Chuyện các chương trình truyền hình thực tế sử dụng các bài hát độc quyền của ca sĩ để thí sinh của mình thể hiện không phải là hiếm. Mỗi lần bị các "khổ chủ" phát hiện, đều gây ra những trận lùm xùm không đáng có, thế nhưng, không hiểu vô tình hay hữu ý mà các nhà tổ chức vẫn để xảy ra hết lần này đến lần khác.
Mới đây, quán quân Sao mai điểm hẹn 2012 Nguyễn Đình Thanh Tâm, đã "phàn nàn" về chuyện ca khúc Chạy mưa, vốn là ca khúc độc quyền của anh ( sáng tác Phạm Toàn Thắng ), được các huấn luyện viên Giọng hát Việt sử dụng để huấn luyện và cho thí sinh của mình là Thảo Nhi và My Hoàn biểu diễn.
|
Thảo Nhi và My Hoàn với ca khúc Chạy mưa độc quyền của Nguyễn Đình Thanh Tâm |
Trên trang cá nhân của mình, Tâm chia sẻ: "Chạy mưa là bài hát độc quyền của tôi, tôi không mong gì hơn là một lời ngỏ từ chương trình để sử dụng bài hát của tôi như là một phần dự thi của các thí sinh. Vậy mà chả thấy gì cả. The Voice to nên mình phải tránh chăng?".
Dù việc lên tiếng của Nguyễn Đình Thanh Tâm chỉ là ngoài lề, và các phát ngôn của anh không quá gay gắt, nhưng nó cũng khiến nhiều người nhớ lại những vụ tranh cãi kéo dài của các cuộc thi truyền hình thực tế trước đây và "ngán ngẩm" thay cho tình trạng vi phạm độc quyền tràn lan.
Cũng tại cuộc thi Giọng hát Việt, năm 2012, khi bài hát Nơi tình yêu bắt đầu của Bùi Anh Tuấn gây sốt giới trẻ, thì bỗng dưng nhạc sĩ Minh Tiến lên tiếng, cho biết Bùi Anh Tuấn và một số thí sinh của chương trình sử dụng ca khúc này của anh mà không hề xin phép.
Nỗi khổ của nhạc sĩ là bài hát đã được anh kí độc quyền với một hãng phim, trong khi bộ phim chưa ra mắt thì ca khúc đã được sử dụng tràn lan khiến anh "khó ăn khó nói" với đối tác.
Quán quân Việt Nam Idol 2010 Uyên Linh cũng lao đao với bài hát Đường cong. Kể từ khi hát Đường cong trong một đêm thi, bài hát đã tạo "sóng gió" trong cộng đồng và gắn liền với tên tuổi của Uyên Linh.
Cho đến khi nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và ca sĩ Thu Minh lên tiếng, nhiều người mới giật mình nhớ lại đây là bài hát độc quyền của Thu Minh trong album sắp ra mắt của ca sĩ bốc lửa này.
Việc Uyên Linh sử dụng mà không xin phép, lại sử dụng nhiều lần và ngoài dự thi có cả mục đích diễn nhận cát xê có nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Thu Minh. Giới chuyên môn nhận định, động thái "lên tiếng" trễ tràng của Thu Minh và Nguyễn Hải Phong là đã quá nhân nhượng với Uyên Linh, vì họ đã "cho qua" khi Uyên Linh sử dụng dự thi và biểu diễn nhiều nơi, chỉ đến khi sự việc có thể đi quá xa thì mới khẳng định sở hữu của mình. Vụ việc sau đó đã được giải quyết ổn thỏa với lời xin lỗi hơi muộn của Uyên Linh.
Trên thực tế, hầu hết các ca sĩ, nhạc sĩ khi bị thí sinh các cuộc thi âm nhạc vi phạm bản quyền, cũng chỉ là lên tiếng yêu cầu chấm dứt việc vi phạm, mong muốn một lời xin phép, xin lỗi chứ ít ai nghĩ đến chuyện đeo đuổi kiện tụng.
Một nhạc sĩ bị vi phạm bản quyền ca khúc bởi một thí sinh của cuộc thi âm nhạc đình đám gần đây đã chia sẻ: Thứ nhất là kiện thì gay gắt quá, thiên hạ bảo mình tạo scandal gây chú ý. Thứ hai là kiện tụng làm gì ở thời buổi bản quyền bị vi phạm nhan nhản mà hầu hết không bị xử lý như thế này. Lên tiếng cho thí sinh biết mà cẩn thận rồi thôi, dành thời gian mà sác tác còn có ích hơn!
Về phía các thí sinh, công bằng mà nói, không ít người vi phạm tác quyền ca khúc trong trạng thái... hồn nhiên.
Trước đây, việc tùy tiện sử dụng bài hát bất kì để biểu diễn, dự thi là "chuyện thường ngày ", chú ý đến chuyện xin phép chủ sở hữu trước khi sử dụng ca khúc chưa nằm trong ý thức của người đi hát, nhất là các thí sinh mới chân ướt chân ráo vào nghề. Khi bị phản ứng, họ xin lỗi, hoặc im lặng, rồi sự việc cũng "chìm xuồng".
Để tạo một thói quen mang tính văn minh, không phải là điều dễ dàng gì. Trách thí sinh một, người ta trách ban tổ chức mười.
Tôn trọng tác quyền, "có lời" với chủ ca khúc, thực ra chính là đạo lý "ăn quả- trồng cây" mà ban tổ chức và thí sinh cần thấu hiểu...
Ngọc Mai