EVN phân trần vụ “lương khủng” và “bù lỗ”

(PLO) - Thừa nhận hiện tượng báo nêu về việc EVN bù lỗ là có nhưng Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri mong muốn báo chí hiểu đúng bản chất của vấn đề, thực chất năm 2011, các Tổng Công ty điện lực lỗ hơn 3 nghìn tỷ, bản thân EVN lỗ gần 3 nghìn tỷ nên bắt buộc phải giao chỉ tiêu lỗ cho các công ty con. 
Thanh tra Chính phủ (TTCP) ngày 10/1 công bố kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2013 và kế hoạch công tác quý I năm 2014. Một trong những nội dung tiếp tục nhận được sự quan tâm của báo giới là kết luận thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau khi chính thức có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Xử lý sau thanh tra đạt hơn 66%
Báo cáo kết quả công tác năm 2013, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp Lê Hồng Lĩnh cho biết, năm qua toàn ngành đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành chính và 197.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 25.225 tỷ đồng, 3.653ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 7.850 tỷ đồng, 428ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.095 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.586 tập thể, 2.675 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 72 vụ việc, 75 người… 
Đánh giá về công tác thanh tra trong thời gian qua, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết, tổng số cuộc thanh tra tiến hành nhiều hơn, số lượng lớn hơn, kiến nghị, xử lý nghiêm khắc bảo đảm tính phòng ngừa, răn đe, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra tăng lên, được thể hiện ở  tỷ lệ xử lý sau thanh tra của năm 2013 đạt hơn 66%. Hoạt động thanh tra của ngành Thanh tra nói chung, của cơ quan TTCP nói riêng đã đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm. 
Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, ông Lượng cho biết vẫn còn 62 vụ việc trong 528 vụ việc tồn đọng, kéo dài, TTCP đang khẩn trương giải quyết theo đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng đạt được những kết quả nhất định dù chưa đáp ứng được hết sự mong muốn và kỳ vọng của nhân dân.
Huy động vốn không trái quy định của Nhà nước
Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri giải thích một số nội dung liên quan đến Kết luận thanh tra
 Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri giải thích một số
nội dung liên quan đến Kết luận thanh tra
Phóng viên đặt nhiều câu hỏi xung quanh cuộc thanh tra tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; kết quả kê khai tài sản thu nhập năm 2013; thanh tra vấn đề tổ chức, biên chế; nguyên nhân và lý do kéo dài kết quả thanh tra tại Ngân hàng Nông nghiệp; kế hoạch thanh tra trọng tâm năm 2014 của TTCP… 
Vấn đề được đặc biệt quan tâm là một số nội dung liên quan tới Thông báo Kết luận thanh tra tại EVN như EVN bù lỗ 3.500 tỷ đồng cho một số doanh nghiệp thành viên, lương lãnh đạo Tập đoàn vượt quy định, mua xe vượt định mức quy định, vay lại khoản vay ưu đãi của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại…
Trao đổi với báo giới, Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh nhấn mạnh, về cơ bản nội dung Kết luận thanh tra tại EVN không có gì thay đổi. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo: kết luận rõ hơn đối với một số nội dung và đã được TTCP thể hiện trong Thông báo Kết luận, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của ngành. 
Cụ thể, việc cho vay và đi vay lại giữa công ty mẹ (EVN) và các công ty thành viên, kết luận thanh tra không có hành vi này. Đối với việc cấp bù lỗ của công ty mẹ cho các đơn vị thành viên, có việc giao kế hoạch cho các công ty thành viên, trong đó có các chỉ tiêu, ông Khánh cho biết qua thanh tra xác định với chu trình sản xuất  điện của EVN là chu trình khép kín nên các khâu, các giai đoạn xác định nhiệm vụ sản xuất, chỉ tiêu tài chính tích hợp nhiều yếu tố khác nhau. 
Vì vậy, có thể trong năm này, đơn vị này chấp nhận lỗ xuất phát từ đặc điểm của quá trình sản xuất điện,  đồng thời cũng là đặc thù của quá trình tổ chức cung ứng điện. “Đây là vấn đề rất bình thường đối với tổ chức sản xuất điện” – ông Khánh nói.
Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri giải thích thêm: Việc cho Công ty Nhiệt điện Phả Lại vay vốn với lãi suất thấp và sau đó cho vay lại với lãi suất cao, hiện tượng này là đúng và thực tế đang xảy ra. Xuất xứ từ việc trước đây hạch toán thuộc EVN, sau khi Chính phủ quyết định cổ phần hóa, EVN tiến hành đánh giá lại tài sản, đấu giá công khai và chuyển thành công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Vốn vay từ Chính phủ Nhật Bản là nguồn vốn ODA (dao động từ 1,8 đến 2%), cho vay theo hợp đồng dài hạn lại để sau này trả lại Bộ Tài chính và được Bộ đồng ý. 
Sau đó, Công ty hoạt động vài năm có lãi lớn, doanh thu tăng vọt, thời gian trả nợ được kéo dài theo nguồn vốn ODA, dư vốn khấu hao nên theo quy định được cho vay lại. EVN thì được quyền huy động nguồn vốn của các công ty con theo lãi suất thỏa thuận (trên cơ sở lãi suất của 4 ngân hàng thương mại và các loại phí) để đầu tư vào một số dự án cấp bách của Tập đoàn. “EVN không trái quy định khi huy động tiền nhàn rỗi của các công ty con để phục vụ cho sản xuất kinh doanh điện” - ông Tri khẳng định lần nữa.
Thừa nhận hiện tượng báo nêu về việc EVN bù lỗ là có nhưng mong muốn báo chí hiểu đúng bản chất của vấn đề, thực chất năm 2011, các Tổng Công ty điện lực lỗ hơn 3 nghìn tỷ, bản thân EVN lỗ gần 3 nghìn tỷ nên bắt buộc phải giao chỉ tiêu lỗ cho các công ty con. 
Riêng vấn đề lương của lãnh đạo EVN, theo ông Tri, lương này do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính duyệt rất chặt chẽ, minh bạch, trong đó quy định lương Hội đồng thành viên không được vượt quá 36 triệu đồng/tháng cộng thêm tối đa 0,5 và EVN đã thực hiện đúng theo quy định. Về mua ô tô vượt định mức, thực hiện hướng dẫn của Bộ Tài chính, phần trong định mức thì EVN sẽ trích khấu hao và chi phí, phần vượt định mức sẽ lấy lợi nhuận sau thuế để bù.

Đọc thêm