EU ‘bất lực’ nhìn Nga lách lệnh trừng phạt, thu bộn tiền từ bán dầu

0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc, Ấn Độ là 2 nhà nhập khẩu chính dầu thô của Nga sau lệnh cấm vận của phương Tây. EU thừa nhận không thể ngăn cản Moscow bán 'vàng đen'.
Nga tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô, né tránh các lệnh trừng phạt và cấm vận của phương Tây. Tháng 4/2022, xuất khẩu của Nga đã phục hồi về mức trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. (Nguồn: Reuters)
Nga tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô, né tránh các lệnh trừng phạt và cấm vận của phương Tây. Tháng 4/2022, xuất khẩu của Nga đã phục hồi về mức trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. (Nguồn: Reuters)

EU gây áp lực tối đa lên Nga

Vào đầu tháng 3, sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (ngày 24/2), Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả Iran.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây tập trung vào các ngân hàng Nga, hãng truyền thông, chính trị gia, sĩ quan quân đội, nhà báo, giới tài phiệt và những nhân vật thân cận với Điện Kremlin.

Sau lệnh trừng phạt, các nước phương Tây bắt đầu tập trung vào cấm nhập khẩu nguyên liệu thô của Nga, đặc biệt là nguồn cung cấp năng lượng như dầu mỏ và khí đốt. Trong đó, Mỹ đã cấm nhập khẩu hai mặt hàng này từ Nga.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo EU ngày 30/5 vừa qua đã đạt được đồng thuận trong việc cấm vận tới 90% dầu thô nhập khẩu từ Nga từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, 3 nước Hungary, Czech và Slovakia đã được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận này và sẽ tiếp tục nhập dầu của Nga qua đường ống Druzhba.

Như các nhà lãnh đạo châu Âu đã chỉ ra, lệnh cấm vận nhằm gây áp lực tối đa lên Nga để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Cho đến nay, châu Âu là khách hàng năng lượng chính của Nga.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), dầu thô của Nga chiếm 27% tổng nhập khẩu của EU vào năm 2021. Vì lý do này, lệnh cấm vận mới nhất do EU áp đặt có thể giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Nga đã chuyển hướng quan hệ thương mại sang châu Á với hy vọng sẽ tìm được khách hàng mới để xuất khẩu nguồn năng lượng dồi dào của mình.

Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ đang nổi lên như những nhà nhập khẩu chính “vàng đen” của Nga, thay thế cho các nước châu Âu.

Theo dữ liệu của hãng cung cấp dữ liệu thị trường hàng hóa Kpler do Bloomberg công bố, trên thực tế, vào tháng 4 năm nay, lần đầu tiên châu Á đã vượt qua châu Âu để trở thành khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga. Đặc biệt, New Delhi là điểm đến chính của nguồn cung này.

Theo Kpler, Ấn Độ đã nhập khẩu từ Nga 800.000 thùng dầu mỗi ngày kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine, tăng vọt so với con số 30.000 thùng mỗi ngày trước đó.

Cả Bắc Kinh và New Delhi đều duy trì lập trường trung lập về xung đột ở Ukraine nhằm duy trì quan hệ thương mại với Moscow. Jane Xie, một nhà phân tích tại Kpler, nói với Bloomberg: “Một số người mua ở châu Á quan tâm tới động lực kinh tế nhiều hơn là theo lập trường chính trị”.

Nga tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô, né tránh các lệnh trừng phạt và cấm vận của phương Tây. Theo dữ liệu từ Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), vào tháng 4, xuất khẩu của Nga đã phục hồi về mức trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Chuyên gia Norbert Rücker của ngân hàng Julius Baer (Thụy Sỹ), cho biết: “Trừ khi phương Tây gây áp lực ngoại giao lên người mua châu Á, chúng tôi không thấy khoảng trống nguồn cung”.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cũng đã lên tiếng về vấn đề này, thừa nhận rằng châu Âu không thể ngăn cản Nga bán dầu cho các nước ngoài châu Âu.

Ông Borrell nói: "Chúng tôi không quá hùng mạnh, nhưng chúng tôi là khách hàng quan trọng nhất của Nga".

Vẫn sẽ có nhiều dầu giá rẻ được bán hơn

Moscow không phải là người duy nhất được hưởng lợi. Trung Quốc và Ấn Độ cũng được hưởng lợi từ tình hình này, khi hàng triệu thùng dầu thô đã được bán với giá thấp hơn.

Công nhân làm việc tại mỏ dầu Suzunskoye thuộc sở hữu của Rosneft, phía Bắc thành phố Krasnoyarsk, Siberia, Nga. (Nguồn: Reuters)

Công nhân làm việc tại mỏ dầu Suzunskoye thuộc sở hữu của Rosneft, phía Bắc thành phố Krasnoyarsk, Siberia, Nga. (Nguồn: Reuters)

Theo WSJ, dầu của Nga từ vùng Urals có giá bán thấp hơn 35 USD so với Brent, loại dầu thô chuẩn trên thị trường châu Âu từ Biển Bắc.

Tờ báo Mỹ cũng cho biết, kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra và các lệnh trừng phạt được áp đặt, đã có nhiều động thái nhằm che giấu nguồn gốc của dầu Nga để duy trì dòng chảy sang các thị trường khác ngoài châu Âu.

WSJ giải thích: “Dầu được giấu trong các sản phẩm tinh chế hỗn hợp như xăng, dầu diesel và hóa chất. Tuy nhiên, trong quá khứ, cách này đã từng được thực hiện để bán dầu từ Iran và Venezuela, đồng thời tránh các lệnh trừng phạt”.

Lauri Myllyvirta, một nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch (CREA), nói với WSJ, "có vẻ như có một thương vụ mua bán dầu thô của Nga được tinh chế ở Ấn Độ và sau đó được bán cho Mỹ”.

Chuyên gia Myllyvirta đặc biệt đề cập một nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của tập đoàn Reliance Industries Limited có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ. Nhà máy lọc dầu này, đã nhập lượng dầu của Nga nhiều gấp 7 lần trong tháng 5 so với các tháng trước đó, được cho là đã mua một lô hàng giảm giá mà họ đã tinh chế và sau đó bán ra.

Theo các nhà phân tích, các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng như các lệnh cấm vận đối với năng lượng Nga dường như không có tác dụng với Nga.

Bloomberg ước tính dựa trên số liệu của Bộ Kinh tế Nga cho biết, ngay cả khi những “gông cùm” này áp đặt lên nền kinh tế Nga, doanh thu từ dầu và khí đốt vẫn sẽ thu về cho Moscow khoảng 285 tỷ USD trong năm nay. Bằng cách so sánh, thật thú vị khi lưu ý rằng các quỹ của Nga bị đóng băng ở nước ngoài vào khoảng 300 tỷ USD.

Vì vậy, với việc bổ sung xuất khẩu các mặt hàng khác, số tiền Nga thu về sẽ nhiều hơn lượng ngoại hối dự trữ bị đóng băng này.

Những mặt hàng Nga xuất khẩu có thể bao gồm ngũ cốc. Một số quốc gia, đặc biệt là ở Bắc Phi và Trung Đông, đang trong tình trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng, đẩy giá lúa mì và ngô tăng vọt.

Việc mua ngũ cốc sẽ trở thành một trong những ưu tiên của lãnh đạo các nước này, những quốc gia không tham gia lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Wouter Jacobs, một nhà nghiên cứu tại Đại học Erasmus Rotterdam nói với Bloomberg, "phần lớn thế giới không tham gia việc áp đặt các lệnh trừng phạt".

Vì lý do này, và trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực đang bùng phát, thương mại với Nga sẽ tiếp tục, trong khi quan hệ Moscow với châu Á và Trung Đông sẽ tăng lên.

Đọc thêm