G20 tìm giải pháp giảm bất đồng

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20) chính thức khai mạc vào ngày 11-11 tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Đây là dịp để G20 tìm giải pháp phá vỡ bế tắc trong vấn đề phục hồi nền kinh tế thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20) chính thức khai mạc vào ngày 11-11 tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Đây là dịp để G20 tìm giải pháp phá vỡ bế tắc trong vấn đề phục hồi nền kinh tế thế giới.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Myung-bak trong cuộc họp báo ở Seoul. Ảnh: THX
Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ hy vọng các thỏa thuận đạt được của G20 trong 2 ngày (ngày 11 và 12-11) sẽ tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế cân bằng và bền vững. Người đứng đầu Nhà Trắng bảo vệ các bước đi của Mỹ trong việc thoát khỏi khủng hoảng một cách thận trọng và ổn định. Song, ông không đề cập đến quyết định gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi bơm 600 tỷ USD để thúc đẩy kinh tế. Tổng thống Obama nhấn mạnh: Nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi của toàn cầu nhưng một mình Washington không thể phục hồi tăng trưởng.

Hãng AP cho biết, hội nghị thượng đỉnh G20 được kỳ vọng giải quyết các vấn đề “nóng” hiện nay như tranh chấp về tỷ giá tiền tệ, khoảng cách thương mại, chủ nghĩa bảo hộ và tăng cường quy chế của các ngân hàng. Phát biểu trong cuộc họp báo ở Seoul ngày 11-11, Tổng thống Obama nói rằng, điều quan trọng nhất mà Mỹ có thể làm cho nền kinh tế toàn cầu là tăng trưởng, bởi Washington sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất thế giới và động lực to lớn cho tất cả các nước khác phát triển.

Nhóm G20 được thành lập vào năm 1999 và trở thành trung tâm của những nỗ lực cao nhất để phục hồi nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo, đồng thời ngăn chặn lặp lại cuộc khủng hoảng tài chính tương tự 2 năm trước. G20 chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu và 80% thương mại thế giới nên các quyết sách của nhóm này tác động rất lớn đến sự phát triển của thế giới. Trong những tuần gần đây, quan hệ giữa các thành viên G20 gặp nhiều khó khăn bởi những chia rẽ, bất đồng, gây ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình cân bằng giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Theo Tổng thống nước chủ nhà Lee Myung-bak, việc giảm sự mất cân bằng giữa các nước phát triển và đang phát triển là cấp thiết. Ông Lee Myung-bak cũng thừa nhận những khó khăn khi bắt đầu xem xét tính mất cân bằng lớn này nhưng cho rằng, đây không phải là vấn đề gây tranh cãi. Tổng thống Obama cho hay, tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ bao gồm các cơ chế thúc đẩy kinh tế quốc tế tăng trưởng cân bằng và bền vững.

G20 hiện đối mặt với việc tạo ra một trật tự kinh tế toàn cầu mới nhằm thay thế cho trật tự cũ vốn tập trung vào Mỹ - cường quốc hàng đầu thế giới đang phải giải quyết thâm hụt thương mại khổng lồ. Trong thư gửi các nhà lãnh đạo G20, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh: Mỹ không thể tiếp tục làm nhà tiêu thụ của thế giới bằng việc sử dụng tiền đi vay, và cần các nước khác kéo cân bằng trở lại. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Anglela Merkel cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo có thái độ cứng rắn hơn chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại.    

BÌNH YÊN

Đọc thêm