuối gì, có những “tiếng kết đĩa” hắn “xuống tay” cả vài triệu bạc mà “thản nhiên cứ như không”.

Người xưa có câu “Cờ bạc là bác thằng Bần” vì quy luật là chẳng ai được lợi lộc gì từ cờ bạc mà chỉ có mất mát, tan cửa nát nhà. Phú cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Sau những lần đầu bị rủ rê vào con đường cờ bạc, hắn dần dần sa ngã và trượt dài theo những canh bạc.

Không những thế, hắn còn vay mượn tiền của hàng xóm, rồi mượn đồ đi cầm cố để lấy tiền đi “gỡ”. “Gỡ gạc” chẳng thấy đâu, mà số tiền nợ gốc và tiền lãi cứ thế tăng lên vùn vụt sau những lần đi đêm của Phú. “Lúc còn ở nhà tôi hay đi mua xe cũ nên cứ vay nóng 10 – 20 triệu đồng để đi lấy xe là mọi người tin tưởng cho vay ngay.

Đến khi nghiện cờ bạc, tôi lợi dụng mối quan hệ đó để vay tiền chơi nên càng ngày càng nợ nhiều. Mặc dù hàng xóm rất tin tưởng, nhưng thấy tôi vay tiền mãi không trả nên ai cũng nóng lòng, rồi người ta kháo nhau tôi đánh bạc thua hết tiền rồi bắt phải trả. Lúc này tôi đành về thú thật với mẹ”, gã kể lại.

“Nghe thằng Phú nói đánh bạc nợ đến cả mấy chục triệu, tôi chết sững cả người nhưng vì thương con nên tôi đành đi vay mượn hàng xóm được 50 triệu về để cho nó trả nợ. Thậm chí tôi còn đến tận những nơi nó cắm cố xe máy để lấy ra, có những nơi vay gốc 11 triệu mà chỉ sau vài bữa lãi đã lên đến 3 triệu”, bà mẹ chua xót xác nhận.

Sau lần thấy mẹ mình phải khổ sở đi gõ cửa van vỉ mọi người cho vay tiền để trả nợ cho mình, Phú cũng tỏ ra vô cùng ân hận và hứa sẽ từ bỏ hẳn cờ bạc. Tường chừng như Phú đã có bài học để từ nay chỉn chu làm ăn, tránh xa “ma cờ bạc”; nhưng với tâm lý muốn “phục thù” nên sau 3 tháng “tạm dừng” với “kiếp đỏ đen”, gã lại “ngựa quen đường cũ”.

Đến khi số nợ lên đến hàng chục triệu đồng và nhà không còn khả năng trả nợ, con bạc quẫn trí này đã điên rồ giết một người hàng xóm chỉ để cướp chiếc xe máy bán lấy tiền “trang trải nợ nần”.

Ân hận bằng thư

Những ngày cuối đời, thời gian sống chỉ còn tính bằng từng đêm, Phú tâm sự hắn không còn sợ phải đối mặt với án tử hình nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ mẹ. Một lá thư của Phú gửi cho mẹ có những đoạn như sau: “Mẹ ơi! Con nhớ mẹ lắm! Mẹ có nhớ con không?.

Con thương mẹ nhiều rất nhiều. Trong tâm trí con lúc nào cũng nghĩ về mẹ thôi mẹ ạ, làm sao được bây giờ hả mẹ? Con biết là mẹ nhớ và thương con lắm nhỉ? Bởi vì mẹ là mẹ của con cơ mà, lòng mẹ rộng lớn, bao la như biển Thái Bình che chở cho chúng con khôn lớn từng ngày. Vậy mà con lại làm cho mẹ buồn lòng, mẹ đau mất rồi.

Con là đứa con hư, bất hiếu, không nghe lời mẹ dạy để giờ đây mẹ phải sống trong đau khổ. Đau vì đứa con mới ngày nào vẫn ở bên mẹ, được đôi bàn tay gầy guộc của mẹ chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, giặt cho từng cái quần cái áo, lúc ốm lúc đau cũng bàn tay mẹ nâng đỡ chăm bẵm cho con, công ơn này con mãi mãi khắc ghi trong lòng.

Nhưng bây giờ thì con đã đánh mất hết tất cả mọi thứ rồi mẹ ạ. Ngàn lần con xin lỗi mẹ. Mẹ hãy tha thứ cho con, cuộc đời này con đã có tội với mẹ mất rồi. Tội con nặng nhất là tội bất hiếu, không chăm sóc, giúp đỡ, phụng dưỡng được mẹ già mà để cho mẹ khổ nhiều quá. Đã thế cho đến lúc này đây vẫn phải để cho mẹ lặn lội, lam lũ bờ ruộng khe núi kiếm từng đồng để gửi quà cho con hàng tháng, rồi lại còn cuộc sống hàng ngày của mẹ nữa. Sao con lại có thể như thế chứ?.

Con ngu quá mẹ ạ, sao cái số của con nó lại khổ thế này?. Tại ai? Tại con phải không mẹ? Giá như con không biết đến “công ty cờ bạc” thì có lẽ cuộc sống của mẹ con mình đã khác rồi mẹ nhỉ. Mẹ hiền, con hiếu thảo, việc làm của con thì không ai có thể chê từ người già đến người trẻ, tất cả mọi người đều biết đến con và quí mến vì hiền lành vậy mà tại sao lại thế? Đến bây giờ con cũng không hiểu được tại sao mình lại như thế mẹ ạ.

Tất cả với con đã quá muộn rồi, mất hết, không để lại trên đời này được cái gì cả, tiền bạc, tình cảm… Và giờ đây sự sống chỉ còn trong tích tắc, con chỉ để lại cái buồn cái tủi cho mẹ và mọi người trong gia đình. Con chán lắm rồi mẹ ạ, không nghĩ đến thì thôi, cứ nghĩ tới mọi thứ là con lại đau khổ dằn vặt bản thân con nhiều lắm. Ước gì mọi chuyện có thể quay trở lại vài năm trước kia phải không mẹ?”...

Gần 50 lá thư của tử tù Hồ Xuân Phú gửi mẹ gồm cả những nỗi nhớ niềm thương chan chứa, những đêm thức trắng không ngủ, những lời ân hận muộn màng, lời căn dặn đứa em trai trước khi “ra đi”. Đọc thư con, lần nào bà mẹ cũng ôm mặt rưng rức khóc, vừa thương con, vừa trách những trò cờ bạc đã biến đứa con hiền lành của bà ngày nào thành tên giết người không ghê tay.

Bà mẹ nghèo khổ này không kỳ thăm nuôi nào không đạp xe hàng chục cây số lên trại thăm con, mẹ con nhìn nhau cùng khóc khiến những cán bộ quản giáo cũng xúc động phải ngoảnh mặt giấu khóe mắt đỏ hoe. Câu chuyện của mẹ con bà khiến nhiều phạm nhân trong trại khi biết đến cũng bật khóc vì xúc động.

(Còn tiếp)

Văn Minh – Minh Anh (Phap luật & Thời đại)

Đọc thêm