Để quản lý được Tây Nguyên và dùng Tây Nguyên chống lại sự xâm nhập của Cộng sản, người Mỹ đã áp dụng phương pháp “Cao Nguyên hóa chiến tranh” hết sức thâm độc.
Ý định của CIA
Năm 1963, người Mỹ quyết định can thiệp mạnh vào Việt Nam. Chế độ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ tháng 11/1963, tất cả các biện pháp ban hành dưới thời Ðệ nhất Cộng hòa đều bị hủy bỏ. Nhờ sự can thiệp của Mỹ, tất cả những lãnh tụ phong trào Barajaka đều được phóng thích.
Ấy nhưng, sự phóng thích này không chỉ là hành động ân xá đơn thuần mà ẩn chứa trong đó là một mưu đồ chính trị sâu xa và thâm hiểm của Mỹ, nhằm quyết định và thao túng tương lai vùng đất đại ngàn Tây Nguyên.
Trong một cuộc gặp tại trụ sở Bộ chỉ huy Sư đoàn 23 bộ binh ngụy, Đệ tam tham vụ tòa đại sứ Mỹ Beachner và Đại tá Freund, Cố vấn vùng II chiến thuật, kiêm chỉ huy “lực lượng đặc biệt Mỹ” tại Cao Nguyên đã bàn thảo một số vấn đề quan trọng về tương lai chính trị của Tây Nguyên, dưới sự chỉ đạo của Đại sứ Mỹ.
Họ cho rằng, muốn quản được Tây Nguyên, muốn chặn đứng sự xâm nhập của cộng sản vào các buôn làng Tây Nguyên; muốn xóa bỏ sự ảnh hưởng của người Pháp, kích động đòi xây dựng Tây Nguyên tự trị thì phải dùng người Tây Nguyên trị người Tây Nguyên. Tức là phải xây dựng một tổ chức chính trị, tập hợp được đồng bào các dân tốc và lôi kéo họ đi theo. Ấy là biện pháp có tên gọi “cao Nguyên hóa chiến tranh”.
Tại buổi gặp này, họ cũng đã bàn thảo chọn nhân vật chính trị, có khả năng tâp hợp đồng bào dân tộc Thượng ở Tây Nguyên. Họ không chọn Y Bliêng, người đang giữ nguyên chức Phó tỉnh trưởng Thượng vụ tỉnh Đăk Lắk tại thời điểm đó mà chọn Y Bham Enuôl bởi Y Bham Enuôl là người có đôi chút “son phấn” về tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh chống sự thống trị của chính quyền người Kinh; lại tỏ ra có bản lĩnh khi đối lập với chính quyền hiện hữu.
Beachner thông báo với Đại tá Freund, Cố vấn vùng II chiến thuật rằng, Đại sứ Mỹ đã ra lệnh cho chính quyền ngụy phải thả ngay Y Bham Enuôl và những người trong tổ chức Barajaka. Tiếp đó, sau này Mỹ sẽ đưa Y Bham Enuôl đảm nhiệm chức Phó tỉnh trưởng Thượng vụ tỉnh Đăk Lắk, thay thế Y Bliêng, để tạo dần uy tín và thế lực…
Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên (FLHP)
Sau khi ra khỏi nhà tù chính quyền Sài Gòn, tin tưởng được Mỹ ủng hộ, tháng 3/1964, những người lãnh đạo phong trào Barajaka đã nhóm họp bí mật tại một nhà dông ở Buôn Mê Thuột. Nhóm gồm có: Y Dhé Adrơng (nhân viên Hạt thủy lâm Buôn Mê Thuột), Y Nuỉn Hmok (giáo viên tiểu học buôn Kram), Ywik Buôn Yá (giám thị dân y viện Buôn Mê Thuột), Y Hét Kpơr (giám thị Trường Trung học Cao Nguyên), Y Tluôp Kpơr (cán sự công chính Đắk Lắk).
Để bầu lãnh đạo, Nuỉn Hmok đã nói: Lãnh đạo cả một phong trào đấu tranh của các sắc dân trên toàn Cao Nguyên này phải là người có uy tín lớn lao, có nhãn quan chính trị sáng suốt, biết nhìn xa trông rộng… Người đó hiện nay, theo chủ kiến của Nuỉn Hmok thì không ai khác chính là ông Y Bham Enuôl. Bởi Y Bham Enuôl từng là chủ tịch của phong trào BaJaRaKa, dám đấu tranh với chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
Ông đã được rèn luyện suốt 5 năm trong nhà tù khủng khiếp của họ Ngô. Các đại biểu đều cho rằng, Y Bham Enuôl xứng đáng là “cây đa ở đầu mạch nước, cây vả ở đầu làng!”. Ông sẽ là lãnh tụ tối cao, là vị cứu tinh của các sắc dân Thượng tại Tây Nguyên này.
Tiếp đó, Y Dhơn nói to: Ông Y Bham sẽ là lãnh tụ tối cao của chúng ta, là vị chỉ huy phong trào giải phóng dân tộc trên toàn cõi Cao Nguyên. Y Bham cùng các đại biểu họp bàn, lấy danh xưng, tôn chỉ, mục đích và bầu ban chấp hành của mặt trận. Cái tên mặt trận gây nhiều rắc rối.
Tây Nguyên có đến hàng chục sắc tộc. Biết dùng thứ tiếng gì để đặt tên, liệu ai biết đến? Thôi thì hãy đặt cho nó một cái tên Pháp. Thế là mặt trận khai sinh chính thức với cái tên Fa-lang-sa. “Front de libération des Hauts Plateaux” (viết tắt là FLHP); Y Bham làm chủ tịch, Y Dhơn làm phó chủ tịch.
Lần này, mặt trận có sự tham gia của nhiều sắc tộc Thượng khác và người Chăm tại miền Trung. Mặt trận cho phổ biến một bản hiệu triệu bằng ba thứ tiếng (Pháp, Chăm và Rhadé) đòi quyền tự trị và chủ trương tranh đấu vừa ôn hòa vừa bạo động.
Đây là một buôn làng xây dựng theo mô hình ấp Chiến lược, được bảo vệ bởi các lực lượng vũ trang của chính quyền Sài Gòn dưới sự cố vấn của Mỹ |
Phe chủ trương ôn hòa, do Y Bham nuôl đại diện, tham gia mọi sinh hoạt chính trị trên khắp cao nguyên để giúp chính quyền miền Nam xây dựng một chính sách Thượng vụ thích hợp. Phe chủ trương bạo động, do Y Dhơn Adrong cầm đầu, kêu gọi cán bộ dân vệ và biệt kích Thượng gia nhập FLHP chống lại chính quyền.
Sự kiện này làm giới chỉ huy quân sự miền Nam lo ngại, những cuộc hành quân trên Tây Nguyên từ tháng 3 đến tháng 5/1964, do tướng Vĩnh Lộc chỉ huy, phần lớn để phá vỡ những căn cứ của quân Thượng hơn là các mật khu cộng sản. Phe bạo động bị lùng quét gắt gao phải chạy qua Campuchia lánh nạn.
Tại đây họ lập căn cứ quanh đồn Bốt Chá (Camp Le Rolland cũ), tỉnh Mondolkiri phía đông bắc Campuchia, cách biên giới Việt Nam 15 cây số, rồi cử người xâm nhập vào các buôn làng ven biên giới kêu gọi thanh niên Thượng gia nhập FLHP. Hoa Kỳ khuyến cáo VNCH thương thuyết với người Thượng để tìm một giải pháp sống chung.
Ngày 5/5/1964, chính phủ miền Nam mời 64 nhân sĩ Thượng ôn hòa, đại diện các sắc tộc, về Sài Gòn họp để tổ chức một đại hội gồm 55 đại diện sắc tộc tại Pleiku ngày 26/8/1964 do Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II chủ trì.
Ngăn chặn
Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của người Thượng ở Tây Nguyên, nhất là từ sau khi FLHP ráo riết tổ chức các hoạt động chống lại chính quyền, đòi tự trị và các quyền lợi khác, khiến chính phủ VNCH vô cùng lo ngại và tìm biện pháp ngăn chặn từ xa.
Sau những biến cố lẻ tẻ và nhức nhối ở Cao Nguyên, đích thân Nguyễn Khánh, Thủ tướng VNCH đã lên tận nơi thị sát và chỉ đạo tìm hướng giải quyết. Tại biệt điện Bảo Đại ở Buôn Mê Thuột, Nguyễn Khánh đã tức giận mắng Đặc ủy trưởng Phủ đặc ủy Trung ương tình báo Đoàn Bá Nhiên và Chỉ huy trưởng tình báo Cao Nguyên Trung phần Lê Đình Chỉ rằng: Một tổ chức nguy hiểm như thế lập ngay trước mũi mà không biết.
Đoàn Bá Nhiên đã giải thích rằng, Lê Đình Chi đã cử Y Tỉm Mlô cùng đội công tác “T313-Đắk Lắk” theo dõi, nhưng bị Đại tá Freund, Cố vấn tư lệnh vùng II chiến thuật tìm mọi cách ngăn cản. Y Tỉm phát hiện được tổ chức của Y Bham hoạt động rất ráo riết, rải truyền đơn kêu gọi binh lính và dân chúng Thượng chống lại “thực dân Kinh”.
FLHP chuẩn bị một cuộc nổi loạn để gây sức ép dư luận, hòng tách Cao Nguyên thành một quốc gia tự trị trực tiếp do Mỹ nắm. Hơn nữa, theo nguồn tin bí mật, Y Bham còn ráo riết chuẩn bị quan hệ với Campuchia, tìm đồng minh lâu dài hoặc làm chỗ dựa nếu cuộc nổi loạn thất bại. Thế nên, ở thời điểm hiện tại, sự can dự của người Mỹ, trực tiếp là ông Freund và cả phía Campuchia sẽ là bài toán khó giải đối với chính quyền Sài Gòn.
Trước vấn đề hóc búa này, Nguyễn Khánh đã lệnh cho Hoàng Minh Mộ, một nhân viên tình báo người Chăm sang Campuchia gặp, thuyết phục Les Kossem lôi kéo Sihanouk không được giúp đỡ Y Bham, đồng thời tìm cách lọt vào hoạt động bí mật lâu dài trong hàng ngũ Les Kossem.
Ngày 5/4/1964, nhờ Đặng Văn Thủy dẫn mối, Hoàng Minh Mộ tới Phnom Penh (Nam Vang) gặp Les Kossem để nhờ cậy. Nhưng tại đây, với uy quyền và lời nói đầy tính dân tộc, Mộ đã bị chính Les Kossem thuyết phục, bí mật làm việc cho Les. Dưới vỏ nhân viên Phủ đặc ủy Trung ương tình báo VNCH, Mộ đã cung cấp cho Les Kossem nhiều tin tức giá trị và được trọng thưởng hậu hĩnh.
Thế là, bất chấp lệnh của nguyên thủ quốc gia, vì tiền, vì tương lai, mục tiêu phục hồi Vương quốc Campa đã bị tiêu vong từ mấy trăm năm trước, Mộ đã bán đứng linh hồn, lòng trung thành và niềm tin vào một quốc gia và Tổng thống Nguyễn Khánh cho Les Kossem.
Đúng như thông tin tình báo, ít lâu sau, phái đoàn của FLHP do Y Sênh Niê, Y Bun Sor dẫn đầu đã sang Campuchia tìm sự giúp đỡ thông qua Les Kossem. Sihanouk đã nhận lời với mục đích sâu là, tạo điều kiện để Tây Nguyên được tự trị và sau đó sẽ lựa cơ hội tốt để sát nhập vùng đất này vào Campuchia.
Trở về Buôn Mê Thuột sau khi công cán và nhận được sự trợ giúp đắc lực của người đứng đầu quốc gia Campuchia, Y Sênh, Y Bun đã hăm hở báo cáo lại kết quả cho Y Bham, Y Dhơn và Beachner. Như vậy, mục tiêu xây dựng “Quốc gia Cao Nguyên” hiện ra trước mắt là hết sức khả thi…