“Duyên muộn” doanh nghiệp - nông dân

(PLO) - Đóng góp tới hơn 20% GDP cả nước song chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều này cho thấy đây là lĩnh vực kinh doanh khó khăn song cũng đầy tiềm năng cần được đầu tư khai phá…

“Duyên muộn” doanh nghiệp - nông dân
Nhỏ và siêu nhỏ
Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2014 vừa được VCCI công bố, hiện cả nước chỉ có 3.635 DN nông, lâm, thủy sản (NLTS), chiếm khoảng 1% tổng số DN. Tuy nhiên, tỷ trọng DN NLTS ngày càng có xu hướng giảm, từ 1,6% xuống còn 1% trong giai đoạn 2007-2013. 
“Điều này cho thấy sự phát triển DN trong lĩnh vực nông nghiệp kém hơn hẳn sự phát triển của DN trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nông nghiệp được xem là quan trọng nhưng lại chưa được quan tâm…”- bà Phạm Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI nhận định.
Trong hơn 3.635 DN hoạt động ở lĩnh vực NLTS, nông nghiệp là ngành có tỷ trọng cao nhất về số lượng DN với 1.707 DN, chiếm 46,9% tổng số DN trong lĩnh vực NLTS. Tiếp đến là ngành thủy sản với 1.296 DN, chiếm 35,7%, cuối cùng là lâm nghiệp với 632 DN, chiếm 17,4%. 
Tuy nhiên, nếu tốc độ tăng trưởng số lượng DN của  ngành nông nghiệp và lâm nghiệp ở mức cao thì ngành thủy sản gần như không tăng trưởng, chỉ ở mức 0,2%/năm trong giai đoạn 2007- 2013 dù thủy sản là ngành kinh tế có nhiều tiềm năng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu luôn ở  nhóm những ngành dẫn đầu cả nước trong những năm gần đây.
Đặc biệt, tỷ trọng DN siêu nhỏ trong lĩnh vực NLTS cũng đang có xu hướng tăng lên. Nếu như năm 2007 tỷ trọng DN siêu nhỏ trong lĩnh vực này chiếm 33,2% thì năm 2013 đã tăng lên 51,2%. Trong khi đó, tỷ trọng các DN có quy mô nhỏ đã giảm từ 59,1% năm 2007 xuống còn 43,9% năm 2013 và tỷ trọng các DN lớn và vừa cũng có xu hướng giảm lần lượt từ 5,5% và 2,3% xuống còn 3,7% và 1,2% năm 2013. 
Đáng chú ý, ngành thủy sản có tỷ trọng DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ cao nhất, đến 99% năm 2013, trong đó quy mô siêu nhỏ là 37,3% và quy mô nhỏ là 61,8%. Chỉ có 0,5% DN trong ngành này có quy mô vừa và 0,4% có quy mô lớn (tương ứng với 5 DN). 
Trong lĩnh vực nông nghiệp, được xem là lĩnh vực có DN có quy mô lớn cao nhất song cũng chỉ chiếm 7,1%, và cũng chỉ có 2% DN có quy mô vừa…. 
Theo bà Hằng, “điểm nghẽn” khiến DN và hộ sản xuất trong ngành nông nghiệp khó tăng quy mô chính là: lợi nhuận thấp, tính liên kết yếu và chịu tác động lớn từ biến động giá cả thị trường. 
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, mặc dù Việt Nam có nhiều cải thiện về thủ tục đăng ký và thành lập DN nhưng khó khăn đối với DN vẫn là rất lớn. Nhiều DN nông nghiệp thời gian vừa qua đã thu hẹp quy mô hoạt động sản xuất xuống hộ chăn nuôi gia đình. 
Các DN nông nghiệp đang gặp quá nhiều thách thức từ cơ chế vốn vay hạn hẹp, gánh nặng lãi suất ăn mòn hết phần lãi, thậm chí cả vốn trong sản xuất kinh doanh…
Tiềm năng và động lực
“Không phải tự nhiên mà vừa qua một loạt DN hàng đầu đang say sưa với bất động sản, công nghệ thông tin quay sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Rõ ràng họ đã thấy được lợi thế, lợi ích và lợi nhuận cao từ mảng kinh doanh này…”- Chủ tịch VCCI nhận định.
Báo cáo cũng cho thấy từ chỗ chỉ số quay vòng vốn trong các DN NLTS thấp hơn mặt bằng chung của toàn bộ nền kinh tế (2007- 2008) thì từ năm 2009 trở đi, chỉ số này đã tiếp cận và có nhiều lúc cao hơn mặt bằng chung. 
Chỉ số này cũng đã tăng nhẹ  từ 1,3 lần năm 2007 lên 1,5 lần năm 2013. Trong số đó, ngành thủy sản có hiệu suất sử dụng vốn cao nhất, tăng từ 1,8 lần năm 2007 lên 2,2 lần năm 2013.
Tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ trong lĩnh vực NLTS tuy có tăng nhanh trong giai đoạn 2007- 2013 song vẫn thấp hơn mức trung bình của toàn bộ nền kinh tế là 44%. 
“Điều này cho thấy các DN hoạt động trong lĩnh vực NLTS hoạt động hiệu quả hơn so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc tỷ lệ các DN thua lỗ tăng nhanh cho thấy lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn 2007- 2013 và chưa có dấu hiệu chấm dứt chuỗi khó khăn này…”- Báo cáo nhận định
Tiềm năng của lĩnh vực kinh doanh này còn thể hiện hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của các DN cũng cao hơn gấp khoảng 3 lần so với mức trung bình của toàn bộ khu vực DN, đạt mức 11,5% năm 2003 so với mức 3,4% của toàn bộ DN. 
Đặc biệt, ROA của DN trong lĩnh vực thủy sản đã tăng từ mức  17,3% năm 2007 lên 19% năm 2013. 
Tương tự, hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các DN NLTS cũng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả khu vực DN, trừ năm 2012. Năm 2013, chỉ số này đạt 14,5% so với mức 6,6% của toàn khu vực DN, riêng DN thủy sản, ROE luôn đạt mức trên 20%. 
Các DN NLTS cũng có khả năng sinh lời trên doanh thu (ROS) cao hơn nhiều so với mức trung bình của toàn bộ khu vực DN, cụ thể ROS của DN khu vực này giảm nhẹ từ 10% năm 2007 xuống còn 9,3% năm 2013 trong khi chỉ số này tương ứng của toàn bộ khu vực DN là 4% và 4,8%.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, như thế vẫn chưa đủ mà cần phải có những chính sách đúng đắn để thu hút được DN đầu tư vào lĩnh vực này. 
“Nông nghiệp không thể thiếu DN. DN phải đóng vai trò động lực để phát triển khu vực này. Tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay vẫn hy vọng đột phá từ nông nghiệp. Động lực lúc này là DN chứ không phải là “khoán hộ từ người nông dân”...” - Chủ tịch VCCI quả quyết…/.

Đọc thêm