Doanh nghiệp chủ động vào cuộc
Mới đây, thông tin lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh gạo lớn trên nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã khiến cho người tiêu dùng (NTD) bất ngờ. Thông tin công bố từ Tổng cục QLTT cho thấy, sau hơn 3 tháng theo dõi, giám sát, 3 đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, 5 và 15 thuộc Cục QLTT TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất 6 cơ sở kinh doanh gạo nằm rải rác trên địa bàn 3 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và huyện Hoài Đức có dấu hiệu kinh doanh sản phẩm giả mạo thương hiệu gạo ST25 Ông Cua (thương hiệu của “cha đẻ” giống gạo ST25).
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, tổng số lượng gạo giả nhãn hiệu và bao bì Ông Cua của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hồ Quang Trí (là chủ sở hữu giống gạo đã từng 2 lần đoạt giải gạo ngon nhất thế giới) tại 3 cơ sở do Đội QLTT số 1 kiểm tra là 135 túi gạo thành phẩm loại 5kg và 700kg gạo chưa đóng cùng hơn 1.000 bao bì giả mạo và các thiết bị để đóng gói gạo giả.
ST25 là giống gạo đầu tiên của Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019. Sau khi thông tin này được công bố, hàng loạt vụ việc đăng ký độc quyền nhãn hiệu ST25 ở nhiều quốc gia như Mỹ, Úc… cũng đã xảy ra. Thời điểm ấy, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phải vào cuộc, cùng DNTN Hồ Quang Trí (đơn vị sở hữu giống gạo ST25) phản đối việc đăng ký thương hiệu gạo ST25 ở các quốc gia khác. Cùng lúc, DNTN Hồ Quang Trí đã bắt tay vào thực hiện đăng ký sở hữu thương hiệu gạo ST25 mang nhãn hiệu Ông Cua tại các quốc gia này.
Trả lời PLVN, ông Trần Quang Vũ - đại diện cho DNTN Hồ Quang Trí trong việc bảo vệ nhãn hiệu gạo ST25 Ông Cua tại thị trường trong nước và quốc tế cho biết, hiện doanh nghiệp đã bảo vệ thành công thương hiệu ST25 Ông Cua ở nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu, Vương quốc Anh, Úc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Việt Nam và hiện đang đăng ký thương hiệu ở Canada.
Ông Vũ cho biết thêm, ngay sau năm 2019 khi gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới, trên toàn quốc đã xuất hiện rất nhiều loại gạo giả mạo ST25 và bán tràn lan. Nhưng chỉ sau khi thực hiện đăng ký và bảo hộ thành công thương hiệu thì các cơ quan chức năng mới có cơ sở để xử lý các cơ sở bán gạo ST25 Ông Cua giả mạo. Ông Vũ “bật mí”, việc kiểm tra đồng loạt các cơ sở gạo bán giả mạo nhãn hiệu cách đây 10 ngày do lực lượng QLTT thực hiện là bắt đầu từ việc theo dõi, giám sát và nắm bắt được các cơ sở gạo giả mạo nhãn hiệu của chính đơn vị sở hữu gạo Ông Cua. Sau khi nắm bắt được các cơ sở sản xuất giả mạo lớn nhất, DNTN Hồ Quang Trí đã chính thức báo cáo và đề nghị lực lượng QLTT vào cuộc nhằm bảo vệ thương hiệu cũng như quyền lợi của NTD.
Cần nhiều cơ quan vào cuộc bảo vệ thương hiệu
Ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc Công ty MiBrand (đại diện của Công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance tại Việt Nam) cho rằng, trong việc bảo vệ thương hiệu - tài sản vô hình của DN, ngoài trách nhiệm bảo vệ thương hiệu của chính DN (bằng cách đăng ký bảo hộ thương hiệu) thì cần có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng như lực lượng QLTT hoặc công an thì DN mới được bảo vệ, nếu không thì thương hiệu DN sẽ dễ bị “tổn thương”.
Theo ông Mạnh, DN tự bảo vệ thương hiệu của mình bằng cách công bố nhãn mác bao bì chính thức cho toàn thị trường, có mã QR code để truy xuất nguồn gốc. Và NTD phải được lưu ý, nhắc nhở nhiều hơn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hoặc khi cảm thấy nghi ngờ nhãn mác, không tìm thấy công cụ nào để truy xuất nguồn gốc thì nên từ chối mua và thực hiện quyền tố giác với các lực lượng chức năng.
Ông Trần Quang Vũ cho biết, ngay sau khi nhận thức được việc cần bảo vệ nhãn hiệu của giống gạo ST25, đồng nghĩa với việc bảo vệ NTD, cũng như DN và người nông dân tốt nhất, DNTN Hồ Quang Trí cũng đã có nhiều cách thức để bảo vệ nhãn hiệu của mình. Tuy nhiên, do các đối tác làm giả rất tinh vi, tem thật và tem giả nhiều khi không thể phân biệt được, thậm chí, có đối tượng còn làm giả “lừa” được cả phương thức quét mã QR của zalo (cách thức hiện rất nhiều NTD sử dụng để nhận diện hàng thật - giả) nên việc bảo vệ nhãn hiệu cũng ngày càng khó khăn. Do đó, hiện DN “cha đẻ” của giống ST25 đã thực hiện cấp mã số cho từng bao gạo và NTD có thể kiểm tra mã số này qua ứng dụng icheck. “Đây là cách xác thực duy nhất mà các đối tượng làm giả vẫn chưa làm được” - ông Vũ khẳng định.
Ông Lại Tiến Mạnh cũng khẳng định, việc sử dụng các công cụ để xác thực, xác minh nguồn gốc hàng hóa là rất cần thiết để bảo vệ thương hiệu trong giai đoạn hiện nay. “Các hành động bảo vệ thương hiệu qua đó bảo vệ quyền lợi của NTD này sẽ khiến DN tốn kém hơn nhưng thực sự là cần thiết. DN phải đầu tư hệ thống để bảo vệ tài sản vô hình của mình. Ngoài đầu tư ra thì cần phải truyền thông để xác lập quyền sở hữu với thương hiệu sản phẩm, để khẳng định sản phẩm thật của mình” - ông Mạnh nói.