- Luật sư Nguyễn Quang Tâm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Theo khoản 5 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.
Tại Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, điểm 1 Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 nêu rõ, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
Ngoài ra, tại Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, sau khi kết hôn vợ không bắt buộc phải theo tôn giáo của chồng vì mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Việc ép buộc người khác theo tín ngưỡng, tôn giáo nào đấy là một hành vi bị nghiêm cấm.