Mới đây, dư luận “dậy sóng” trước câu chuyện anh Nh (trú phường Điện An) tổ chức đám cưới với chị D (trú phường Vĩnh Điện) và chị L (trú xã Điện Hòa, cùng thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).
Theo đó, lễ vu quy của chị D và anh Nh diễn ra ngày 6/8/2023, còn lễ vu quy của chị L cùng anh Nh diễn ra sau đó 21 ngày (ngày 27/8/2023).
Trước khi diễn ra lễ cưới, cả chị D và chị L đều mang thai. Câu chuyện tréo ngoe cứ ngỡ chỉ có trong phim khiến nhiều người khó hiểu.
|
Trong bài đăng mới nhất trên mạng xã hội, chị D muốn nhấn mạnh việc giải quyết của nhà trai không rõ ràng với cả hai bên gây nên sự hiểu lầm và chính anh Nh vẫn thể hiện tình cảm đều ngang nhau với 2 cô gái nhưng không hề cho 2 cô gái biết. |
Liên quan đến câu chuyện trên, trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Trần Duyên, Công ty Luật MZI (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) đã đưa ra những phân tích từ góc nhìn pháp lý.
Luật sư Duyên cho rằng, lễ cưới là một trong những nét phong tục, văn hóa của người Việt Nam, nhằm thông báo rộng rãi về sự chấp nhận và/hoặc sự chứng kiến của gia đình, xã hội hay tôn giáo về cuộc hôn nhân của một cặp đôi. Tuy nhiên, để được công nhận là vợ chồng hợp pháp thì nam nữ bắt buộc phải đăng ký kết hôn theo luật định (trừ trường hợp hôn nhân thực tế trước ngày 3/1/1987).
Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành chỉ công nhận hôn nhân một vợ một chồng. Tư tưởng đa thê, đa thiếp được xem là lạc hậu và không được pháp luật Việt Nam công nhận.Đối với câu chuyện của chàng trai ở Quảng Nam trên, luật sư Duyên cho rằng, về mặt pháp lý, có hai trường hợp cần phân định rõ ràng.
|
Luật sư Trần Duyên có những phân tích dưới góc nhìn pháp luật xoay quanh sự việc chàng trai cưới 2 vợ trong 3 tuần. |
Thứ nhất, phải xác định rõ anh này đã đăng ký kết hôn với ai chưa. Giả sử, người này chưa đăng ký kết hôn với ai (tức chưa xác lập quan hệ hôn nhân hợp pháp với bất kỳ người phụ nữ nào) thì có chăng chỉ vi phạm về mặt đạo đức chứ không vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Thứ hai, trường hợp nam thanh niên đã đăng ký kết hôn với một trong hai cô gái nhưng vẫn sống chung như vợ chồng với cô gái còn lại thì phải xác định hành vi này là vi phạm pháp luật, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Cụ thể, về chế tài hình sự quy định như sau: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 BLHS: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Mức phạt cao nhất lên đến 3 năm tù.
Về chế tài hành chính, người nào vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính với mức từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.