Gạo “lạ” xuất hiện tại TP.HCM

Ngày 18-2, một người dân ở TP.HCM đã mua gạo từ một người bán dạo. Khi nấu xong hạt cơm chỉ to ra một chút so với gạo trước khi nấu, các hạt cơm rời ra chứ không dính lại với nhau như cơm thông thường. Hạt cơm cũng không hề đứt gãy dù đã bị dùng đũa xới tơi lên. Khi dùng tay vo lại, cơm đàn hồi như cao su.
Ngày 18-2, một bạn đọc ngụ TP.HCM báo tin bà đã mua nhầm gạo giả từ một người bán dạo.

Gạo “lạ” nấu ra cơm “lạ” - Ảnh: T.T.D.

Bạn đọc này kể: “Ngày 17-2, tôi được một người chạy xe đạp bán gạo dạo mời mua gạo Thái Lan hạt dài, ngon dẻo với giá 10.500 đồng/kg. Tôi mua thử 1kg gạo này. Gạo có hình dạng thon dài, màu vàng ngà đều tăm tắp, không hạt nào gãy đôi hay sứt mẻ.

Tôi đong nửa ký gạo nấu cơm và khi nấu xong hạt cơm chỉ to ra một chút so với gạo trước khi nấu, các hạt cơm rời ra chứ không dính lại với nhau như cơm thông thường. Hạt cơm cũng không hề đứt gãy dù tôi đã dùng đũa xới tơi lên. Khi tôi dùng tay vo lại, cơm đàn hồi như cao su.

Nếm thử, cơm không cho mùi vị thơm như quảng cáo của người bán. Tôi đem “thành phẩm” cho hàng xóm láng giềng xem và thật ngạc nhiên khi có rất nhiều bàn tay sờ, bốc vào cơm nhưng đến tận trưa 18-2 cơm vẫn không bị thiu, không đổi màu...”.

Gửi cho Tuổi Trẻ một ít gạo lẫn cơm “lạ” còn sót lại, bạn đọc trên cho biết bà mong người bán gạo dạo quay lại nhưng không thấy.

Chiều cùng ngày, chúng tôi mang một ít gạo nói trên cho ông Đào Quang Hưng, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), xem và ông nhận định: “Gạo này nhìn rất lạ, tôi chưa thấy từ trước đến nay”. Tuy nhiên theo ông Hưng, để kết luận có phải gạo giả hay không thì phải qua phân tích các chỉ tiêu lý hóa.

Ông Hưng khuyến cáo người dân không nên sử dụng loại gạo “lạ” này cho tới khi có kết luận chính thức từ cơ quan phân tích. Nói rõ hơn về điểm “lạ” của loại gạo trên, ông Hưng phân tích: “Gạo thông thường chỉ dài 6-7mm nhưng gạo này dài tới 10mm, bề ngang gạo này nhỏ hơn nhiều so với gạo thông thường. Gạo tốt nhất ở VN hiện nay có khoảng 5% tấm thì loại gạo này mười hạt như mười, không có tấm. Về màu sắc cũng có nhiều điểm bất thường, gạo “lạ” trong suốt không có chút bạc bụng như gạo thường và cũng không có phôi nhũ”.

Nguồn: tuoitre.vn

Đọc thêm