Đường đến đâu, nhà “bâu” đến đó

Thời gian qua, nhà nước đã tốn tiền tỉ để giải tỏa dọc hai bên các tuyến đường bộ, tạo thành hành lang an toàn nhằm đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ. Tuy nhiên do quản lý kém, hành lang này thường xuyên bị tái chiếm, gây ra nhiều hệ lụy xấu về mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.

Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đang có xu hướng lan rộng và diễn biến rất phức tạp.

Thời gian qua, nhà nước đã tốn tiền tỉ để giải tỏa dọc hai bên các tuyến đường bộ, tạo thành hành lang an toàn nhằm đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ. Tuy nhiên do quản lý kém, hành lang này thường xuyên bị tái chiếm, gây ra nhiều hệ lụy xấu về mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.

Theo Nghị định 11/2010 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (thay thế Nghị định 186/2004), hành lang an toàn đường bộ là dãy đất trống chạy dọc hai bên các tuyến đường. Tùy theo cấp đường, hành lang này sẽ có chiều rộng cụ thể (tính từ mép ngoài của đường trở ra hai bên) khác nhau.

Đường chưa xong đã bị tái chiếm

Cụ thể, theo Nghị định 11, hành lang an toàn đường bộ sẽ có khoảng cách 47 m đối với đường cao tốc; 17 m đối với đường cấp I, II; 13 m đối với đường cấp III; 9 m đối với đường cấp IV, V và 4 m đối với đường cấp thấp hơn cấp V.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế, việc lấn chiếm đã “điều chỉnh” khoảng cách này về đến con số 0. Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là ví dụ điển hình. Thời gian qua, Trung tâm Quản lý đường cao tốc TP.HCM -Trung Lương rất đau đầu trước tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn của các tuyến nối vào đường cao tốc dù hiện tuyến đường này vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án), khi triển khai giải phóng mặt bằng, các địa phương đã giải phóng hành lang an toàn cho tuyến đường là 10 m tính từ rào chắn. Tuy vậy, dọc theo tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân và nhiều xã của huyện Bình Chánh, TP.HCM, người dân đang san lấp những mảnh đất ruộng lấn sát vào rào chắn, mỗi địa điểm lấn chiếm kéo dài trên 100 m.
Đường đến đâu, nhà “bâu” đến đó
Các loại xe thi công công trình lấn chiếm toàn bộ hành lang an toàn trên quốc lộ 1A. (Ảnh chụp trên địa bàn quận Thủ Đức) Ảnh: MP
Đáng chú ý, tình trạng trên đang có xu hướng lan rộng và ngày càng diễn biến phức tạp. Hiện có nơi người dân dùng tôn vây kín một khu đất như chuẩn bị khởi công xây dựng một công trình, hoặc có nơi đã hoàn tất việc san lấp, làm móng, đổ cột. Thậm chí có nơi còn treo bảng thông báo cho thuê, rao bán đất… Ông Nguyễn Huy Thao, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cho biết việc san lấp mặt bằng, lấn chiếm hành lang an toàn đã xảy ra ngay từ giai đoạn xây dựng dự án.

“Xóa bỏ” hành lang an toàn

Không chỉ riêng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hiện hàng loạt nhà xưởng, hàng quán đã mọc lên “ôm sát” tuyến quốc lộ 1 đi qua địa bàn các quận 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân... Tại khu vực vào làng Đại học Quốc gia ở quận Thủ Đức, nhiều doanh nghiệp bày bán các loại xe thi công công trình tràn ra sát mép đường. Xuôi về hướng ngã tư Bình Phước, trước giờ làm việc hoặc sau giờ tan ca, công nhân từ Khu chế xuất Linh Xuân ùa ra các chợ chồm hổm tạo nên quang cảnh hỗn loạn. Trong khi đó theo quy định, tuyến quốc lộ 1 đi qua địa bàn TP.HCM thuộc đường cấp I, hành lang an toàn tối thiểu phải là 17 m.

Theo thống kê của Cục Đường bộ (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam), dọc theo tuyến quốc lộ 1 từ Bắc chí Nam có khoảng 200 khu công nghiệp, trên 2.100 khu dân cư, hơn 1.000 cây xăng… Trong đó, đáng lo ngại là mỗi nhà dân, mỗi khu công nghiệp, khu đô thị đều có thể từ cổng lao xe thẳng ra quốc lộ mà không cần qua các tuyến đường gom. Cũng theo đơn vị này, không những để xảy ra tình trạng nhà lấn đường, gần đây một số địa phương còn tận dụng mặt tiền dọc quốc lộ như sự thuận lợi, ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư. Một số tỉnh, thành còn sử dụng các đoạn quốc lộ đi qua địa bàn làm trục đường đô thị và lập quy hoạch ôm theo trục quốc lộ đó. Điều này khiến các quy định về hành lang an toàn bị vô hiệu hóa hoàn toàn.

Hành lang an toàn đường sắt cũng bị vi phạm

Tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt hiện cũng đang diễn biến phức tạp. Theo thống kê của ngành đường sắt, cả nước hiện có gần 3.900 đường dân sinh băng ngang đường sắt trái phép, 48.000 công trình xây dựng trong hành lang an toàn.

Ban An toàn giao thông TP.HCM cho hay tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua TP dài khoảng 15 km, đi qua năm quận. Dọc theo tuyến đường sắt này có khá nhiều điểm nóng về vi phạm hành lang an toàn. Nhà cửa của người dân nằm trong hành lang an toàn đã tồn tại nhiều năm qua chưa được giải quyết. Để hạn chế tai nạn giao thông, trước mắt TP đã đầu tư kinh phí xây dựng khoảng 9,7 km rào phân cách giữa đường sắt và khu vực nhà dân lấn chiếm.

Theo Pháp Luật TP

Đọc thêm