FPT xây trường nuôi dạy 1.000 em nhỏ mồ côi do COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Chưa đầy 24 giờ từ khi có ý tưởng, ông Trương Gia Bình quyết định FPT mở trường nuôi dạy 1.000 trẻ nhỏ mất cha mẹ bởi dịch COVID-19 đến khi khôn lớn.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT trong buổi phỏng vấn với VnExpress.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT trong buổi phỏng vấn với VnExpress.

Sau thống kê hàng nghìn trẻ em mồ côi do dịch bệnh, ngày 16/9, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình công bố thành lập trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 em nhỏ mất cha, mẹ vì COVID-19.

Trao đổi với VnExpress, ông Trương Gia Bình cho biết việc thành lập trường phần nào được lấy ý tưởng từ thời thơ ấu của bản thân.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT trong buổi phỏng vấn với VnExpress.

Lý do nào đằng sau việc FPT công bố mở trường cho các em nhỏ mất cha mẹ do dịch bệnh?

- Dịch COVID-19 đang gây ra nhiều tang thương và xáo trộn cho đất nước. Hàng nghìn người chết, hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người lao động mất việc. Đau thương hơn nữa là hàng nghìn em nhỏ mất cha, mất mẹ.

Với vai trò tập đoàn lớn hàng đầu, FPT muốn nhận các em, giúp đỡ các em trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. FPT là công ty mạnh công nghệ, lại có đội ngũ đông đảo 4 vạn người. Đây là việc nên làm và có thể làm.

Thực ra ở đây cũng có một chút lý do cá nhân. Tôi sinh ra trong thời kỳ chiến tranh. Khi máy bay ném bom miền Bắc, tôi mới 8 tuổi, rời gia đình về nông thôn. Tôi nhớ mãi đó là thời kỳ của đói, rét, của những đêm vì không ngủ được vì xa cha mẹ. Nhưng đó lại là những năm tôi trưởng thành nhanh chóng, xây dựng sự tự lập, là nền móng để trưởng thành trong tương lai. Bên cạnh đó khi bạn bè xung quanh ai cũng có chung hoàn cảnh xa gia đình, bỗng nhiên có sự gắn kết với nhau. Đó là những người bạn tốt nhất của tôi và cho đến nay chúng tôi vẫn gắn bó với nhau.

Với các em nhỏ mất cha mẹ do COVID-19, tôi mong muốn tạo ra một môi trường để các em được học tập, rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh chinh phục những đỉnh cao.

Cụ thể cách triển khai mô hình trường học sẽ như thế nào?

- Chúng tôi cam kết nhận 1.000 em mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng. Trong 24h qua kể từ khi lên ý tưởng, chúng tôi đã cấp tập bàn thảo từ cách thức triển khai, hoạt động, chương trình giảng dạy. Chúng tôi cam kết giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng. Trong quá trình đào tạo đó, chúng tôi muốn giúp các em phát huy mọi khả năng của mình. Nếu các em giỏi công nghệ thì đi theo con đường công nghệ, giỏi nghệ thuật đi theo con đường nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm khoa học.

May mắn FPT có những người bạn lớn, học giả hàng đầu về khoa học, nghệ thuật bên cạnh công nghệ. Chúng tôi sẽ mời họ chung tay đào tạo các em.

Về địa điểm xây trường, trước mắt FPT City Đà Nẵng là nơi chúng tôi có thể đào tạo từ lớp 1 đến 12 và cả Đại học, đầy đủ cơ sở vật chất không chỉ học mà còn ăn ở.

Trường học được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân rất thú vị. Đây là mô hình giúp các em hoà đồng với các bạn, rèn luyện kỷ luật, dành nhiều thời gian học hành, phát triển, trở thành những người tài quay lại phục vụ quê hương đất nước.

Sức mạnh lớn nhất của con người là được yêu thương và yêu thương mọi người. Ở trong trường thiếu sinh quân, các em được học cách yêu thương, trả lại cho đời.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT tin tưởng mô hình thiếu sinh quân sẽ phù hợp với các em nhỏ được FPT nuôi dạy tại trường.

Với hoàn cảnh thiệt thòi của bản thân, các em được bù đắp bằng những điều gì khi được nuôi dưỡng học tập tại trường?

- Nếu nhìn lại cuộc đời của mình, tôi thấy rằng sự êm ấm trong cuộc đời có thể sẽ làm hỏng tôi. Nếu chỉ có được yêu thương, chiều chuộng , không bao giờ bị đánh, mắng chắc chắn tôi sẽ không bao giờ thành công.

Cuộc chiến tranh đã ném những người cùng thế hệ chúng tôi vào khói lửa và tôi luyện. Tôi có khát vọng vượt qua bất cứ kẻ thù nào nếu họ động đến đất nước. Chúng tôi được học về lòng yêu nước, được rèn giũa ý chí, khó khăn nào cũng không bỏ. Hoàn cảnh đó đã giúp tôi có ước mơ lớn, hoài bão lớn. Dĩ nhiên hồi đó tôi là sản phẩm ngẫu nhiên của chiến tranh, may mắn gặp được những người thầy tốt. Còn các em, chúng tôi sẽ chủ động tạo nên môi trường, điều kiện tốt nhất.

Các em ngày nào cũng có những thách thức để vượt qua, ngày nào cũng có bài toán để giải. Các em sẽ được vào thực tiễn rất sớm. Các em sẽ trưởng thành rất sớm so với tôi trước đây.

Tôi hy vọng các em biết chia sẻ, biết vươn lên và sớm trở thành người tài, sớm phục vụ đất nước.

Trường học sẽ dùng những tôn chỉ gì để dạy dỗ các em?

- Vào thời điểm đối diện với COVID-19, chúng tôi nghiệm ra 5 điều Bác Hồ dạy với học sinh chính là những điều răn dạy hay nhất, đặt ra nền móng từ thơ bé để khi lớn lên, các em sẽ giúp dân tộc có thể vẻ vang sánh vai với cường quốc năm châu.

Ví dụ điều đầu tiên, "yêu Tổ quốc yêu đồng bào". Các em được dạy và được hướng những hành động thiết thực về đất nước, đồng bào. Thay vì đau buồn về số phận của mình, các em có sức mạnh vượt qua đau thương giúp những người khác cũng vượt qua đau thương như mình. Các em có thể lên vùng cao, giúp xây trường, giúp dạy các em nhỏ hơn học hành.

Về "học tập tốt, lao động tốt", tôi tin rằng một nhân cách tốt không thể thiếu lao động. FPT sẽ xây những khuôn viên là nơi các em có thể tham gia lao động. Bên cạnh đó, các em được học võ vovinam, nhạc cụ dân tộc, được học mọi kỹ năng, để trở thành một con người hoàn thiện.

Là Chủ tịch FPT, là người có ý tưởng thành lập trường, ông muốn các em nhìn nhận mình trong vai trò như thế nào?

- Về việc chăm sóc, dạy dỗ, tư vấn cho các em chắc chắn sẽ nhiều người làm, cùng chung tay.

Cá nhân tôi chắc chắn cũng sẽ dành nhiều thời gian cho trường, cho các em. Trước hết về chương trình giảng dạy để các em phát triển thành người tài cho xã hội, tài năng về mọi lĩnh vực sẽ do tôi cùng đội ngũ thiết kế lên.

Bên cạnh đó tôi muốn là người bạn, rồi là người thầy chia sẻ những kinh nghệm của mình cho các em. Cuối cùng là người chăm lo cho các em.

Với cá nhân tôi đây cũng là sự trả lại cho đời. Tôi đã nhận được nhiều yêu thương và muốn trả lại bằng hình thức yêu thương. Tôi tin rằng yêu thương là sức mạnh tập thể.

Nói về làm thiện nguyện, hầu như chưa có tổ chức nào có mô hình giúp đỡ cả đời. Ông dựa vào niềm tin nào cho rằng mô hình này sẽ thành công?

- Nhìn lại suốt 33 năm qua, FPT có rất nhiều thời điểm biến niềm tin thành hiện thực. Ví dụ năm 1991 khi đất nước còn bị cấm vận không có nguồn tài liệu sách vở, chúng tôi đã tự mở trung tâm đào tạo, tự viết giáo trình với ước mơ đào tạo đội ngũ công nghệ thông tin giỏi người Việt. Đến năm 1999, chúng tôi ước mơ xuất khẩu phần mềm, và chỉ sau 10 năm đã trở thành nhà xuất khẩu phần mềm số 1 Việt Nam. Năm 2006 chúng tôi ước mơ mở mô hình đào tạo và nay có 9 vạn học sinh sinh viên.

Những kinh nghiệm đó đem lại cho chúng tôi niềm tin rằng học hành, sáng tạo sẽ đem lại sức mạnh cho các bạn trẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi có niềm tin về trách nhiệm. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi tin rằng các em sẽ trở thành những công dân có trách nhiệm bậc nhất trong tương lai. Điều thứ ba, chúng tôi tin khoa học sáng tạo là cốt lõi để giúp quốc gia thành công.

Trong bối cảnh đau thương này, chúng tôi muốn các bạn có hoài bão. Biến đau thương thành sức mạnh.

Là một tập đoàn công nghệ, vì sao FPT rất quan tâm phát triển giáo dục?

- Sang Israel tôi từng được nghe câu chuyện khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ Albert Einstein. Khi người Israel đến gặp Eistein để xin lời khuyên lập nước như thế nào, Einstein hỏi câu đầu tiên về việc các bạn có bao nhiêu tiền, hãy dùng tất cả số tiền đó xây trường đại học.

Khi tôi vào dinh Tổng thống, trên tường có ảnh tất cả Tổng thống từ ngày đầu đến ngày cuối. Họ đều là những học giả hàng đầu. Họ tuân thủ việc xây dựng đất nước dựa trên nền tảng giáo dục, khoa học và công nghệ, từ đó xây dựng được một đất nước hùng mạnh như ngày nay.

Tôi từng là nhà khoa học, dù sau chuyển sang làm doanh nhân nhưng niềm tin về sức mạnh giáo dục, khoa học ấy luôn xuyên suốt.