Vì nhẹ dạ cả tin, Phạm Thị Tanh (SN 1984, ngụ thôn Nước Xuyên, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đã rơi vào tay bọn buôn người. Những tưởng sau khi thoát khỏi bao ngày tháng ê chề nơi đất khách, Tanh sẽ thương yêu và quý trọng tính mạng, nhân phẩm của mình cũng như người khác, ai ngờ vì tiền, Tanh trở thành “tú bà”, gây nỗi kinh hoàng cho nhiều cô gái mới lớn...
|
Đối tượng Phạm Thị Tanh |
Từ nạn nhân của kẻ buôn người
Sinh trưởng trong một gia đình dân tộc Hre có 6 người con, Phạm Thị Tanh không được đến trường nên "một chữ bẻ đôi" cũng không biết. Dù cực khổ, thiếu thốn ngay từ khi lọt lòng mẹ nhưng cô bé Tanh được trời phú sức khỏe hơn người và tính tình vui vẻ, nhanh nhẹn. 15 tuổi, với nước da trắng, khuôn mặt bầu bĩnh, Tanh trở thành đóa hoa đẹp lung linh của miền sơn cước Ba Tơ.
Ngày ấy, tối tối trai làng đến nhà Tanh chật cả ngõ. Không biết ngày nào “bom nổ chậm” nổ nên cha mẹ thúc giục Tanh mau chóng có chồng nhưng Tanh cứ lần lữa vì không muốn “chung thuyền tình” với những chàng trai nghèo khó trong thôn.
Đầu năm 2004, một thanh niên lạ nói giọng miền Bắc đến thôn của Tanh khiến cô nàng cảm thấy tim mình nhảy nhót trong lồng ngực. Thấy gia đình Tanh khó khăn, thanh niên này liền biếu vài món quà nhỏ và kể về cuộc sống giàu có của những người thành thị.
Không những thế, anh ta còn hứa sẽ xin việc làm cho Tanh khiến Tanh mừng như bắt được vàng, còn cha mẹ, anh chị em và bạn bè của sơn nữ này ai cũng bảo rằng cô đã có cơ may hiếm gặp.
Sau đó, vị khách phương xa này báo tin cho Tanh và gia đình biết đã liên hệ xin được việc làm cho Tanh ở Đắc Cơ. Dù không biết Đắc Cơ là nơi nào nhưng nghe nói công việc có thu nhập cao, bố mẹ và Tanh mừng lắm. Ai dè sau đó Tanh đã bị đưa ra tận miền Bắc rồi thẳng lên biên giới vượt biên sang Trung Quốc.
Sau đó, Tanh được dắt đến nhà một người đàn bà 40 tuổi, tên An tại khu Hoa Kiều, TP.Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Công việc của Tanh là phục vụ tại tiệm tạp hóa do bà An làm chủ. Trao Tanh cho bà An, gã thanh niên “thân thiện” kia lập tức bỏ đi không một lời từ biệt.
Từ đó, sáng sớm, Tanh đã bị bà chủ gọi dậy nấu nướng, quét dọn, lau chùi nhà vệ sinh. Làm xong phần việc nội trợ, Tanh bắt đầu bán hàng tạp hóa. Cứ thế, Tanh làm quần quật suốt ngày, nhiều lúc phải làm cả ban đêm. Tanh thầm nghĩ, cố chịu đựng cho đến ngày nhận lương rồi tìm cách về lại Việt Nam nhưng đến ngày cuối tháng, Tanh vẫn không nhận được một đồng xu nào.
Hết tháng thứ hai, thứ ba cũng vậy. Tanh hỏi bà chủ mới hay rằng bà ta đã mua Tanh từ tên thanh niên nọ nên Tanh phải làm việc chứ không được nhận lương. Gần 1 năm sau, An đưa Tanh vào con đường mại dâm. Lúc đầu Tanh kháng cự quyết liệt nhưng khi bị đám tay chân đầu gấu của bà An đánh đập không thương tiếc thì Tanh đành chấp nhận. Và thế là điệp khúc “lao động không công” lại tiếp diễn với Tanh.
Từ chỗ không còn con đường thoát thân, Tanh chuyển sang chấp nhận rồi dần dần cảm thấy “quen” với cái nghề bán dâm. Đến lúc này Tanh không nghĩ đến việc trốn hay chống đối tú bà An nữa. Chỉ chưa đến 3 năm, Tanh từ cô gái ngây thơ đã trở thành một "gái làng chơi" lão luyện trong "nghề" "buôn hương bán phấn". Tú bà An cũng bắt đầu tin tưởng và không quản lý chặt Tanh như ngày Tanh mới “nhập môn”.
|
Tanh và đồng bọn bị bắt năm 2009. |
Thành "tú bà" độc ác
Năm 2006, thấy Tanh không còn hấp dẫn với khách làng chơi, "tú bà" An đưa tiền cho Tanh về Việt Nam. Trước đó, An đã dạy cho Tanh cách kiếm tiền bằng buôn người. An chỉ vẽ cho Tanh những chiêu dụ dỗ, lừa gạt các cô gái ngây thơ, nhẹ dạ để mang sang Trung Quốc bán.
Về lại quê nhà, Tanh nói với mọi người là cô ta sang Trung Quốc buôn bán nên rất giàu có. Nhìn Tanh mặc những "bộ cánh" đắt tiền với dáng vẻ thành thị, nhiều người trầm trồ, thán phục. Tháng 7/2007, Tanh tình cờ gặp Trương Văn Thành (SN 1986, ngụ xóm 4, xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), đối tượng bị Công an tỉnh Bắc Giang truy nã toàn quốc về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, Tanh nhanh chóng yêu và sống chung như vợ chồng với gã tội phạm này. Tanh cùng chồng hờ bàn bạc kế hoạch tìm kiếm, dụ dỗ các cô gái ở miền núi để bán sang Trung Quốc.
Tháng 10/2007, Tanh và Thanh vượt biên sang Trung Quốc trao đổi giá cả mua bán người với "tú bà" An. Sau đó, cả hai quay trở về Việt Nam và bắt đầu việc “tìm hàng” ở các huyện Sơn Tây, Sơn Hà và Ba Tơ (Quảng Ngãi), dùng vỏ bọc “xin việc giùm” để nhắm tới các cô gái ngây thơ, nhà nghèo.
Ngày 24/8/2008, Tanh đã đưa các chị Phạm Thị Dơn (SN 1993), Phạm Thị Ca (SN 1983, cùng ngụ xã Ba Tô, huyện Ba Tơ) và Đinh Thị Nếp (SN 1985, ngụ xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) đến Móng Cái (Quảng Ninh). Tại đây, Tanh liên lạc với “đối tác”.
Sáng 26/8, "tú bà" An phái người đưa nhóm Tanh cùng 3 cô gái vượt sông Ka Long, sau đó liên lạc với một người tên Thu đón taxi về nhà An ở Hoa Kiều. Với cuộc buôn người này, Tanh và Thành nhận 17.600 nhân dân tệ rồi trở về Việt Nam.
Đồng tiền đã làm Tanh quên mọi ám ảnh về nỗi đau tột cùng của người con gái từng bị sập bẫy trên đất khách. Ngày 3/9/2008, Tanh và Thành tiếp tục dụ dỗ chị Đinh Thị Bốc (SN 1985, ngụ xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà) và chị Đinh Thị Non (SN 1985, ngụ xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà) đưa sang Trung Quốc bán. Tuy nhiên, khi đến ngã tư Thạch Trụ, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức thì bị Công an huyện Mộ Đức mai phục bắt giữ. Lúc này, vì Tanh mang thai nên cơ quan điều tra cho tại ngoại.
Lợi dụng việc được cho tại ngoại, tháng 1/2009, Tanh đã bỏ trốn. Để tránh sự truy bắt của cơ quan công an, Tanh đã ở nhiều địa phương khác nhau như Gia Lai, Bình Định, Quảng Ngãi. Sinh con xong, Tanh phó mặc cháu bé cho cha mẹ mình nuôi bữa no bữa đói, lười lao động, Tanh quay lại bán dâm.
Ngày 10/11/2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm đối với Phạm Thị Tanh. Sau 4 năm lần theo dấu vết kẻ buôn người này, ngày 5/6/2013, các trinh sát Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an tỉnh Quảng Ngãi đã bắt được Tanh khi cô ta đang ẩn náu tại tỉnh Bình Định.
Ngày 10/7/2013, trao đổi với phóng viên, Thượng úy Lê Hồng Mỹ, cán bộ Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Phạm Thị Tanh là đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Sau khi bị bán ở Trung Quốc trở về, đối tượng rất ranh mãnh, lợi dụng việc được tại ngoại để bỏ trốn. Để tránh sự truy bắt của cơ quan công an, thị thường xuyên di chuyển địa bàn.
Dù có nhiều khó khăn, vất vả nhưng với tinh thần tấn công trấn áp tội phạm, chúng tôi quyết tâm và đã bắt được đối tượng Phạm Thị Tanh. Qua vụ án này, quần chúng nhân dân, nhất là những phụ nữ ở vùng nông thôn, cần phải nâng cao ý thức cảnh giác với thủ đoạn của bọn buôn người dưới hình thức giúp chị em xin việc làm với mức tiền công cao. Khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu khả nghi, cần báo cáo cơ quan chức năng để kịp thời xử lý”.
Phương Hiền - Văn Nam