Bỏ phiếu đấu giá tài sản |
Sau 04 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, cả nước có gần 1231 đấu giá viên, 63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 190 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, trong số 190 doanh nghiệp đấu giá tài sản hiện nay phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, kinh doanh đa ngành nghề, cơ sở vật chất yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản.
Theo Bộ Tư pháp, quy định điều kiện để thành lập doanh nghiệp bán đấu giá tài sản hiện còn chưa chặt chẽ. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan cấp Giấy đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp bán đấu giá nhưng Sở Tư pháp lại quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, trong khi đó cơ chế phối hợp giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tư pháp không rõ ràng, chưa hiệu quả, do đó nhiều trường hợp Sở Tư pháp không nắm được đầy đủ thông tin về các tổ chức bán đấu giá đã đăng ký hoạt động.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, thực tiễn quản lý các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, rà soát, quy định chặt chẽ các điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bán đấu giá, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản bổ sung quy định về trụ sở, cơ sở vật chất của tổ chức bán đấu giá... phù hợp với thực tiễn hoạt động bán đấu giá.
Quy định chặt chẽ, cụ thể về điều kiện thành lập Chi nhánh doanh nghiệp bán đấu giá tài sản theo hướng Trưởng Chi nhánh phải là đấu giá viên. Quy định Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản không được thực hiện việc bán đấu giá tài sản.
Đồng thời, khắc phục tình trạng Sở Tư pháp không nắm được các thông tin về tổ chức đấu giá, về trình độ, năng lực của người đại diện theo pháp luật và các đấu giá viên, Dự thảo Luật quy định doanh nghiệp bán đấu giá tài sản sau khi đăng ký thành lập tại Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì thông báo kết quả cho Sở Tư pháp.
Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát danh sách các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn hàng năm để lập danh sách các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn, đăng tải danh sách trên cổng thông tin điện tử của Sở. Chỉ những tổ chức có tên trong danh sách mới được thực hiện việc bán đấu giá.
Nâng cao tiêu chuẩn đấu giá viên
Cùng với việc siết chặt quy định về doanh nghiệp đấu giá, nhiều ý kiến cho rằng cần siết cả tiêu chuẩn cũng như tăng cường quản lý đối với đấu giá viên trong doanh nghiệp đấu giá. Vấn đề này, thống kê cho thấy, gần một nửa số đấu giá viên, trong đó có cả các đấu giá viên trong doanh nghiệp được cấp Chứng chỉ hiện nay chưa qua đào tạo nghề; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhiều đấu giá viên còn hạn chế; việc chủ động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản một cách thường xuyên chưa được nhiều đấu giá viên coi trọng.
Đáng lưu ý, số đấu giá viên được miễn đào tạo tham gia hành nghề đấu giá trên thực tế không cao. Bởi lẽ, hầu hết đấu giá viên sau khi được cấp Chứng chỉ hành nghề thường kiêm nhiệm nhiều công việc khác (luật sư, ngân hàng, thẩm định giá...), chưa xem đấu giá là một nghề.
Bên cạnh việc nâng cao tiêu chuẩn của đấu giá viên như tăng thời gian đào tạo nghề đấu giá từ 03 tháng lên 06 tháng; thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá; quy định rõ thời gian bắt buộc tập sự trước khi bổ nhiệm...
Dự thảo Luật còn quy định một số nguyên tắc cơ bản khi hành nghề bán đấu giá và trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá. Các quy định này sẽ giúp người dân yên tâm hơn khi tham gia hoạt động đấu giá, đồng thời khẳng định vai trò của tổ chức bán đấu giá tài sản trong đó có các doanh nghiệp đấu giá.