Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận mang tính nguyên tắc để áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran nếu như nước này không chịu hợp tác với cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Dự kiến, lệnh trừng phạt mới chính thức được đưa ra vào cuối tháng 1 này.
|
Nhà máy lọc dầu ở Lavan, Iran. |
Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết: “Có một thỏa thuận nguyên tắc để đi trước” tiến tới cấm vận về dầu mỏ. Tuy nhiên, “còn nhiều việc phải làm” về hồ sơ này từ nay tới hội nghị bộ trưởng ngoại giao EU dự kiến vào ngày 30/1 tới đây tại Brussels khi mà quyết định chính thức có thể được đưa ra, vị quan chức ngoại giao nói thêm. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppé cũng đã xác nhận rằng một lệnh cấm vận về dầu mỏ của Iran có thể sẽ được quyết định vào cuối tháng 1.
Từ nay đến lúc đó, các cuộc thảo luận sẽ chủ yếu tập trung vào lịch trình và thể thức, những việc phức tạp khó thực hiện. “Còn có những bất đồng về lịch trình”, một nhà ngoại giao châu Âu khác cho hay.
Hôm 4/1, Mỹ đã đón nhận thỏa thuận này như một “tin rất vui” với họ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố: “Đó là một tin rất vui, là kết quả của nhiều cuộc tham vấn giữa Mỹ và các nước châu Âu”. “Chúng tôi mong muốn loại biện pháp này không chỉ được áp dụng bởi các đồng minh thân cận của chúng tôi và những đối tác mà chúng tôi có tại châu Âu, mà còn bởi nhiều nước trên toàn thế giới”, bà Victoria Nuland nói thêm.
Đầu tháng 12/2011, EU tuyên bố đang xem xét áp đạt những lệnh trừng phạt mới đối với Iran sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố bản báo cáo cuối cùng về những hoạt động hạt nhân của Tehran.
Tuy nhiên, các nước châu Âu đã tỏ ra chia rẽ về khả năng áp dụng lệnh cấm vận về dầu mỏ mà nó có thể ảnh hưởng đến một số nước EU nhập dầu từ Iran như Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha và Bỉ. “Chúng tôi đã phải trấn an một số đối tác châu Âu đang nhập khẩu dầu mỏ của Iran rằng chúng tôi sẽ cung cấp cho họ những sản phẩm thay thế”, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppé nói.
Tháng 11/2011, Mỹ, Anh và Canada đã áp đặt một lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran. Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã thông qua bốn lệnh trừng phạt bao gồm cấm cung cấp vũ khí hạng nặng và các công nghệ hạt nhân cho Iran, cấm Iran xuất khẩu quân sự, đóng băng các tài khoản của các công ty và nhân vật quan trọng của Iran. |
Những ngày gần đây, Iran có nhiều động thái khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Tehran đã dọa đóng cửa eo biển Hormuz, nơi qua lại của khoảng 1/3 đến 40% lượng dầu mỏ của thế giới, nếu như nước này bị cấm vận về dầu mỏ.
Iran vẫn phớt lờ các mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt mới và bác bỏ những cáo buộc của phương Tây rằng nước này đang phát triển chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Iran phủ nhận việc đồng Rian mất giá đến mức kỷ lục trong tuần này có liên quan đến đạo luật mới của Mỹ. Và cùng với diễn biến tập trận tại eo biển Hormuz, Iran cũng cảnh báo Mỹ đưa tàu vào Vùng Vịnh.
Về phần mình, Mỹ tăng cường những lệnh trừng phạt Iran trong lĩnh vực tài chính, thông qua việc phong tỏa tài sản của bất kỳ thể chế tài chính nước ngoài nào làm ăn với Ngân hàng trung ương Iran trong lĩnh vực dầu mỏ.
Năm 2010, EU đã mua 18% lượng dầu của Iran bán ra trên thế giới, phần còn lại chủ yếu được đưa tới châu Á. Là nước xuất khẩu dầu lửa lớn thứ hai trong OPEC, Iran thu 80% số ngoại hối của mình từ xuất khẩu dầu mỏ, tức khoảng 100 tỉ USD trong năm (từ tháng 3/2011 đến tháng 3/2012).
Phúc Lợi (theo AFP, BBC)