"Ganh" hơn kém" bên vại bia, người chết, người vào tù

Không thù oán nhau nhưng từ việc suy diễn "trọng, khinh" khi mời nhau cốc bia, một người thiệt mạng, một người vào chốn lao tù, bỏ lại những đứa trẻ bơ vơ và những nỗi đau khó nguôi ngoai.

Chỉ vì “khái” nhau quanh mấy vại bia. Một người đã bị bị thiệt mạng, một người vào chốn lao tù, bỏ lại những đứa trẻ bơ vơ, và những nỗi đau khó có thể nguôi ngoai.

1. Nguyễn Kim Dũng sinh năm 1972, ở xã Hương Mai (Việt Yên, Bắc Giang) trong một gia đình đông anh chị em. Mới học xong lớp 9, Dũng đã phải bỏ học để đi làm thợ mộc kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Đời thợ mộc nay đây, mai đó, Dũng cũng dự tính cố gắng làm thuê, làm mướn cho các chủ thầu thêm một thời gian nữa, rồi tách ra, tự mở xưởng riêng của mình. Nhưng khi dự định đó chưa thực hiện được, anh đã phải vướng vào vòng lao lý.

Đó là ngày định mệnh 13/9/2010. Nguyễn Kim Dũng cùng chủ thầu là anh Minh đi từ Việt Yên đến nhà bà Bé (trú tại thôn Đồng xã Nguyên Khê – Đông Anh – Hà Nội) để lắp khung cửa gỗ cho nhà bà Bé.

Đến khoảng 12h cùng ngày, bà Bé mời người nhà và tốp thợ cùng ăn cơm uống bia, rượu với gia đình. Khi Dũng và mọi người đã uống được khoảng 3 cốc bia thì anh Lê Văn Thủy, là con rể của bà Bé có nâng cốc mời Dũng uống bia, nhưng Dũng không uống, lúc đó anh Ngô Văn Duẩn (sinh năm 1975, trú tại thôn Khê Nữ xã Nguyên Khê – Đông Anh – Hà Nội – là bạn anh Thủy) ngồi cùng mâm cũng mời Dũng uống bia, nhưng Dũng từ chối và đứng dậy bỏ lên bàn uống nước.

Anh Duẩn nghĩ Dũng khinh mình nên nói: “Mày không tôn trọng tao, tao mời mày cốc bia mà mày không uống”, rồi đuổi Dũng về. Dũng nói: “Tôi làm cho anh Minh, anh Minh đuổi thì tôi về”. Thấy Dũng nói vậy, anh Thủy bảo: “Nếu thế thì mời ông ra khỏi nhà tôi!”. Bị đuổi, Dũng đứng dậy, đi bộ theo đường liên thôn, qua cánh đồng để ra đường liên xã. Khi Dũng đi được khoảng gần 500m thì anh Duẩn đi xe máy đuổi theo, vượt lên phía trước Dũng rồi nói: “Mày quay lại ngay!”.

Dũng không nói gì, Duẩn vung tay đấm vào mặt Dũng, nhưng Dũng né được và tránh xe của anh Duẩn rồi đi tiếp. Đi được khoảng 5m, Dũng quay lại thì thấy anh Duẩn chống chân chống phụ của xe và chạy bộ đuổi theo mình. Nghĩ anh Duẩn đuổi theo để đánh mình, nên Dũng đã thò tay phải vào túi quần rút con dao gấp (có một lưỡi sắc dài khoảng 10 cm) đồng thời bật lưỡi dao.

Chỉ vì vài vại bia... Ảnh minh họa
Bi kịch xảy ra chỉ vì vài vại bia... Ảnh minh họa

Khi anh Duẩn đến gần thì Dũng vung tay phải cầm con dao đâm anh Duẩn rồi rút dao bỏ chạy. Vừa chạy, Dũng vừa gọi điện cho cháu ruột là Nguyễn Kim Thành đến cầu Phủ Lỗ để đón. Trên đường về, Dũng kể cho Thành nghe việc Dũng dùng dao đêm anh Duẩn một nhát, không biết sống chết ra sao. Anh Thành khuyên Dũng nên ra đầu thú. Dũng nói nếu anh Duẩn chết thì Dũng ra đầu thú, nếu anh Duẩn chỉ bị thương thì Dũng sẽ bỏ đi làm ở Quảng Ninh để lẩn trốn. Dũng ở lại nhà anh Thành đến 22h cùng ngày thì bị cơ quan điều tra phát hiện, bắt giữ.

Vết thương của anh Duẩn do Dũng gây nên đã làm anh Duẩn tử vong trước khi đến bệnh viện. Biên bản khám nghiệm pháp y cho biết anh Duẩn chết do mất máu cấp vì vết đâm trúng tim.

2. Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Kim Dũng, bà mẹ già của người bị hại lập cập ngồi trong phòng xử án. Đôi mắt người già đã mờ lại càng mù mịt hơn. Hết gọi con, bà lại chửi bị cáo. Nỗi đau mất đứa con trai út làm những đớn đau cả cuộc đời ngỡ như đã quên lại ùa về trong bà.

Bà Mùi (mẹ anh Duẩn) mồ côi cha mẹ từ khi còn bé tí. Bố mẹ bà mất trong một trận bom của giặc Pháp, để lại ba chị em bà đỏ hỏn nằm chỏng chơ trong chiếc nia ở căn nhà đổ nát. Nhờ lòng tốt của bà con hàng xóm, nay nhà này, mai nhà kia cưu mang giúp đỡ, ba chị em bà lớn dần nên, rồi làm thuê, làm mướn để nuôi nhau. 

 17 tuổi, bà lấy chồng và sinh được 6 người con. Khi Duẩn – con trái út của bà – lên 3 tuổi thì chồng bà mất. Khi các con lớn lần lượt lấy vợ, lấy chồng, muốn mẹ đến ở cùng, bà một mực chỉ ở với Duẩn. Từ ngày Duẩn mất, bà như người ngớ ngẩn. Đã qua 100 ngày con, nhưng bà vẫn không thể tin được đó là sự thật.  Mỗi lúc đau mình đau mẩy, trái gió trở trời, mà vẫn gọi tên đứa con trai thiệt phận, vẫn nằng nặc phải: Thằng Duẩn đi mua thuốc cho mẹ.

Chị Lụa – vợ anh Duẩn cũng nặng trĩu nỗi đau. Buổi sáng của phiên sơ thẩm, mấy mẹ con, bà cháu dắt díu nhau đến Tòa. Họ cứ ngồi im như tượng ngay trên sảnh lối cổng ra vào. Tôi hỏi, sao họ không vào phòng xử, muộn giờ rồi. Chị Lụa gục mặt vào di ảnh của chồng, òa khóc. Một lúc sau, chị nháo nhào tìm tôi nức nở: Em chẳng biết xử ở phòng nào.

Chị gái Lụa cho biết, từ ngày chồng chết, Lụa như điên như dại. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi có tiếng xe máy đầu ngõ, Lụa lại đứng phát dậy, tất tả chạy ra mở cửa ngỡ chồng về.

Hai đứa con Duẩn mồ côi cha khi còn quá bé. Vòng khăn trắng xô lệch trên đầu đầy thương cảm. Không được phép vào phòng xử án, hai đứa trẻ ngồi co ro với nhau bên ngoài hành lang. Khi Tòa nghị án, chị Lụa ra với con. Đứa con gái ôm di ảnh cha vào lòng, vuốt ve, ngắm nghía. Với nó, dường như khái niệm âm dương cách trở chưa hiện hình thành nỗi đau.

3. Không giống như hầu hết những phiên tòa xử tội Giết người, những tiếng khóc ai oán vang lên từ phía gia đình của người bị hại, còn ở phiên tòa này, gia đình người bị hại như đã mòn mỏi hết sức lực để có thể kêu khóc, và những người cố kìm nén những tiếng khóc lại là thân nhân của bị cáo. Trước vành móng ngựa, Dũng khai báo thành khẩn, và luôn tỏ thái độ ân hận, xin được tạ lỗi với gia đình nạn nhân. Dũng cũng không dám quay lại nhìn những người thân của mình.

“Anh Dũng ơi, anh quay lại mà nhìn con. Nó đứng ở cửa!”. Vợ Dũng vừa khóc, vừa nói với lên chỗ chồng. Nghe tiếng vợ, Dũng gục mặt, khóc nấc. Con gái Dũng cũng khóc lặng đi trong vòng tay người thân.

Khi được nói lời sau cùng, Dũng khó khăn nói trong cơn xúc động mạnh, và cố kìm nén tiếng khóc: “Tôi không dám tin là mình đã gây ra tội ác như vậy. Tôi không định giết anh Duẩn. Tôi không thù ghét gì anh ấy. Xin gia đình anh Duẩn hãy tha thứ cho tội lỗi của tôi. Tôi muốn được quỳ lạy trước mồ anh Duẩn để tạ lỗi với anh”.

Phiên tòa khép lại với mức án 16 năm tù dành cho Dũng, đồng thời buộc bị cáo phải có trách nhiệm với gia đình người bị hại. Với gia đình nạn nhân, án phạt đó chẳng bù đắp nổi nỗi đau của họ, nhưng với Nguyễn Kim Dũng, quả thật đó là mức án quá nặng.

Nếu như không có chuyện khái khích nhau quanh cốc bia, nếu như cả Duẩn và Dũng đều biết tự kìm chế mình thì những nỗi đau này sẽ chẳng xảy ra. Đây cũng là bài học cho những “đệ tử Lưu Linh” bên bàn nhậu. Hãy mời nhau nâng cốc một cách có văn hóa, vì tình thân, chứ không phải là miễn cưỡng hay ép buộc để dẫn đến những hậu quả đau lòng như thế.

Vân Tùng

Đọc thêm