Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ĐBQH sáng nay (18/4) do UBTVQH tiến hành, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, năm 2017 sẽ giải quyết hết hồ sơ người có công còn tồn đọng theo cơ chế phải mở, thông thoáng nhưng đảm bảo xác nhận đúng đối tượng, hạn chế được hồ sơ giả
Điều chỉnh, dừng trợ cấp 850 trường hợp
Để đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, đáp ứng nguyện vọng của người có công và toàn xã hội, kiên quyết khắc phục những thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện đầy đủ chính sách cho người có công và tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công theo các đối tượng khác nhau, năm 2014, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Kết quả tổng rà soát cho thấy, trong số 2.070.842 đối tượng được rà soát thì số đã hưởng đầy đủ chế độ là 1.982.769 trường hợp (chiếm 95,75%); số kê khai hưởng chưa đầy đủ là 86.201 trường hợp (chiếm 4,16%) và số phát hiện hưởng sai chính sách là 1.872 trường hợp (chiếm 0,09%).
Thừa nhận có tình trạng hồ sơ giả, 'lo lót' để hưởng chính sách NCC, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đã thống nhất với Bộ Quốc phòng đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Đến nay đã thanh tra 5 quân khu và 29 địa phương, nhất là những nơi có nhiều thông tin về hồ sơ giả. Các trường hợp thường là giả mạo hồ sơ để hưởng chính sách thương binh, chất độc hóa học, thanh niên xung phong…
Trong hơn 60.000 hồ sơ được thanh, kiểm tra đã phát hiện 12.000 hồ sơ có sai sót, 1.872 hồ sơ giả mạo (không đảm bảo cơ sở pháp lý và không đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi).
Đối với những trường hợp hưởng sai chế độ, chính sách, Bộ đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra rà soát lại từng trường hợp để có phương án giải quyết hợp lý, hợp tình, tạo sự đồng thuận của người có công và nhân dân.
Theo báo cáo của các địa phương, đối với 1.872 trường hợp hưởng sai chế độ. Sau khi xác minh, đã có kết luận 325 hưởng đúng; 850 trường hợp có quyết định điều chỉnh, dừng trợ cấp; 695 trường hợp đang phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh để kết luận và 02 trường hợp trùng đối tượng.
Những trường hợp hưởng sai chủ yếu tập trung vào chênh lệch tỷ lệ thương tật; phản ánh hưởng trợ cấp không đúng hoặc diện đã hết tuổi hưởng trợ cấp tiền tuất liệt sĩ hoặc tuất thương binh, bệnh binh.
Đã hỗ trợ cho 80.000 hộ người có công có khó khăn về nhà ở
Thực hiện chính sách hỗ trợ người có công có khó khăn về nhà ở, theo số liệu của Bộ Tài chính, giai đoạn 1 đã thực hiện hỗ trợ cho 80.000 hộ với tổng số kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương là 2.516 tỷ đồng. Còn 283.437 hộ đã được thẩm định nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí.
Vì vậy, Bộ LĐTB&XH đề nghị Bộ Xây dựng sau khi tổ chức sơ kết việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (giai đoạn 1), báo cáo Chính phủ sớm bố trí bổ sung nguồn kinh phí để tiếp tục hỗ trợ việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng.
Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, đã xem xét giải quyết đối với 86.201 trường hợp hưởng chưa đầy đủ, trong đó 68.290 trường hợp đã giải quyết bổ sung chế độ; 159 trường hợp sau khi kiểm tra, kết luận hưởng đúng; 7.477 trường hợp đang xem xét giải quyết, chưa có kết luận; 1.091 trường hợp không đủ điều kiện để hưởng thêm chế độ theo đề nghị của đối tượng và 9.184 trường hợp đề xuất về nhà ở.
Kết quả Tổng rà soát còn cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, các trường hợp kê khai là tồn đọng nêu trên chủ yếu là do không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ;
Nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết (bị chết, bị thương không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định) và có những trường hợp đã được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh (21% trở lên…
Cơ chế “mở” nhưng phải hạn chế được hồ sơ giả
Kết quả theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì cả nước có trên 5.900 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng sẽ “cơ bản giải quyết hết trong năm 2017” như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu.
Xác định rõ tính chất phức tạp của vấn đề, Bộ đã chỉ đạo giải quyết thí điểm hồ sơ tồn đọng tại 9 tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Long An và Đà Nẵng, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tiền Giang để rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai trên diện rộng.
Kết quả tại 09 tỉnh, thành phố triển khai trong đợt thí điểm, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ công tác Trung ương đã thống nhất đề nghị xác nhận 86 trường hợp người có công với cách mạng, bao gồm: 75 liệt sĩ (trong đó có 57 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp, 18 liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thời kỳ chống Mỹ.
Bộ LĐTB&XH xác định công tác giải quyết tồn đọng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần ưu tiên tập trung thực hiện với quan điểm là khẩn trương thực hiện nhưng phải đảm bảo chặt chẽ ở mức độ nhất định.
Cơ chế phải mở, phải thông thoáng nhưng xác định mở đến mức nào, thông thoáng đến mức nào để đảm bảo xác nhận đúng đối tượng, hạn chế được hồ sơ giả là nhiệm vụ hết sức khó khăn của cơ quan ban hành và tổ chức thực hiện chính sách này.
Còn 300.000 liệt sỹ chưa rõ danh tính
Day dứt nhất là còn 200.000 hài cốt liệt sỹ (LS) chưa được quy tập, đang nằm rải rác ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Nam và nước bạn Lào, Campuchia.
Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (
Đến ngày 1/1/2017 đã quy tập được 8.000 hài cốt LS. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH hứa sẽ “cùng Bộ Quốc phòng phấn đấu quy tập được các hài cốt LS càng nhanh, càng sớm, càng tốt vì chiến tranh đã qua lâu rồi”.
Bộ trưởng cũng cho biết Bộ LĐTB&XH đang thực hiện Đề án xác định danh tính LS còn thiếu thông tin, với giải pháp chính là xác định gien (ADN).
Thông qua việc lấy trên 12.000 mẫu sinh phẩm của quân nhân và số lượng tương đương mẫu sinh phẩm của gia đình để xác định ADN tại 3 đơn vị giám định. Thời gian qua đã xác định được danh tính cho 3.260 LS vô danh.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng, còn 300.000 LS chưa rõ danh tính. Tới đây, Bộ LĐTB&XH sẽ đề nghị bổ sung thêm 6 cơ sở giám định để xác định danh tính LS và báo cáo thành lập ngân hàng ADN cùng ngân hàng thông tin về mộ LS. “Như vậy sau này người dân có thể tự đến đối chiếu, tìm kiếm thân nhân đã hy sinh” – Bộ trưởng Dung cho biết.