Theo “Sách trắng” về tội phạm vừa được công bố, trong năm 2011, có đến 48.637 người Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên là đối tượng trong các cuộc điều tra hình sự, chiếm 16% số đối tượng bị điều tra. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất kể từ các số liệu này được thu thập lần đầu vào năm 1986.
Cảnh sát Nhật Bản ngày 5/12 đã đệ trình thêm một cáo buộc giết người đối với một người phụ nữ 64 tuổi, tên Miyoko Sumida. Theo hồ sơ của cảnh sát, Sumida và 6 người khác trong gia đình bà ta đã còng tay, nhốt một người đàn ông ở trên ban công nhà bà ta rồi bỏ đói nạn nhân cho đến chết.
|
Miyoko Sumida |
Những đối tượng này sau đó đã đặt thi thể của người đàn ông vào một chiếc hòm, đổ đầy xi măng vào đó và đem vứt xuống một cảng ở gần nhà của họ ở thành phố Amagasaki, tỉnh Hyogo, phía Tây Nhật Bản. Cách thức phi tang này khá giống với thủ đoạn của các băng nhóm mafia người Italia.
Cảnh sát cho rằng người đàn bà nói trên chính là chủ mưu của ít nhất 6 vụ giết người nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm hoặc lương hưu khác. Một trong các nạn nhân chính là chồng của Sumida – người đã “vô tình” trượt chân ngã khi đang đứng trên một vách núi cao khoảng 30m. Cảnh sát cho biết họ đã phát hiện được những bằng chứng cho thấy người đàn ông này có thể đã bị vợ ép phải tự tử.
Sau vụ “tai nạn” này, Sumida và gia đình đã nhận được 90 triệu yên tiền bảo hiểm. Ngoài ra, cảnh sát cũng đã tìm thấy thi thể của nhiều người trong những chiếc thùng bằng thép đổ đầy xi măng hoặc bọc trong chăn và giấu dưới nền căn nhà của họ. Sumida chính là người được thụ hưởng tài sản của những người nói trên sau cái chết bất thường của họ.
Chi tiết về những vụ giết người dã man này đã khiến nhiều người dân Nhật Bản phải giật mình sửng sốt, không chỉ bởi tính chất dã man của nó mà còn bởi vì thủ phạm trong các vụ việc này lại là một người 64 tuổi, đã có con cháu đề huề. Vụ việc cũng một lần nữa cho thấy làn sóng đang ngày mạnh những người già phạm tội ở đất nước mặt trời mọc.
Theo “Sách trắng” về tội phạm được công bố hồi tháng trước, trong năm 2011, ở Nhật Bản có đến 48.637 người từ 65 tuổi trở lên trở thành đối tượng trong các cuộc điều tra hình sự, chiếm 16% số đối tượng bị điều tra. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất kể từ các số liệu này được thu thập lần đầu vào năm 1986 và cao gấp 6 lần so với con số của 20 năm trước. Theo thống kê, số người già bị truy tố về tội cố ý gây thương tích đã tăng lên gấp 9 lần so với năm 1992, số vụ hành hung do người già thực hiện cũng đã tăng đến 49 lần so với cùng thời điểm.
Theo ông Kanematsu Nobuyuki Kanematsu – người sáng lập và cũng là Chủ tịch của Hiệp hội chống phân biệt đối xử với người có tuổi - một phần nguyên nhân của thực trạng trên là do nhiều người già đang gặp khó khăn về tài chính, bởi khoản lương hưu của họ thì không tăng lên nhưng chi phí sinh hoạt lại đang tăng nhanh chóng. “Thêm vào đó, khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng, khiến nhiều người nghèo phải trộm cắp và phạm những tội nhẹ để tồn tại” – ông Kanematsu nói.
Ngoài ra, ông Kanematsu cũng cho rằng sự thay đổi truyền thống gia đình cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm tội trong người già. Theo ông Kanematsu, nếu như trước đây những người ông, người bà thường sống cùng con cháu dưới cùng một mái nhà thì cho đến nay ngày càng có nhiều người già phải sống cùng vợ hoặc chồng hay một mình, tách biệt với gia đình và xã hội.
Chính vì thế, sự quan tâm, chia sẻ của con cháu với những người già dần mất đi, đẩy nhiều cụ ông, cụ bà vào việc phạm tội, mà nhiều khi là để được vào nhà tù ấm áp, được ăn uống và có bạn bè cùng lứa tuổi để hàn huyên, tâm sự.
Để giải quyết thực trạng này, chính phủ Nhật Bản đang chi đến 8,3 tỉ yên để xây 3 nhà tù mới được thiết kế đặc biệt cho các tù nhân là người già, để họ có được điều kiện sống phù hợp với sức khỏe của họ.
Minh Ngọc (Theo Strait Times)