Sát nhân máu lạnh
Chập tối một ngày cuối tháng 3/2007, sau bữa cơm như thường lệ, bà Lại Thị Tân (57 tuổi) lại ra ngồi nghỉ trên bộ phản ngoài phòng khách. Bấy giờ, bà thấy con trai mình đang lời qua tiếng lại với một người hàng xóm.
Người này tên là Lê Bá Công (SN 1971, ngụ thôn Bảo Lộc 2, xã Thanh Châu, TP.Phủ Lý, Hà Nam), một gã từng nổi tiếng du côn trong khu vực, mới từ Bình Dương ra thăm quê. Sợ con trai gây chuyện, bà Tân để ý lắng nghe. Hóa ra Công đang nhờ gọi điện cho ai đó nhưng con trai bà một mực từ chối nên gã cứ lèm bèm chửi rủa.
Thấy ngứa tai, bà Tân nói vọng ra: “Em nó đã bảo không biết số điện thoại, sao anh cứ ép nó phải gọi thế”. Như bị “chạm nọc”, Công chửi bới om sòm rồi dọa dẫm bà Tân: “Mày có muốn chết không?”. Lúc này, thấy con trai đã đi vào ngõ, bà Tân nói cứng: “Chết thì chết. Tao sợ gì”.
Ngay lập tức, gã du côn rút trong người ra khẩu súng ngắn, chĩa thẳng vào bà Tân, bóp cò. Sau tiếng nổ chát chúa, nạn nhân gục ngã trong vũng máu. Thấy mẹ bị bắn, con trai nạn nhân vừa vùng chạy vừa kêu cứu. Sát nhân nã tiếp một phát đạn hú họa rồi mới bỏ chạy ra phía quốc lộ.
Sự việc diễn ra trong chớp mắt khiến những người dân chứng kiến không kịp có phản ứng gì. Chỉ đến khi hung thủ mất dạng, mọi người mới ùa vào đưa nạn nhân đi cấp cứu và báo công an. Nạn nhân đã tử vong ngay sau đó.
Nhận tin trọng án, rất nhiều lực lượng cảnh sát, công an của thị xã Phủ Lý (nay là TP.Phủ Lý) và Công an tỉnh Hà Nam lập tức có mặt triển khai các phương án để bắt “nóng” đối tượng. Ngay trong đêm, hàng trăm chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng của Công an tỉnh Hà Nam nhận lệnh phong tỏa mọi tuyến đường nhằm tìm ra dấu vết của kẻ sát nhân máu lạnh.
Cùng lúc đó, một số điều tra viên dày dạn kinh nghiệm cũng vào cuộc nhằm trả lời câu hỏi: tại sao hung thủ mới từ Bình Dương ra mà đã đoạt mạng người bởi một lý do lãng xẹt như thế? Từ đây, một bí mật khủng khiếp mới được hé lộ. Tên sát nhân điên cuồng đã lên một “danh sách tử thần”, trong đó có tên những người mà gã muốn giết để trả thù cá nhân. Bà Tân bị sát hại bởi đã không chịu gọi điện cho một người có tên trong danh sách đó.
“Danh sách tử thần”
Lê Bá Công sinh ra trong một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế eo hẹp nhưng Công không chịu học hành lại lười lao động. Mười mấy tuổi đầu, gã đã ăn chơi đua đòi, tụ tập cùng một số đối tượng xấu, hoạt động theo kiểu băng nhóm. Công thường xuyên tham gia vào các vụ ẩu đả tại địa phương để lấy “số má”. Các băng nhóm giang hồ trên địa bàn rất ngán ngại độ liều lĩnh và máu lạnh của gã anh chị này.
Năm 20 tuổi Công đã cầm đầu một băng cướp, hoạt động táo tợn ở ngã ba Hồng Phú (TP.Phủ Lý). Gã trở thành “hung thần” đối với cánh lái xe đường dài bởi thường xuyên sử dụng vũ khí nóng để đe dọa, trấn cướp hàng hóa trên các chuyến xe. Nhưng “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, một lần đang “ăn hàng”, Công bị lực lượng chức năng phát hiện, truy bắt. Gã liều lĩnh rút lựu đạn ra ném hòng thoát thân. Rất may, quả lựu đạn bị lép. Cảnh sát buộc phải nổ súng để chặn đường tẩu thoát của tên tướng cướp. Công lĩnh hai viên đạn vào bụng và chân, bị bắt tại trận.
Sau khi được điều trị lành vết thương, Công ra tòa, nhận bản án 10 năm tù giam. Năm 2002 được trả tự do, Công lấy vợ nhưng không sinh sống ở địa phương mà vào Bình Dương lập nghiệp. Tưởng rằng quãng thời gian trả giá cho tội lỗi đã cảnh tỉnh gã, nào ngờ Công vẫn chứng nào tật ấy. Mấy năm ở miền đất mới, gã tiếp tục không chịu làm ăn, suốt ngày chỉ rượu chè, cờ bạc. Gia cảnh vì thế mà ngày càng khốn khó.
Nguồn tin cơ sở ở Bình Dương báo về cho biết, Công túng quẫn đến hóa điên. Gã lùng mua súng rồi lên danh sách trả thù một số người ở quê hương Hà Nam. Tên tội phạm không nhận ra thảm cảnh cuộc sống là do chính mình tự gây ra, lại mù quáng đổ lỗi cho những người từng tham gia truy bắt khiến gã phải đi tù. Trong “danh sách tử thần”, ngoài một số người dân lương thiện tố giác các hoạt động cướp bóc của Công còn có tên của hai chiến sĩ cảnh sát đã bắn hạ tướng cướp này.
Phác họa xong hành trình tội ác của sát thủ cũng là lúc các mũi truy bắt trở về tay không. Sát nhân ranh ma đã nhanh chân tẩu thoát ngay sau khi gây án. Xác định nguy cơ “giết người hàng loạt” là có thật, để bảo vệ tính mạng của người dân cũng như của đồng đội, lãnh đạo Công an tỉnh lập tức thành lập Ban Chuyên án, quyết tâm bắt tên tội phạm nguy hiểm này trong thời gian sớm nhất.
“Mưu cao” phá án
Lệnh truy nã Công được phát đi toàn quốc. Nhiều mũi trinh sát tỏa ra đón lõng ở những nơi đối tượng có thể xuất hiện. Tuy nhiên, Ban Chuyên án nhận định khả năng rất lớn là Công đã trở lại các tỉnh phía Nam. Bởi với bản chất tội phạm lọc lõi, sát thủ sẽ cho rằng sau khi gây án thì trốn đi càng xa càng tốt.
Một mũi truy bắt gồm các điều tra viên tinh nhuệ nhất, vượt hàng ngàn cây số vào Bình Dương, lần tìm dấu vết kẻ sát nhân. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với công an một số tỉnh bạn, mũi truy bắt này đã khoanh vùng được nơi đối tượng lẩn trốn. Theo đó, Công không trở về Bình Dương mà “vọt” thẳng vào Bình Phước, xin làm thuê cho một trang trại trồng điều ở xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú. Dưới vỏ bọc lương thiện, lại ở một nơi hoàn toàn xa lạ, gã tin rằng công an sẽ không thể tìm ra.
Lúc này, trang trại nơi Công ẩn náu đã được xác định. Tuy nhiên, tên tội phạm lúc nào cũng kè kè vũ khí nóng bên mình, các điều tra viên phải căng óc lên phương án hạn chế tối đa thiệt hại trong quá trình truy bắt. Một mặt, trinh sát giám sát chặt chẽ khu vực trang trại, không vội đánh động bởi có thể khiến tên tội phạm thấy nguy hiểm mà tiếp tục bỏ trốn. Mặt khác, một số người dân địa phương được vận động tham gia đánh án.
Sau khi tính toán kỹ đường đi nước bước, các trinh sát cử hai người dân vào trang trại để làm quen với Công. Nhận ra hai người quen mặt bởi họ cũng làm thuê ở các trang trại quanh đó, tên sát nhân không hề tỏ ý nghi ngờ. Sau vài câu chuyện, giả đò cao hứng, hai người rủ Công đi nhậu. Tên tội phạm tuy ranh ma nhưng đã hoàn toàn thúc thủ trước kế “điệu hổ ly sơn” này. Gã đồng ý rồi nghênh ngang rời khỏi trang trại.
Chọn địa điểm thích hợp, các mũi trinh sát đồng loạt ập tới. Công tra tay vào còng số 8 mà không kịp phản ứng gì. Khám xét nhanh, cảnh sát thu được trong người Công khẩu súng tự chế với nguyên băng đạn, trong đó một viên đã lên nòng.
Không lâu sau đó, sát nhân phải trả giá bằng án tử. Danh sách “giết người hàng loạt” cũng theo gã vùi chôn dưới đất đen. Một điều tra viên tham gia phá án chia sẻ: “Dạng tội phạm nguy hiểm như Công, không điều gì không dám làm. Nếu không sớm bị bắt thì có lẽ danh sách nạn nhân của Công sẽ còn nối tiếp. Thành công trong vụ án này ngoài nghiệp vụ sắc bén của cảnh sát còn có sự phối hợp tuyệt vời của quần chúng nhân dân. Có sự đồng lòng nhất trí ấy, tội phạm dù máu lạnh và xảo trá đến đâu rồi cũng bị đưa ra ánh sáng”.
Tên nạn nhân đã được thay đổi./.